Giảm trần lãi suất huy động VND xuống còn 6%/nămLãi suất huy động tiếp tục xuống
Phóng to |
Từ trái qua: ông Trần Xuân Hoàng, ông Nguyễn Đồng Tiến và ông Nguyễn Đức Hưởng |
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết từ ngày mai 18-3, trần lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn trên 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống còn 1%/năm.
Căn cứ để NHNN đưa ra quyết định trên, theo ông Nguyễn Đồng Tiến, là dựa vào các chỉ số của nền kinh tế. Theo đó, kỳ vọng lạm phát cả năm 2014 sẽ được kiềm chế ở mức thấp như chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013. Đồng thời, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn nên việc giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay là điều hoàn toàn phù hợp.
Ông Trần Xuân Hoàng, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết từ đầu năm tới giờ tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các NH thương mại vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Như BIDV, tăng trưởng tín dụng 1,6% trong khi huy động vốn tăng 2%. Do vậy, ông cũng đồng tình với nhận định hạ lãi suất huy động là tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, ví von lãi suất cho vay và lãi suất huy động cũng như thuyền và nước, khi nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Và việc hạ trần lãi suất tiền gửi lần này sẽ tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động.
Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng điều hiện các ngân hàng thương mại quan tâm là cho ai vay và vay để làm gì. Còn nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ thì không hiệu quả khi lãi suất đã hạ đến 8 lần. Vấn đề lãi suất không còn là khó khăn của doanh nghiệp nữa.
Hiện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang cho nhiều món vay chỉ với 6%/năm. Ngân hàng không cần quan tâm lãi suất cho vay ở mức nào mà chỉ thấy doanh nghiệp có thanh khoản tốt, dòng tiền tốt là khách hàng tiềm năng trong tương lai để giải ngân vốn. Trong giai đoạn hiện nay có doanh nghiệp vay, có hiệu quả là rất tốt.
“Theo tôi, lãi suất có giảm nữa nhưng nhu cầu tiêu dùng không tăng thì doanh nghiệp cũng không vay. Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển. Khi đó, doanh nghiệp mới vay vốn để sản xuất kinh doanh” - ông Hưởng kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận