Bởi lẽ mỗi động tác bấm nút đối với từng điểm chỉnh sửa trong dự thảo sẽ để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ, cho nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ phát triển của đất nước.
Chẳng hạn, sau này người dân sẽ đánh giá thế nào khi mà họ muốn một bản Hiến pháp có thể viện dẫn để bảo vệ quyền của mình, và cần một nơi chốn để kêu đến khi quyền hiến định của mình bị vi phạm, nhưng “nơi chốn” đó lại không được thiết lập trong Hiến pháp 2013?
Người dân khi cần có thể dựa vào Hiến pháp để khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình được không? Thẩm phán khi cần phải viện dẫn các điều khoản Hiến pháp để bảo vệ công lý không?
Sửa Hiến pháp 1992 lần này và các đạo luật liên quan có đạt được bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa về quyền tự do sở hữu, tự do hợp đồng, tự do kinh doanh, bình đẳng và cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế không?
Hiến pháp có giúp những thành quả của phát triển, các nguồn lực của quốc gia, của xã hội được phân phối một cách công bằng?
Sửa Hiến pháp lần này có củng cố vị thế của những người đại diện cho mình, hay vẫn không có thay đổi căn bản về hệ thống bầu cử, sự độc lập, tránh kiêm nhiệm, tránh xung đột lợi ích trong hoạt động của đại biểu?
Sửa Hiến pháp đã tạo sự ràng buộc các thiết chế công quyền chưa để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, tận tâm phục vụ dân? Sửa Hiến pháp đã đủ để tạo ra niềm tin rằng nhân dân có thể trông cậy vào các cơ chế hiến định để bảo vệ các quyền, tự do của mình, để được sống trong sự an toàn?
Theo thống kê, hầu hết điều khoản của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa. Thế nhưng quan trọng hơn nhiều, “sửa” phải dẫn đến “đổi”. Những thành tựu kinh tế đã đạt được trong vài thập niên qua chứng minh sự đúng đắn của những điều chỉnh Hiến pháp vào năm 2001. Những sửa đổi trong Hiến pháp lần này cần được mở rộng và đẩy mạnh hơn, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo của Việt Nam, để làm sao đừng làm hụt hẫng kỳ vọng lớn lao của nhân dân.
Các ĐBQH bấm nút không chỉ cho hiện tại, mà cho cả tương lai phát triển của cả đất nước. Bởi vậy bấm rồi không phải là đã xong, mà “thời gian sẽ kiểm chứng lần bấm ấy”.
Không chỉ hậu thế đánh giá, nhiều năm về sau, khi nhớ lại lần bấm nút của mình về Hiến pháp, rồi nhìn lại những tác động của Hiến pháp mang lại cho người dân, cho xã hội, cho đất nước, bản thân mỗi ĐBQH sẽ cảm thấy tự hào hay ám ảnh? Điều đó phụ thuộc vào động tác bấm nút của các đại biểu “sửa” Hiến pháp có dẫn đến sự thay đổi tốt đẹp cho người dân, cho đất nước hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận