Lúc ấy, chúng tôi kiếm sống bằng cách nhặt nhạnh, mua lại những mảnh formica vụn và gỗ tạp, ván ép, chế biến thành những tấm bảng điện. Được giao nhiệm vụ tiếp thị và bán hàng, tôi lần mò tìm vào chợ Kim Biên.
Chưa quen với cung cách mua bán ở đây, hầu như ngày nào tôi cũng phải chở thùng hàng đi từ đầu chợ đến cuối chợ. Ngày thứ ba có một người chặn tôi lại: “Bán gì vậy? Bỏ đây một ít coi!”. Vài hôm sau, cũng người đó kêu thêm hàng, thanh toán số tiền hàng đã lấy hôm trước. Mấy sạp gần đó cũng gọi tôi lại.
“Sản phẩm” của tôi bắt đầu chính thức có mặt tại khu chợ bán sỉ đồ điện có tiếng ở TP.HCM này.
Ngày thành công nhất của tôi ở đây là ngày tôi nhận được một cái vỗ nhẹ vào vai: “Ê, giao cho A Chánh ít hàng coi!”. Dân buôn bán ở đây đều biết tiếng người này. Đó là một phụ nữ trông có vẻ tầm thường và lam lũ. Đặc điểm của bà này là không bao giờ biết cười và cũng chẳng bao giờ thèm ăn nói nhỏ nhẹ. Buôn bán cứ như đuổi khách, nhưng lượng hàng hóa lưu thông cao nhất nhì trong chợ. Mặt hàng nào cũng có, số lượng lớn, giá cả mềm... và thế là đủ!
Vào thời đó, hình ảnh một phụ nữ xồ xề ngồi quát vào điện thoại: “Lấy bao nhiêu, chừng nào cần?” rồi hàng hóa đóng gói chở đi giao chất đầy cả xe tải, địa chỉ giao hàng có khi tới tận... Côn Đảo cho thấy “uy lực buôn bán” của A Chánh.
Không học về kinh tế, nhưng những kiến thức vỡ lòng về buôn bán ở chợ Kim Biên là những bài học rất quý giá đối với tôi: mua bán dễ dàng, khỏi cần giấy tờ, chữ ký, hợp đồng... chỉ cần chữ tín. Bạn ra đó lấy hàng một, hai lần, trả tiền sòng phẳng là lần sau cứ việc kêu hàng thoải mái qua điện thoại, hoặc gửi một cái “toa” - giống như đơn đặt hàng, chữ viết ngoằn ngoèo sao cũng được - tiền hàng trả gối đầu, có khi đến tận cuối năm mới phải thanh toán hết, hoặc có thể lâu hơn nếu là mối quen! Đối với nhà sản xuất như chúng tôi, có chỗ tiêu thụ hàng không lựa chọn, lấy nhiều và đều đều là đủ.
Không phải cường điệu khi nói rằng khu chợ này đã nuôi sống chúng tôi suốt mấy năm, kịp cho anh em tôi ăn học và tốt nghiệp để kiếm được một việc làm đàng hoàng theo ước nguyện của cha mẹ.
Tốt nghiệp đại học, tôi hăm hở đi làm. Cầm trên tay phong bì của tháng lương đầu tiên, tôi hơi bị... sốc: số tiền này không bằng 1/10 số tiền tôi kiếm được ở một nơi ồn ào và bụi bặm như chợ Kim Biên!
Từ ngày 14 đến 20-3-2012, ban tổ chức cuộc thi “Đời chợ và tôi” đã nhận được bài dự thi của các độc giả: Minh Hiếu, Trần Văn Tám, Phương Trí, Trần Ninh Bình, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Yến, Ngọc Huyền (TP.HCM); Nguyễn Văn Học, Phạm Văn Mão, Huỳnh Văn Diệu (Đà Nẵng); Ngọc Hạnh (Bình Dương); Nguyễn Chiêu Dương, Ngọc Diệp (Trà Vinh); Phạm Thị Tám, Minh Thùy, Nguyễn Ngọc Sáng (Cần Thơ); Nguyễn Thị Huệ (Bắc Kinh); Nguyễn Phi Hùng, Ngọc Tấn (Phú Yên); Nguyễn Thành Công (Cà Mau); Nguyễn Văn Công (Biên Hòa); Thủy Tiên, Khuê Việt Trường, Võ Thị Lương (Nha Trang); Thúy Nga (Vũng Tàu); Hoàng Ninh (Đắc Nông); Nguyễn Văn Hùng, Dương Thị Hiền (Huế), Lê Tấn Thời (An Giang), Bùi Văn Tuyển (Học viện Báo chí tuyên truyền), phamdinhduoc@gmail.com, hoangtuqh2002@gmail.com, s.phuocpham@gmail.com, nhubang55@yahaoo.com. Ban tổ chức cảm ơn các bạn đọc và tiếp tục chào đón bài dự thi của quý độc giả tại địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và email: thihangviet@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận