06/12/2013 08:14 GMT+7

Cải cách doanh nghiệp nhà nước và giảm nghèo

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Ngày 5-12, tại Diễn đàn Đối tác phát triển VN 2013 (VDPF 2013), Chính phủ và các đối tác phát triển đã thống nhất các biện pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới để ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý những thách thức về kinh tế - xã hội.

K7jTT31z.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN Victoria Kwakwa đồng chủ trì diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng

Diễn đàn Đối tác phát triển VN 2013 là diễn đàn đầu tiên thay thế cho hội nghị nhóm các nhà tư vấn (CG), sẽ được Chính phủ VN và các đối tác phát triển tổ chức mỗi năm một lần. Ngoài kinh tế vĩ mô và giảm nghèo, diễn đàn lần này cũng thảo luận chủ đề việc khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường.

Chấm dứt đầu tư ngoài ngành

Tại VDPF 2013, Liên minh châu Âu cho biết sẽ cam kết dành 570,16 triệu euro ODA cho VN trong năm 2014. Số tiền này chưa bao gồm cam kết của Đức và Bỉ. Cũng nhân dịp này, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chiến lược hợp tác phát triển quốc gia tại VN của USAID cho năm năm tới. Ba mục tiêu chính của chiến lược này là tăng cường quản trị nhà nước, củng cố các hệ thống để cải thiện y tế, phúc lợi và giải quyết các di sản chiến tranh để thúc đẩy quan hệ đối tác VN - Hoa Kỳ.

Ông Tomoyuki Kimura, giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á, cho rằng Chính phủ VN có chính sách hướng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào lĩnh vực kinh doanh, sản xuất chính, khuyến khích thoái vốn khỏi các ngành. Tuy nhiên, bộ máy quản lý của DNNN lại miễn cưỡng trong việc bán các tài sản không hiệu quả dưới giá trị sổ sách vì như vậy phải chấp nhận lỗ.

Do đó, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy DNNN thoái vốn khỏi ngành kinh doanh không phải là cốt lõi để tập trung vào lĩnh vực chính của mình. “Tái cơ cấu DNNN là một việc phức tạp vì liên quan nhiều vấn đề, không chỉ về cấu trúc kinh doanh mà đôi khi là vấn đề tài chính, lao động...” - ông Tomoyuki nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong giai đoạn 2014-2015, các DNNN sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành. Thời gian tới, tái cơ cấu DNNN tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cung ứng các dịch vụ công thiết yếu. Đến nay Chính phủ, các bộ, địa phương đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu của 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó Thủ tướng phê duyệt 19/21 đề án. Thủ tướng cũng khẳng định VN sẽ công khai kết quả hoạt động kinh doanh - sản xuất của các DN này.

“Chính phủ VN sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường cho các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như điện, than, nước, dịch vụ y tế... Riêng giá xăng dầu, VN đã thực hiện cơ chế thị trường, không còn trợ giá; than chỉ còn trợ giá cho các nhà máy điện và trong giai đoạn 2014-2015 sẽ kết thúc để hoàn thiện nền kinh tế theo hướng minh bạch và rõ ràng hơn, bảo vệ môi trường” - Thủ tướng nói.

Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu lại: tính cả năm 2012 và chín tháng năm 2013, đã giảm năm tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; rút giấy phép ba chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cổ phần hóa bốn ngân hàng thương mại nhà nước. Trong tám tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012.

Tập trung giảm khoảng cách giàu nghèo

Dù ghi nhận những thành tựu mà VN đã đạt được, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về nghèo đói trong các dân tộc thiểu số. Bà Victoria Kwakwa - giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, đơn vị đồng chủ trì VDPF - cho biết hiện VN còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số và là thuộc nhóm cực nghèo; mức thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất tăng từ 7 lần lên 8,5 lần trong giai đoạn 2004-2010.

Bà Kwakwa cũng lo lắng về bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội. “Mặc dù phạm vi bảo hiểm y tế đã tăng và đạt tiến bộ nhưng sự cách biệt về tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các địa phương cao nhất (Điện Biên) và thấp nhất (TP.HCM) vẫn là năm lần; giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số là ba lần” - bà Kwakwa nêu ví dụ.

Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ VN sẽ tập trung sức để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt với dân tộc thiểu số với các chính sách cụ thể về đất sản xuất, giao rừng và bảo vệ rừng, hỗ trợ vốn cho sản xuất - kinh doanh, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, tăng đầu tư y tế - giáo dục - nước sạch và vệ sinh môi trường cho các vùng khó khăn.

“Những năm qua, tốc độ giảm nghèo của các dân tộc thiểu số là 4%/năm, cao gấp đôi bình quân cả nước, nhưng số hộ nghèo còn cao. Chính phủ VN thấy rõ điều đó và quyết tâm giảm nghèo nhanh cho khu vực dân tộc thiểu số” - Thủ tướng nói.

Tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào dịch vụ công

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, tuy VN có chủ trương khuyến khích nhưng số lượng dự án chưa nhiều, mới có 14 dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và tập trung ở Hà Nội và TP.HCM chứ chưa vươn tới nông thôn. Lý do, theo ông Quang, là khu vực tư nhân cho rằng hiệu quả đầu tư thấp vì phụ thuộc vào chính sách giá nước và phí xử lý nước thải, đồng thời thiếu cam kết của Nhà nước.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên