Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thông qua sáp nhập sẽ giúp giảm tình trạng sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng hiện nay - Ảnh: T.Đạm |
Tuy nhiên, đại diện NH Nhà nước cho biết đến nay NH Nhà nước mới chấp thuận về nguyên tắc cho hai trường hợp là NH Phương Nam sáp nhập vào Sacombank và NH Phát triển Mekong (MDB) sáp nhập vào NH Hàng hải.
Dồn dập sáp nhập
Trước đại hội cổ đông (ĐHCĐ) dự kiến diễn ra ngày 18-4, NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã công bố tờ trình về phương án tái cơ cấu bằng cách sáp nhập vào VietinBank. Theo phương án này, VietinBank sẽ phát hành thêm cổ phiếu để sở hữu 99% vốn của PGBank, tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu đảm bảo không thấp hơn 0,82 cổ phiếu PGBank ứng với 1 cổ phiếu VietinBank.
Giới chuyên gia nhận xét đây là phương án sáp nhập đặc biệt nhất từ trước đến nay, vì PGBank sẽ sáp nhập vào VietinBank và hoán đổi cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức, thương hiệu. Sau sáp nhập, PGBank trở thành một đơn vị thành viên của VietinBank theo mô hình NH trong NH. Ngoài ra, đây cũng là phương án hóa giải tốt nhất cho Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) vì nhờ đó Petrolimex giảm được tỉ lệ sở hữu tại PGBank theo yêu cầu của Chính phủ. Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất, nắm tới 40% cổ phần tại PGBank. Theo chỉ thị của Chính phủ, Petrolimex phải giảm tỉ lệ sở hữu tại PGBank xuống 20% trong năm 2015.
PGBank có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản tính đến ngày 31-12-2013 là 24.875 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ đạt 51,7 tỉ đồng. Những năm gần đây tỉ lệ nợ xấu của NH này tăng đột biến, có thời điểm lên đến 9,5%. Nhờ bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN cũng như áp dụng các biện pháp xử lý khác nên tỉ lệ nợ xấu của NH này đã giảm còn 2,98%.
Trước PGBank, NH Hàng hải cũng công bố tờ trình về việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng khác sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị. “Một tổ chức tín dụng khác” được đồn đoán là MDB. Đồn đoán này càng có cơ sở khi ĐHCĐ MDB ngày 15-4 sẽ bỏ phiếu bầu một thành viên HĐQT và hai thành viên ban kiểm soát, các ứng viên này đều có liên quan tới NH Hàng hải.
Trước đó, ĐHCĐ Sacombank cũng đã thông qua phương án sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank. Nhưng nóng nhất tính đến thời điểm này là thông tin về việc Vietcombank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một NH khác trong ĐHCĐ sắp tới vào ngày 23-4. Theo tài liệu ĐHCĐ được công bố công khai trên website, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Vietcombank đặt ra trong năm 2014 cũng có nội dung nghiên cứu sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các NH thương mại cổ phần khi có chủ trương của Chính phủ, NH Nhà nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-4, ông Nghiêm Xuân Thành - tổng giám đốc Vietcombank - xác nhận đó là một nội dung mà HĐQT Vietcombank sẽ đưa ra xin ý kiến cổ đông vào ĐHCĐ tới. Tuy nhiên theo ông Thành, việc này mới chỉ dừng lại ở xin chủ trương, còn thực hiện thế nào còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường, chủ trương của NH Nhà nước, Chính phủ hoặc Vietcombank chủ động tìm kiếm đối tác. “Trong bối cảnh sáp nhập đang là xu thế chung, Vietcombank xin chủ trương để đến khi có cơ hội tốt sẽ thực hiện, còn hiện nay chưa có gì cụ thể” - ông Thành nói.
Ngân hàng <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> |
Vốn điều lệ sau sáp nhập |
Sacombank + Phương Nam |
16.425 tỉ đồng |
Hàng hải + MDB |
11.750 tỉ đồng |
VietinBank + PGBank |
40.234 tỉ đồng |
Xu hướng tất yếu
Bình luận về việc thông tin NH công bố sáp nhập được tung ra dồn dập vào những ngày gần đây, chủ tịch HĐQT một NH tại TP.HCM nói không có gì bất ngờ vì sau một thời gian thương thảo bí mật, đến ĐHCĐ những thông tin này buộc phải lộ ra vì theo quy định, muốn sáp nhập phải xin ý kiến cổ đông. Ông này cũng dự đoán trong gần ba tuần còn lại của tháng 4, khi các NH đồng loạt tiến hành ĐHCĐ thì sẽ còn nhiều thông tin thuộc dạng bí mật sẽ được công khai.
Trong khi đó, tổng giám đốc một NH cổ phần nói việc sáp nhập những NH thời gian qua chủ yếu thuộc hai dạng, đó là những NH yếu kém buộc phải tái cơ cấu, hoặc hai NH có dáng dấp một chủ sở hữu sáp nhập lại với nhau. Và do gần gũi về chủ sở hữu nên dễ đạt được đồng thuận về sáp nhập, như trường hợp NH Phương Nam sáp nhập vào Sacombank và MDB sáp nhập vào NH Hàng hải. Hiện NH Hàng hải đang nắm giữ 10,16% cổ phần MDB, Công ty chứng khoán NH Hàng hải giữ 7,39%.
Một cán bộ của NH Nhà nước cho rằng xu hướng sáp nhập giữa các NH là tất yếu trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu hệ thống và thu gọn số lượng các tổ chức tín dụng của NH Nhà nước. Về thông tin NH dồn dập công bố sáp nhập trong thời gian gần đây, vị này cho rằng đó là tín hiệu tốt cho thị trường, thông qua sáp nhập sẽ tạo nên những NH lành mạnh hơn. Chủ trương của NH Nhà nước là sẽ đẩy nhanh quá trình sáp nhập, tái cấu trúc thị trường tài chính trong năm nay và năm sau. “Mục tiêu còn bao nhiêu NH không quá quan trọng, nhưng tinh thần là sẽ giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng, đồng thời thông qua sáp nhập sẽ nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro... Thông qua sáp nhập cũng giảm tình trạng sở hữu chéo tại nhiều NH, đồng thời giúp tập trung nguồn lực để NH hoạt động hiệu quả hơn” - ông này nói.
Trước mắt có thể gặp khó khăn Liên quan đến tỉ lệ nợ xấu của những NH bị sáp nhập, theo một cán bộ của NH Nhà nước, cuộc sáp nhập nào cũng có giá phải trả, trong đó tỉ lệ chuyển đổi cổ phiếu cũng là một giá. Nếu chất lượng hoạt động tốt thì tỉ lệ chuyển đổi có giá cao, ngược lại phải chịu giá thấp hơn. “Đó là luật chơi của thị trường. Còn NH nhận sáp nhập có thể gặp khó khăn trước mắt vì phải gánh nợ của NH bị sáp nhập, nhưng đổi lại lợi ích kinh tế phải bảo đảm chứ không phải gánh chịu vô tư” - ông này nói thêm. Chủ trương của NH Nhà nước là khuyến khích các NH lớn cùng tham gia công tác tái cấu trúc NH nhỏ, yếu vì cách làm này tiết kiệm được chi phí, thời gian và cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều NH lớn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận