Chạy đua xây nhà máy biaBia ngoại giá cao mấy cũng mua
Phóng to |
Nhiều chuyên gia lo ngại việc chạy đua xây nhà máy bia, nhập khẩu bia càng khuyến khích tình trạng lạm dụng bia rượu của một bộ phận người dân - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ Công thương phê duyệt năm 2009, đến năm 2015 sản lượng bia sản xuất sẽ đạt 4 tỉ lít và chạm mốc 6 tỉ lít vào năm 2025.
Cũng theo quy hoạch này, quan điểm phát triển ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát theo hướng “huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức để đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội” (!).
Không nên khuyến khích
"Với giá bia khá rẻ và việc mua rất dễ dàng thì chẳng cách gì ngăn được tình trạng tiêu thụ bia một cách vô tội vạ như hiện nay" Luật sưNGÔ QUÝ LINH |
Một chuyên gia ngành thực phẩm - đồ uống cho rằng do không có thông tin chi tiết mức tiêu thụ bao nhiêu lít bia/người/năm, nên không biết Bộ Công thương dựa vào đâu để tính toán dung lượng thị trường, từ đó xây dựng quy hoạch như đã nêu.
Chưa kể, định hướng “đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội” cũng cần phải xem lại.
Theo chuyên gia này, dù tạo ra nguồn thu ngân sách lớn nhưng cũng không nên khuyến khích cho việc đầu tư lĩnh vực sản xuất bia.
Trong thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia cũng như sử dụng công cụ thuế để phần nào hạn chế “năng lực” uống bia của nhiều thành phần, độ tuổi.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Quý Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cần có nhiều giải pháp mạnh hơn để hạn chế việc lạm dụng sản phẩm bia rượu.
Chẳng hạn như tăng cường kiểm tra giấy phép kinh doanh tại các điểm bán, có lộ trình bắt buộc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm bia để hạn chế việc sản xuất các sản phẩm bia có chất lượng thấp, giá rẻ.
“Với giá bia khá rẻ và việc mua rất dễ dàng thì chẳng cách gì ngăn được tình trạng tiêu thụ bia một cách vô tội vạ như hiện nay” - ông Linh nhận xét. Ngoài ra, theo ông Linh, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân tránh lạm dụng bia rượu ngay tại chính các điểm bán, cũng như tăng cường xử phạt các hành vi lạm dụng bia rượu khi điều khiển các phương tiện giao thông từ các lực lượng chức năng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần được thực thi mạnh mẽ hơn.
Cần tăng thuế
Từ ngày 1-7-2015, theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ được nâng từ 50% lên 65%.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN - cho rằng việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia như đề xuất là động thái cần thiết. Nó không chỉ định hướng tiêu dùng mà còn định hướng cho các nhà sản xuất khi các doanh nghiệp đang chạy đua xây nhà máy bia.
Theo bà Cúc, bia là một mặt hàng mà dùng nhiều thì gây bao hệ lụy như bệnh tật, giảm chất lượng sống và cả tệ nạn xã hội...
Do đó, cùng với các giải pháp kỹ thuật, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần hạn chế việc lạm dụng bia rượu của một bộ phận người dân.
Một thành viên ban soạn thảo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia xuống còn 45% (từ 1-1-2010) và 50% (từ 1-1-2013), thay vì 75% như trước đó, đã góp phần hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng đồng thời cũng góp phần khuyến khích các nhà máy bia thi nhau mọc lên.
Do đó, vị này cho rằng việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia lên mức 65% từ ngày 1-7-2015 cũng là bước đi hợp lý. “Chắc chắn các nhà sản xuất và kinh doanh bia sẽ không thích thú với việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi lượng tiêu thụ mặt hàng này có thể sẽ giảm, lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là việc cần làm ngay để hạn chế việc lạm dụng bia rượu, tránh hiện tượng đua nhau xây nhà máy bia” - vị này nói.
Bà Cúc cũng khuyến cáo việc nâng thuế đối với bia cần có lộ trình và cơ quan quản lý nên công khai để các nhà sản xuất và kinh doanh bia nắm được để định hướng chiến lược kinh doanh. “Chi phí đầu tư một nhà máy bia rất lớn, khoảng vài trăm tỉ đồng/nhà máy. Nếu chúng ta ồ ạt xây nhà máy bia và rồi vài năm sau phải sản xuất cầm chừng thì sẽ gây lãng phí cho nhà đầu tư nói riêng và cho xã hội nói chung” - bà Cúc nói.
Thuế bia ở các nước Thông tin từ website Cơ quan hải quan Singapore, tất cả các loại bia nhập khẩu vào quốc gia này sẽ chịu mức tính thuế là 48-70 đôla Singapore/lít bia (798.000-1,165 triệu đồng/lít bia). Brunei tính thuế nhập khẩu trên mỗi 100ml bia với mức khởi điểm tương đương 500.000 đồng/100ml đến mức cao nhất là 2 triệu đồng/100ml. Thuế bia tại Malaysia được tính với mức từ 1,1-34 ringgit (tương đương 7.000-215.000 đồng)/lít bia và cộng với 15% tổng giá trị. Ở Thái Lan, thuế bia áp từ 70-400 baht (45.000-260.000 đồng)/lít, sau đó cộng với giá bán (tùy loại hàng) từ 25-60%. Theo quy định của hải quan Úc, bia có độ cồn từ 1,15-3,5% sẽ bị áp mức thuế từ 2,79-46,3 USD/lít tùy theo độ cồn. Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc áp dụng mức thuế đánh trên các loại bia là 72%. |
Bia rượu gây ảnh hưởng xấu nòi giống người Việt Việc lạm dụng bia rượu gây ra vô số tác hại cho người uống và xã hội. Một người khi uống quá nhiều bia rượu sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và đối diện với nhiều loại bệnh tật. Đối với não, bia rượu cản trở các đường dẫn truyền thần kinh trên não. Điều này sẽ khiến người uống tạm thời thay đổi tính cách, hành vi, khó tập trung suy nghĩ. Bia rượu còn làm loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ. Bia rượu còn là yếu tố khởi phát nhiều loại bệnh ung thư, suy yếu hệ miễn dịch (dễ gây các bệnh nhiễm trùng). Uống rượu bia nhiều cũng dễ bị vô sinh, hoặc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi hoặc trẻ khi sinh ra (chậm phát triển hay dị tật). Điều này làm suy kiệt giống nòi người Việt Nam. Người lạm dụng bia rượu sẽ giảm hiệu suất làm việc, sức làm việc, thiệt hại cho nền kinh tế gia đình. Bia rượu còn làm tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. BS TRẦN VĂN NĂM (phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) Thói quen khó bỏ Từ sau khi ra trường, có công việc mới biết đến mùi rượu bia đến nay đã ngót hơn chục năm. Nhiều lúc ngồi chiêm nghiệm lại thấy việc nhậu nhẹt có lúc tạo ra được những mối quan hệ mới, thuận lợi hơn trong công việc nhưng cũng có lúc thấy thật vô bổ, đặc biệt có những trận nhậu say bí tỉ, về đến nhà ngủ một giấc đến sáng đầu nhức băng băng mà không nhớ mình đã về bằng cách nào. Đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn chết người, gia đình chia tay, thậm chí bằng hữu anh em, cha con hỗn chiến với nhau sau chầu nhậu nhưng tình hình uống bia rượu không vì thế mà giảm, ngược lại còn có xu thế tăng. Nguyên nhân có thể uống rượu bia đã trở thành một thói quen khó bỏ trong đời sống của đại đa số người Việt. Từ tiệc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, tất niên... đều không thể thiếu rượu bia. Người ta nại ra đủ thứ lý do để nhậu nhẹt: vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu và dĩ nhiên “rượu ngon phải có bạn hiền”, có người đối ẩm chứ không ai nhậu một mình. Từng góc phố đến các quán nhậu ở Sài Gòn từ sáng sớm đến khuya đều có người nhậu, tất nhiên là buổi chiều tối thì việc nhậu nhẹt càng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Các quán nhậu vì thế cũng ăn nên làm ra. Nhậu bây giờ dường như là nhu cầu tất yếu của nhiều người, ai cũng biết nhậu nhiều lợi bất cập hại nhưng thực tế mấy ai thừa nhận mình say, nhậu biết chừng biết mực, biết dừng lại đúng lúc mới là bản lĩnh của người nhậu. Cần xem lại quy hoạch sản xuất bia Đầu những năm 1990 tôi bắt đầu thấy phong trào xây dựng các nhà máy bia ở Việt Nam. Ở đây, tôi không bàn đến hiệu quả kinh tế của việc xây dựng này mà chỉ nói dưới góc độ khía cạnh xã hội. Theo thống kê của các tổ chức nước ngoài, hiện nay người Việt Nam đang thuộc tốp đầu thế giới về mức độ tiêu thụ bia, khoảng 38 lít bia/người/năm. Chỉ cần lấy con số 38 lít bia nhân lên với số tiền bán mới biết giá trị đồng tiền mà người Việt Nam đã đổ vào bia lớn tới cỡ nào. Chúng ta còn nghèo, nhưng việc đầu tư và sản xuất bia nhiều cũng cần phải suy nghĩ về việc phân bố ngành sản xuất như vậy đã hợp lý chưa. Mất mát về sức khỏe tôi không nói, nhưng rõ ràng hệ quả của bia mang lại sau những vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng. Ngoài ra còn hàng loạt hệ lụy khác liên quan đến hạnh phúc gia đình, con cái, điều này đã được ghi nhận rất nhiều trong đời sống. Theo tôi, cần phải có chiến lược xây dựng phát triển bia trong nước. Việc chúng ta xây dựng thêm nhiều nhà máy bia, sản xuất ra nhiều bia nhưng không xuất khẩu được thì chúng ta phải tự tiêu thụ, kích thích tiêu thụ. Nhà nước cần tính toán để giảm việc tiêu thụ bia, rà soát lại các nhà máy bia xem mỗi năm sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ hết bao nhiêu và tính toán để sử dụng bia một cách lành mạnh, xem mỗi người nên sử dụng bao nhiêu bia là đủ. Nếu hạn chế sản xuất được thì doanh nghiệp sẽ chuyển sang sản xuất mặt hàng khác bởi nhu cầu xã hội cần nhiều ngành sản xuất khác nữa, vai trò điều chỉnh này hoàn toàn thuộc về Nhà nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận