19/04/2014 08:44 GMT+7

"Cá tra chặt nhiều khúc, hạt gạo cắn tám phần"...

TRẦN HỮU HIỆP (vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
TRẦN HỮU HIỆP (vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)

TT - Ngay sau khi kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 được công bố, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tổ chức họp đánh giá, phân tích nghiêm túc, “đặt hàng” bộ máy tham mưu phải có giải pháp và quyết tâm cải thiện thứ hạng.

Các cuộc hội thảo diễn ra liên tiếp tại Kiên Giang, TP Cần Thơ vừa qua góp phần mổ xẻ mặt mạnh, điểm yếu từ kết quả PCI.

Mặc dù có sự trồi sụt về thứ hạng, nhưng nhìn tổng thể ĐBSCL tiếp tục là “vùng sáng” trong bản đồ PCI cả nước. Mảng sáng chung của các địa phương dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp chính là tính năng động của chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức thấp, gia nhập thị trường - các chỉ số thành phần cấu thành kết quả PCI của các tỉnh thành trong vùng liên tục đạt điểm số khá tốt nhiều năm liền. ĐBSCL có 5/7 địa phương đứng đầu cả nước trong nhóm “rất tốt và tốt”, gồm Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và Trà Vinh. Trong đó, ấn tượng nhất là Kiên Giang, đã vươn từ hạng 6 năm 2012 lên hạng 3 bảng tổng sắp.

Nhưng điều quan trọng hơn, nhìn ở cấp độ vùng là việc trong nhiều năm liền, ĐBSCL đều có điểm số thấp ở hai chỉ số thành phần là “đào tạo lao động” và “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Kết quả đó cũng phản ánh bức tranh thực, trùng khớp với các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng về tỉ lệ lao động được đào tạo nghề rất thấp. Vùng này vẫn còn thiếu vắng nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết và có chất lượng về thông tin dự báo thị trường, lao động, việc làm...

Thực tế cho thấy giá trị thực của PCI không chỉ nằm ở bảng xếp hạng, mà chính ở động lực mà nó tạo ra cho những nỗ lực cải cách, những sáng kiến đối thoại công tư thiết thực để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa, như: cải thiện thủ tục đăng ký, quản lý, hỗ trợ hiệu quả nhà đầu tư và doanh nghiệp... Việc quan tâm kết quả PCI, tổ chức phân tích, đánh giá nghiêm túc chỉ số PCI của các địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, điều cốt lõi là nhận thức về PCI. Đó không phải là “bằng khen” mà là một công cụ đo lường điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Thứ hạng cao hơn so với năm trước cũng chẳng mang lại nhiều ý nghĩa nếu như mức độ hài lòng của doanh nghiệp không tốt hơn. Chính quyền địa phương cần nhìn môi trường đầu tư, chất lượng quản lý điều hành ở không gian rộng lớn hơn là “tư duy hành chính tỉnh”. Đó là sự liên kết vùng để tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn. Xét ở góc độ này thì các chỉ số thành phần của PCI trong chín năm qua chưa được các nhà hoạch định, đo lường PCI tính đến - chỉ số về nỗ lực liên kết vùng. Nó chính là “đơn đặt hàng” cho các nhà làm PCI trong thời gian tới, là phương tiện để chính quyền địa phương “nắm tay nhau” cùng tiến bộ hơn là “cạnh tranh nhau” để có thứ hạng cao theo kiểu “xé rào thu hút đầu tư”. PCI cần được xem như một “lát cắt” để soi vào thực trạng kinh tế vùng ĐBSCL hiện nay, khi mà con cá tra bị chặt ra làm nhiều khúc, hạt gạo cắn làm tám phần, cây mía bị chặt thành nhiều lóng. Qua đó để tái cơ cấu các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng theo hướng liên kết vùng, phân công, phân vai và chỉ huy, tiếp cận, xử lý nhiều vấn đề theo hướng phát triển kinh tế vùng.

TRẦN HỮU HIỆP (vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên