Phát biểu tại hội nghị ngành tài chính ngày 30-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh số thu ngân sách cả năm ước vượt kế hoạch dự toán gần 1%. Đây là điều rất mừng trong bối cảnh kinh tế năm nay hết sức khó khăn.
Phóng to |
Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: Vĩ Cường |
Về chi ngân sách, cả năm cắt giảm khoảng 22.700 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành tài chính thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ đều tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế.
Chi thường xuyên sẽ cắt giảm 30%
Thủ tướng lưu ý năm 2014 kinh tế phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, tăng trưởng vẫn còn thấp. Kinh tế vĩ mô có những lĩnh vực vẫn chưa thật vững chắc. An sinh và phúc lợi xã hội còn nhiều bức xúc. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ chung của các bộ ngành trong năm 2014 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát được lạm phát ở mức khoảng 7%. Chính sách tỉ giá điều hành ổn định tương tự năm 2013, nghĩa là giá trị đồng VN cả năm 2014 cũng chỉ giảm 1-2%... Với lãi suất cho vay ở mức như năm 2013 cộng với chính sách tỉ giá ổn định, Thủ tướng tin tưởng sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi.
Về việc phát hành khoảng 400.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để chi cho đầu tư trong năm 2014, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính và ngân hàng phải có giải pháp đảm bảo không làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát và lãi suất cùng tăng. “Tôi tin ngành ngân hàng và tài chính phối hợp tốt vì năm 2013, hai ngành đã làm rất tốt khi phát hành 300.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong năm 2014, chi thường xuyên không vượt quá 70% so với năm 2013, trong đó chi cho lương, an sinh xã hội... vẫn phải đảm bảo nhưng các khoản chi như hội họp, tiếp khách, xăng xe, điện thoại phải được cắt giảm triệt để... “Chúng ta đi nhiều tới mức người ta thấy mình nghèo mà đi nhiều quá, hàng chục ngàn người đi công tác nước ngoài mỗi năm. Bộ Tài chính phải tính toán trên tinh thần quyết liệt thắt chặt việc này” - Thủ tướng nói.
Cùng với giảm chi, năm 2014 cố gắng thu được đúng kế hoạch thì sẽ giảm được bội chi, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Để đảm bảo nhiệm vụ thu, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu cho ngành tài chính là phải cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và ngăn chặn gian lận thương mại.
Phải công khai giá thành điện
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành tài chính phải chủ công trong việc bảo đảm cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá. Đối với các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn điều tiết giá như điện, xăng dầu, nước sạch sinh hoạt, học phí, viện phí..., Thủ tướng khẳng định phải kiên định cơ chế điều hành theo thị trường, đồng thời phải đảm bảo hỗ trợ người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, phải công khai minh bạch yếu tố hình thành giá.
Đơn cử như giá điện, Chính phủ kiên quyết thực hiện đảm bảo tính đúng, đủ, không bán thấp hơn giá thành. Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, những gia đình chính sách, người nghèo... mỗi tháng 30.000-50.000 đồng/hộ chứ không hỗ trợ qua ngành điện. Ước tính mỗi năm, ngân sách chi 1.000-2.000 tỉ đồng để hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho các đối tượng khó khăn, chính sách. Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phải quản lý chặt chẽ khoảng 20 mặt hàng mà Nhà nước còn quản lý giá, trong đó đặc biệt là giá sữa và thuốc chữa bệnh.
Thu 20.000 tỉ đồng từ cổ tức doanh nghiệp nhà nước Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết đến nay, ước tổng thu ngân sách năm 2013 đạt kế hoạch được giao. Trong đó, ngân sách đã tăng thu được 20.000 tỉ đồng cổ tức doanh nghiệp nhà nước và phần lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước sau khi đã trích nộp các quỹ. Mặt khác, tiền sử dụng đất thu đạt 42.500 tỉ đồng... Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Phúc... Về nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2014, theo ông Nghiệp, kế hoạch thu được giao cho ngành tài chính là 782.700 tỉ đồng, còn chi là 1.006.700 tỉ đồng, tăng 28.700 tỉ đồng so với năm 2013. Do khả năng cân đối ngân sách năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 5,3%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận