27/05/2014 13:25 GMT+7

Giá cước tăng, chủ hàng vẫn "lụy" nhà xe

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Giá cước vận tải đã tăng, thậm chí có loại tăng đến 100% so với thời điểm trước ngày 1-4-2014 khi cả nước ra quân kiểm tra xe quá tải. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đang than trời không chỉ vì chi phí tăng vọt, mà còn vì thuê xe khó khăn... kéo theo một số mặt hàng giá bán lẻ tăng nhẹ.

Công bố tải trọng 153 cầu, đường tại TP.HCM521 xe chở quá tải bị xử phạt 4,5 tỉ đồng

1utqfUvm.jpgPhóng to
Giá cước vận chuyển rau củ từ Đà Lạt về TP.HCM đã tăng từ 500.000-750.000 đồng/tấn - Ảnh: Mai Vinh
He022hlh.jpgPhóng to
Không như trước, để tránh quá tải, nhà xe vận chuyển rau từ Đà Lạt đi TP.HCM đã chất hàng đúng tải, gọn gàng - Ảnh: Mai Vinh

Theo ông Đinh Nam Dinh - chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) ôtô số 9 (TP.HCM), giá cước vận tải hàng hóa hiện nay tăng 30-80% so với trước ngày 1-4-2014. Mức tăng tùy theo xe đã chở hàng quá tải nhiều hay ít. Chẳng hạn trước đây xe chở hàng quá tải 50%, nay giá cước tăng 30-40%; còn xe chở lượng hàng quá tải 70-100%, nay giá cước vận tải tăng đến 70-80%, thậm chí có xe phải tăng 100%.

Bấm bụng với giá cước

Một chủ xe ở HTX vận tải số 10 dẫn chứng nếu như trước đây xe chở sữa hộp, nước mắm từ Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đi Đắk Lắk giá cước 500.000 đồng/tấn, nay tăng lên 1 triệu đồng/tấn. “Bởi vì chiếc xe tải 15 tấn nhưng trước đây đã chở đến 30 tấn hàng, nay xe chở hàng đúng tải nên giá cước tăng gấp đôi” - vị chủ xe này giải thích. Tương tự, một chủ xe chuyên chở cà phê từ Buôn Ma Thuột về TP.HCM trước đây giá cước 400.000 đồng/tấn, nay giá cước tăng lên 800.000 đồng/tấn. Theo chủ xe này, trước đây xe 14 tấn nhưng đã chở đến 30-35 tấn hàng, nay không còn chở quá tải buộc phải tăng giá mới bảo đảm đủ chi phí và có lợi nhuận.

Việc tăng giá cước vận tải cũng làm không ít chủ hàng lo lắng. Cán bộ một công ty kinh doanh thuốc lá ở TP.HCM cho biết giá cước thuê xe vận chuyển thuốc lá từ TP.HCM ra các tỉnh phía Bắc tăng đến 30% là quá cao. Kế hoạch sản xuất năm 2014 đã tính chi phí vận chuyển thuốc lá và có tính dự phòng giá cước vận tải tăng khoảng 10% trong trường hợp giá nhiên liệu tăng. Nay giá nhiên liệu không tăng mà giá vận chuyển tăng 30% khiến kế hoạch năm 2014 không đạt yêu cầu.

Trước đây xe 27 tấn chở xoài từ Tiền Giang ra biên giới Lạng Sơn xuất qua Trung Quốc có giá vận chuyển 70-75 triệu đồng/xe, nay tăng lên 114 triệu đồng/xe. Tương tự, xe chở thanh long từ Sài Gòn ra Hà Nội trước đây giá 60-70 triệu đồng/xe 20 tấn, nay tăng lên 90 triệu đồng/xe 20 tấn. Do đây là mặt hàng tươi nếu để lâu dễ hư hỏng nên chủ hàng đành bấm bụng với giá cước tăng cao vì không dễ tìm được xe thuê.

Chi phí tăng vọt

Trước tình hình giá cước vận tải tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đang than trời không chỉ vì chi phí tăng vọt, mà còn vì thuê xe khó khăn.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thiên Nam (Bình Dương) cho biết trước đây cước chuyển hàng từ cảng Cát Lái về kho của công ty khoảng 2 triệu đồng/chuyến thì nay tăng lên 2,2 triệu đồng/chuyến, một số hãng đòi tăng lên 2,3 triệu đồng/chuyến. Từ Cát Lái về Long An tăng thêm 600.000 đồng/chuyến.

Tuy nhiên, chi phí tăng thêm còn cao hơn số tiền cước tăng rất nhiều. Nếu trước đây lô hàng vận chuyển bằng bảy container thì nay với số lượng tương đương phải lên mười container. Chi phí trả cho hãng tàu tốn kém thêm rất nhiều. Chưa kể với bảy container trước đây, tiền vận chuyển khoảng 14 triệu đồng từ cảng về kho thì nay phải trả lên đến 22 triệu đồng, tăng thêm tới 8 triệu đồng. Đó là chưa kể nếu doanh nghiệp dùng dằng, chậm trễ, các doanh nghiệp vận tải ngay lập tức bỏ hàng, từ chối vận chuyển. Tìm hãng xe khác thời điểm này không dễ. Câu trả lời nhận được thường xuyên là hết xe, hoặc nếu còn xe cũng đưa ra giá cước trên trời.

Bà Nguyễn Thị Hoan, làm việc tại văn phòng đại diện Công ty Tong Teik Pte Ltd tại TP.HCM - nhà cung cấp bông vào thị trường VN, cho biết rất nhiều khách hàng của hãng này đang như ngồi trên lửa vì giá cước tăng mà không dễ tìm được doanh nghiệp vận tải chấp nhận vận chuyển.

Theo bà Hoan, quãng đường vận chuyển từ cảng Hải Phòng về một số khu công nghiệp ở Hà Nội siết tải trọng rất chặt. Trong khi đó, mặt hàng bông không thể dỡ ra để giảm tải trọng ở cảng được vì doanh nghiệp không có kho. Doanh nghiệp vận tải sợ bị phạt quá tải nên không dám nhận chở hàng. Có doanh nghiệp mỗi tháng nhập hàng trăm container nguyên liệu sản xuất, nay phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp vận tải. Chưa thương lượng được nên phải nằm hàng loạt ở cảng. “Chi phí mỗi container vài chục USD mỗi ngày. Với số lượng hàng trăm container thì thiệt hại của doanh nghiệp là cực lớn” - bà Hoan nói.

Bà Hoan đề xuất với những mặt hàng khó có thể tiến hành giảm tải trọng trong container ở cảng, phía nhà xuất khẩu lại chưa chấp nhận đóng trọng lượng theo chuẩn riêng cho thị trường VN thì cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vận chuyển theo trọng lượng container chuẩn của thế giới.

Bán lẻ tăng theo

Cước vận tải tăng đã tác động khá mạnh lên giá bán lẻ một số mặt hàng thời gian qua. Cụ thể, giá thép, ximăng bán lẻ trên thị trường đã tăng ít nhất hai lần kể từ khi chính sách siết xe chở quá trọng tải được áp dụng. Hiện giá thép bán lẻ giữ mức 15,1-15,29 triệu đồng/tấn, tăng 300.000-350.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 4-2014, ximăng dao động 86.000-89.000 đồng/bao, tăng 2.000-3.000 đồng/bao (tùy thương hiệu).

Ông Lê Dũng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Nghĩa Dũng (Q.10, TP.HCM), giải thích việc các đại lý bán lẻ tăng giá bán là điều bắt buộc, khi chi phí vận chuyển đồng loạt tăng thêm 1.500-1.700 đồng/km so với trước vì nhà xe chạy đúng tải, không thể “cõng” thêm tải trọng dư nên số lần chuyên chở cũng phải tăng nhiều hơn trước.

Điều đáng nói là so với mức tăng của các điểm bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ điều chỉnh giá bán một lần, trong khi các doanh nghiệp ximăng dù không điều chỉnh giá bán từ đầu nguồn nhưng do cắt bỏ khuyến mãi đối với các đại lý, nên giá bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng đều tăng so với trước.

Mặt hàng rau, củ cũng bị tác động, theo nhiều nhà vườn tại Đà Lạt (Lâm Đồng), hiện giá cước mỗi tấn hàng vào khoảng 700.000 đồng/chuyến. “Cứ mỗi ký hàng lên xe là tăng thêm 650 đồng, bất cứ mặt hàng gì” - bà Xuân, chủ vựa khoai tây, rau củ tại chợ Đà Lạt, cho biết. Theo bà Xuân, giá cước nhích dần từ 500.000 đồng lên 750.000 đồng/tấn cho đến thời điểm này.

Mặc dù giá cước tăng mạnh, nhưng giá rau củ đưa đi TP.HCM lại không tăng. Theo giải thích của nhiều chủ vựa, giá cước tăng chỉ nhà vườn chịu thiệt khi giá liên tục phải ép xuống. Cải thảo hiện “hút” hàng nhất cũng chỉ ở mức 3.800 đồng/kg tại vườn, giảm 300-400 đồng/kg do cước vận tải. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thừa, chủ nhiệm HTX rau Anh Đào, cho biết hiện cước vận tải của nhiều đơn vị đã tăng 100% so với trước đây. Bên cạnh yếu tố thời tiết, mùa vụ, cước vận tải cũng tác động mạnh tới cơ cấu giá khiến nhiều mặt hàng rau khi ra thị trường cũng tăng theo.

Cụ thể, tại TP.HCM giá bán lẻ một số mặt hàng rau, củ có xuất xứ từ Đà Lạt như bắp cải, cải thảo... ở mức 14.000-16.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với đầu tháng 5-2014.

86hjtvAg.jpgPhóng to
Một trường hợp xe vận chuyển thép bị lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) - Ảnh: T.Thắng

Xe tải bán đắt như tôm tươi

Theo một số doanh nghiệp vận tải, do xe không còn chở hàng quá tải đã dẫn đến tình trạng thiếu xe chở hàng. Chẳng hạn, một tàu 4.000 tấn cập cảng Sài Gòn trước đây chỉ cần 150-200 chuyến xe chở hàng quá tải, nay xe chở đúng tải cần đến 200-300 xe.

Ông Vũ Viết Giáp - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần Vận tải ôtô số 2 và là đại lý của Hãng xe Hino (Nhật) - cho biết từ tháng 3-2014 trở về trước bình quân mỗi tháng bán ra 2-3 xe tải hiệu Hino. Từ tháng 4-2014 (bắt đầu kiểm tra tải trọng xe), số lượng khách hàng mua xe tăng đột biến với 40-50 xe/tháng.

Anh Trịnh Đăng Lâm - xã viên HTX vận tải ôtô số 10 - cho hay vừa đặt mua một chiếc xe tải Hino mới có tải trọng 14 tấn là 1,56 tỉ đồng, tăng 40 triệu đồng so với trước đây. Thế nhưng, hãng xe này hẹn đến cuối tháng 7-2014 mới giao xe vì quá nhiều người đặt mua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Jesus Metelo N. Arias Jr, chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), xác nhận việc siết chặt kiểm soát tải trọng của xe tải vừa qua đã có những ảnh hưởng đến lượng xe tải hạng trung bán ra thị trường của các doanh nghiệp thành viên có sản xuất và lắp ráp xe tải. Thống kê của VAMA cho thấy lượng xe tải bán ra trong bốn tháng đầu năm 2014 đạt 14.556 xe tải, tăng 2.861 xe, tương đương 24% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu là các dòng xe tải từ 3,5 tấn đến dưới 8 tấn.

Theo ông Mai Phước Nghê - giám đốc khối kinh doanh thương mại Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), các dòng xe tải 4,5-7 tấn do Thaco sản xuất đều đạt mức tăng trưởng 100% trong tháng 4. Trung bình mỗi tháng chỉ tiêu thụ khoảng 30 xe tải loại 7 tấn, nhưng trong tháng 4-2014 lượng xe bán ra vượt qua con số 60 xe, xe tải nhỏ loại 4,5 tấn cũng đạt số lượng 100 xe/tháng thay vì 50 xe/tháng của các tháng trước.

NGỌC ẨN - LÊ NAM

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên