04/04/2005 09:33 GMT+7

Dưa hấu đắng vùng biên

Bài, ảnh: TUẤN PHÙNG
Bài, ảnh: TUẤN PHÙNG

TT - Tình trạng dưa hấu rớt giá, ứ đọng tại vùng biên giới xứ Lạng đã kéo dài gần một tháng qua làm các chủ hàng dở khóc dở cười.

m6hTl2Om.jpgPhóng to
Đoàn xe chở dưa xếp hàng dài nhiều cây số
TT - Tình trạng dưa hấu rớt giá, ứ đọng tại vùng biên giới xứ Lạng đã kéo dài gần một tháng qua làm các chủ hàng dở khóc dở cười.

Ngày 2-4, chúng tôi có mặt tại chợ Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc), nơi đây không còn chỗ cho xe tải chở dưa hấu từ VN chen vào. Trong khi đó mỗi ngày vẫn có khoảng 200 xe tải chở 2.000-3.000 tấn dưa nối đuôi nhau dài hàng cây số dọc đường lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Rồng rắn nằm chờ

Ngày 2-4, đoàn xe tải chở dưa gần 200 chiếc kéo nhau qua cửa khẩu sang chợ Pò Chài, nhưng đến chiều vẫn còn hơn 50 chiếc nằm chờ vì có sang được cũng không còn chỗ đậu. Thế mà chỉ sau một đêm, đến sáng 3-4, đoàn xe mang biển số Bình Định, Quảng Ngãi... đã kéo dài thêm 3km đậu tới sát con dốc trước đồn biên phòng Tân Thanh. Xe dưa đậu thành hàng ba, một số xe dưa đã bắt đầu thối, nước chảy xuống đường.

cKrqo1sP.jpgPhóng to
Dưa ế được... cho không các em học sinh
Ngược với đoàn xe nằm chờ là cả chục chiếc xe từ bên kia biên giới trở về mang theo năm bảy tấn dưa ế ẩm. Xe 54N-7874 chở sang 15 tấn dưa phải mang về 2 tấn, xe 82K-2013 mang về 7 tấn. “Tôi chờ ở đây đã ba đêm, bốn ngày rồi. Mỗi ngày ra vào bãi xe ba lần bị thu phí hết 600.000đ trong khi dưa vẫn còn nửa xe” - anh Nguyễn Văn Tú (xe 99K-3835) than thở trước khi quay đầu xe về Bắc Ninh bán để vớt vát đồng tiền công chở thuê.

Khắp các nẻo đường ở khu vực cửa khẩu giờ đây đều nồng mùi dưa hấu bị thối. Trẻ con sau giờ học đi bới từng đống rơm tìm dưa ế trên những chiếc xe tải vừa chạy về từ bên kia biên giới. Bãi xe Pò Chài dường như không còn chỗ đậu, dưa đẹp xếp thành đống, dưa hỏng đổ ngổn ngang. Nhiều xe không bán được phải nộp phí thu gom rồi đổ những đống dưa bắt đầu thối rữa để quay xe về nước.

Anh tài xế tên Hương đã nằm đây bốn ngày cho biết bà chủ hàng của anh đánh sang hai xe dưa (40 tấn) đợi mãi mới bán được hàng. Dưa lấy ở Bình Định 2.000đ/kg sang đây bán được 1.600đ/kg (hơn 0,8 nhân dân tệ/kg, giá đổi tại chợ Pò Chài 1 NDT = 1.896 VND). Tính cả cước phí cùng hàng tấn dưa hư hao, chỉ riêng hai xe dưa chủ hàng đã lỗ 50 triệu đồng. Một chủ hàng từ Quảng Ngãi lỗ ba xe dưa mất gần 100 triệu đã lên cơn huyết áp phải cấp cứu tại Trung Quốc (TQ).

Bán đổ bán tháo

Thương nhân TQ mua dưa hấu của VN không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Quảng Tây mà còn đưa vào sâu trong nội địa. Phần lớn các loại dưa được mua có trọng lượng dưới 5kg, không móp méo và còn tươi, song loại dưa như vậy quá ít vì trong quá trình vận chuyển không tránh khỏi dưa bị ủ thối nhiều.

Theo ông Trần Hải Đăng, phó chi cục Hải quan Tân Thanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dưa rớt giá và ùn tắc là do nhà nước TQ chưa có biện pháp điều tiết lượng hàng, giá cả mà thả nổi việc buôn bán. Đặc biệt là các chủ hàng của VN kinh doanh theo dạng biên mậu không ký những hợp đồng dài hơi với các đối tác TQ, đến khi cung vượt cầu họ lại giảm giá, ép giá. Nếu các hiệp hội nông sản của VN có thể ký kết các hợp đồng dài hơi sẽ chấm dứt được chuyện này.

Có những xe dưa nằm chờ dài cổ đành bán nguyên cả xe không cần cân đong với giá 3.000 NDT (khoảng 6 triệu đồng) để quay về. Những quả dưa nặng 4-5kg bày bán khắp nơi chỉ với giá 1.000-1.500đ/quả. Phơi không được, muối không xong, giá dưa rẻ như cho. Tình hình khó khăn của vụ dưa năm 2002 lại tái hiện: xe dưa vẫn ra vì hàng đã lỡ gom và đặt mua cả vụ, rẻ cũng phải cố bán, tranh bán để gỡ gạc vốn.

Chủ hàng tên Cúc cho biết những xe mang được hàng về còn may hơn những chiếc phải trả 200.000-300.000đ phí vệ sinh để đổ dưa bên chợ Pò Chài. Một tấn dưa mua ở Bình Định, Quảng Ngãi giá rẻ cũng mất 700.000đ, cộng với chừng ấy tiền thuê xe chở thành 1,4 triệu. Một xe chở ít nhất 15 tấn đã mất hơn 20 triệu tiền hàng và tiền cước, nhưng sang Pò Chài bán kiểu gì cũng lỗ vốn.

Theo chị Cúc, nhiều chủ hàng phải “bán vo” (bán không phải cân đong) cả xe dưa 20 tấn cho thương nhân TQ với giá 6.000 NDT (gần 12 triệu đồng) chịu lỗ nặng. Theo nhiều chủ hàng, các loại dưa sọc, dưa An Tiêm, dưa nước chở qua biên giới từ đầu tháng ba có giá 1,3-1,8 NDT/kg nhưng đến nay tụt xuống 0,4-0,7 NDT/kg.

Cánh tài xế cũng khổ lây vì dưa rớt giá quá. Chở một xe dưa từ Bình Định, Quảng Ngãi ra mất ba bốn ngày, tiền xăng dầu, chung chi các khoản dọc đường mất khoảng 7 triệu. Đến nơi, đợi cả ngày mới sang được TQ rồi chờ chực bốn năm ngày mới bán hết hàng. “Một xe phải đi 2-3 người, ăn uống dè dặt lắm cũng phải hết 100.000đ/ngày. Qua cửa khẩu mỗi người hết 160.000đ. Tiền cước chủ hàng thường trả sau nên đợt này nhiều tài xế phải ký nợ quán ăn” - một tài xế than thở.

Anh Nguyễn Văn Minh, tài xế xe 77K-5359, chở 18 tấn dưa (loại 1.500đ/kg) sang TQ chỉ bán được 9 triệu đồng, chủ hàng lỗ 18 triệu đồng, anh bị thiệt 3 triệu đồng tiền công, nhưng với anh thế vẫn còn may mắn hơn nhiều người khi chủ hàng bán dưa mà không trả đủ một nửa tiền thuê chở. Chủ hàng cũng như cánh tài xế hiện ai nấy đều méo mặt vì mùa dưa hấu đắng.

__________________

7WBKwFxI.jpgPhóng to
Ông Bạch Quốc Khang - cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối:

Nhà nước có thể giúp gì?

Quả thật hiện tượng trái cây và rau quả ứ đọng tại cửa khẩu cứ diễn đi diễn lại từ nhiều năm nay, gây thiệt hại không chỉ đối với thương nhân mà cả những người trồng cây ăn trái và rau quả. Đây cũng là mặt tiêu cực của hoạt động buôn bán tiểu ngạch, các thương nhân VN không ký kết hợp đồng trước cũng không thăm dò thị trường, do đó rất nhiều rủi ro và không ổn định. Nhiều thương nhân xem khu vực này như là chợ, trái cây và rau quả chở đến rồi giao hàng cho thương nhân Trung Quốc theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Theo tôi, để hạn chế những rủi ro này, các thương nhân nên tiến hành ký hợp đồng trước, trong đó qui định cụ thể sản lượng, chủng loại hàng, giá cả... Còn về lâu dài Nhà nước phải nhúng tay vào, không phải là bán hàng thay cho thương nhân mà Nhà nước phải đầu tư hệ thống hạ tầng chợ mậu biên. Nếu chúng ta có hệ thống chợ mậu biên hoàn chỉnh, với kho tàng bến bãi, đặc biệt là hệ thống kho lạnh bảo quản, chất lựơng trái cây và rau quả sẽ không bị kém như hiện nay. Tôi lấy ví dụ trái cây được đưa đến chợ mậu biên sẽ được phân loại, vô bao và đóng gói trước khi giao cho nhà nhập khẩu, giá cả sẽ ổn định hơn vì chất lượng được đảm bảo.

Bài, ảnh: TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên