02/05/2014 11:03 GMT+7

Ngân hàng mở rộng bán lẻ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Ý định thâm nhập vào mảng cho vay tiêu dùng đã được nhiều ngân hàng (NH) hé lộ trong mùa đại hội cổ đông năm nay qua các tờ trình xin sáp nhập, mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính.

ltjn0Eg5.jpgPhóng to
HDBank đã mua lại Công ty tài chính SGVF và đổi tên là HDFinance - Ảnh: THANH ĐẠM

Đây cũng được xem là hướng đi của các NH trong bối cảnh cho vay doanh nghiệp gặp khó như hiện nay.

Muốn thâu tóm...

Tới thời điểm này, ít nhất ba NH đã có tờ trình xin mua lại hoặc thành lập công ty tài chính trong mùa đại hội cổ đông năm nay, đó là NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NH Hàng hải và Vietcombank.

Tại đại hội cổ đông tổ chức cuối tháng 4, hội đồng quản trị SHB đã xin cổ đông thông qua tờ trình về việc tham gia tái cấu trúc công ty tài chính, vì nhìn thấy cơ hội khi nhận một công ty tài chính để tái cấu trúc thành một đơn vị trực thuộc nhằm tập trung phát triển mảng dịch vụ NH phục vụ tiêu dùng. Theo lãnh đạo NH, đây là một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho NH.

Cũng tại đại hội cổ đông vừa qua lãnh đạo NH Hàng hải đã xin cổ đông ủy quyền để thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết nhằm tạo điều kiện cho NH thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để phát triển mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên biệt.

Theo danh sách NH Nhà nước công bố, toàn thị trường có 18 công ty tài chính. Nếu loại trừ PVFC đã sáp nhập với NH Phương Tây và SGVF đã được HDBank mua lại và đổi tên thành Công ty tài chính HDFinance thì thị trường còn 16 công ty tài chính. Trong số này, nhiều công ty có liên quan đến các tập đoàn lớn.

Vietcombank cũng trình đại hội cổ đông thông qua phương án thành lập một công ty tín dụng tiêu dùng. Ông Nghiêm Xuân Thành, tổng giám đốc Vietcombank, nói hiện thị trường bán lẻ còn rất lớn, trong khi đó các NH đều thấy rằng đầu ra bán buôn đến ngưỡng rất khó bơm vốn ra được nữa hoặc bơm vốn ra không như kỳ vọng. “Lúc này thị trường còn bỏ trống chính là bán lẻ, mà lãi suất đầu ra của mảng này lại cao hơn cho vay doanh nghiệp rất nhiều. Mặt khác, đặc điểm của vay tiêu dùng là món vay nhỏ, qua đó cũng giúp NH phân tán rủi ro hơn” - ông Thành nói.

Trước đó cuối năm 2013, HDBank đã mua lại Công ty tài chính SGVF và đổi tên thành HDFinance. Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết trước đây khi chưa có công ty tài chính thì mảng cho vay tiêu dùng của NH không hiệu quả vì chi phí cao. Món vay tiêu dùng thường nhỏ, nhưng cũng phải tuân theo quy trình xét duyệt như cho vay thông thường. Khi mua lại công ty tài chính, các món vay nhỏ lẻ dưới 30 triệu đồng được chuyển qua công ty này, giúp phân khúc khách hàng và NH không sa đà vào các món vay nhỏ. NH cũng đồng thời mua được công nghệ, quản trị và có thể trả lời nhanh kết quả cho khách hàng trong vòng 30 phút đến một tiếng. “Đây là điều mà quy trình xét duyệt hiện nay NH không thể làm được” - ông Đặng nói.

Theo ông Đặng, xu hướng các NH chọn việc mua lại các công ty tài chính rồi tham gia tái cấu trúc thay vì thành lập mới còn có lý do các công ty này đã vận hành rồi và có bài học từ thị trường, NH cũng giảm thiểu được rủi ro không phải trả giá đắt như thành lập mới.

Lợi nhiều mặt

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói thời gian qua huy động vốn của các NH tăng rất tốt nhưng đầu ra khó khăn, NH cũng không thể nào dùng tiền mua trái phiếu Chính phủ mãi được, do vậy phải đẩy mạnh phát triển mảng cho vay khách hàng cá nhân thông qua việc mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính hoặc công ty tín dụng tiêu dùng.

Về việc vì sao phải mua lại các công ty tín dụng tiêu dùng trong khi các NH đã triển khai mảng này từ rất lâu, ông Hiếu cho rằng bản thân NH có thể làm được nhưng nếu có công ty con chuyên về cho vay tiêu dùng thì NH có lợi nhiều mặt. Chẳng hạn công ty tài chính không phải tuân theo các quy định chặt chẽ như NH nên có thể hoạt động dễ dàng hơn. Mặt khác, theo tiêu chí hiện nay, NH rất khó phát triển mạnh mảng cho vay tiêu dùng do phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ, trong khi thu nhập của người VN có nhiều khoản không thể chứng minh được.

“Việc thành lập công ty tài chính và đưa tất cả mảng cho vay cá nhân sang công ty tài chính giúp NH có điều kiện phát triển mạnh hơn, đồng thời đem lại lợi nhuận lớn hơn cho NH vì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay doanh nghiệp rất nhiều” - ông Hiếu nói.

Về phía người vay có thể phải chịu lãi suất cao hơn khi vay ở công ty tài chính, nhưng mặt khác điều kiện dễ dàng hơn và được vay tín chấp.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên