13/03/2014 07:30 GMT+7

Nhiều "sáng tạo" trong lãng phí đầu tư công

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Chủ dự án thông đồng với tư vấn để nâng khống tổng vốn đầu tư, các địa phương “sáng tạo” nhiều cách để xin dự án, không thẩm định hiệu quả dự án... là những hình thức lãng phí rất lớn trong hoạt động đầu tư công hiện nay.

“Tăng đầu tư công là cần thiết” Cẩn thận tham nhũng lan tràn trong đầu tư công Đầu tư công sai, cấp nào chịu trách nhiệm?

K1xsqqlM.jpgPhóng to
Theo dự thảo Luật đầu tư công, người dân sẽ được tham gia giám sát các dự án đầu tư công để phát hiện những việc làm gây thất thoát, lãng phí. Trong ảnh: dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên, QL 14 từ Kon Tum đi Đắk Nông - Ảnh: Ngọc Hà

Tại hội nghị hoàn thiện dự thảo Luật đầu tư công do Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) và Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 12-3, nhiều đại biểu cho rằng cần phân cấp rõ ràng, có biện pháp chế tài nặng để hạn chế tình trạng lãng phí trong đầu tư công.

Thất thoát, lãng phí ngay khi có chủ trương đầu tư

Tại hội nghị, các đại biểu đã dẫn ra nhiều dẫn chứng cho thấy các địa phương “sáng tạo” nhiều phương án để có dự án cho bằng được. Theo ông Dương Ngọc Tuấn, giám đốc Sở KHĐT Hải Phòng, để né quy định huyện không được quyết dự án đầu tư quá 5 tỉ đồng, nhiều địa phương đã “chẻ” nhỏ dự án để dự án được duyệt, dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. “Có dự án lớp học mà móng một dự án, tầng trệt một dự án, tầng hai một dự án khác” - ông Tuấn nói.

Ông Vương Đức Sáng, giám đốc Sở KHĐT Hải Dương, cho biết có thực tế là một dự án có thể chỉ cần 200 tỉ đồng, nhưng người ta có thể có cách mở rộng quy mô lên thành 300 tỉ đồng. “Dự luật chỉ nêu phải thẩm định nguồn vốn là chưa đủ, cần thẩm định cả tính cần thiết của quy mô, mức đầu tư, có cần dự án lớn đến như thế không...”, ông Sáng nói.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận có tình trạng lãng phí ngay từ chủ trương đầu tư. Nhiều nơi có quyền, quyết là làm ngay, không thẩm định dự án ấy hiệu quả thế nào, tại sao phải làm... Có khi muốn làm con đường rất to, cảng rất lớn, ban đầu chỉ là ý định cá nhân, nhưng sau đó đánh giá đơn giản, rồi phê duyệt chủ trương đầu tư, làm nảy sinh tình trạng có cảng mà không có hàng, gây lãng phí. “Lãng phí trong chủ trương đầu tư mới lớn, có khi hàng trăm tỉ...” - ông Vinh khẳng định.

Cũng theo ông Vinh, một trong những khâu gây thất thoát tiền của rất nhiều là tư vấn. “Do ít việc nên chủ đầu tư bảo kiểu gì cũng “vẽ”, nhất là khi tư vấn được hưởng thù lao theo tỉ lệ trên tổng vốn đầu tư nên họ có thể nâng giá công trình lên nhiều lần. Chỉ cần một cây thép, người ta thiết kế đến ba để nâng tổng mức đầu tư rồi rút bớt” - ông Vinh nói. Theo đề nghị của ông Vinh, ban soạn thảo phải nghiên cứu bổ sung điều khoản ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư thông đồng với tư vấn để nâng tổng mức đầu tư dự án, gây thất thoát lớn.

Sẽ giám sát chặt hơn các dự án đầu tư công

Một điểm quan trọng trong dự thảo Luật đầu tư công là dành riêng hai điều quy định về “giám sát đầu tư của cộng đồng”. Theo đó, với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô tái định cư lớn, có tác động lớn tới môi trường... sẽ phải tham khảo, xin ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. Khi thực hiện, các dự án đầu tư công cũng sẽ chịu sự giám sát của cộng đồng.

Cụ thể, người dân có thể tham gia theo dõi, kiểm tra chủ đầu tư chấp hành quy định về xây dựng, đất đai, xử lý chất thải, đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án. Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ trì lập kế hoạch giám sát cộng đồng và chỉ cần thông báo cho chủ đầu tư và ban quản lý dự án trước 45 ngày làm việc. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ phải có trách nhiệm cung cấp cho tổ giám sát đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan đến việc triển khai các chương trình, dự án.

Cũng theo chỉ đạo của ông Vinh, ban soạn thảo phải đưa vào điều khoản buộc các dự án của địa phương, dù thuộc diện trình Thủ tướng, Quốc hội để xin chủ trương đầu tư, vẫn phải thông qua hội đồng nhân dân trước để giám sát. Ngoài ra, ông Vinh cũng yêu cầu các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương có ý kiến bởi “Luật thông qua rồi các đồng chí không thể không làm”...

Theo quy định tại dự thảo Luật đầu tư công, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương sẽ không được quyết chủ trương đầu tư dự án nhóm A mà Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết. Thủ tướng cũng quyết chủ trương đầu tư các dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi... Sau khi có chủ trương, các bộ, ngành, địa phương mới được quyền phê duyệt đầu tư.
CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên