09/10/2013 07:58 GMT+7

EVN thấy "không sai phạm lớn"

C.V.KÌNH thực hiện
C.V.KÌNH thực hiện

TT - Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ với nhiều thông tin được báo chí đưa không mấy nhẹ nhàng, chiều 8-10 chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Hoàng Quốc Vượng đã trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ theo hướng “nói thêm để người dân hiểu hơn”.

kgTqgzFd.jpgPhóng to
Chỉ trong thời gian ngắn, giá điện đã tăng bảy lần và EVN đưa ra lý do là thua lỗ, giá đầu vào tăng... Trong ảnh: gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: N.C.T.
IpTw6Sek.jpg
Ông Hoàng Quốc Vượng - Ảnh: C.V.K.
Ông Vượng nói:

- Thanh tra Chính phủ kết luận về việc “Chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực”, theo tôi, là hoạt động bình thường. Những nội dung trong đó, nếu là người trong ngành, cũng không thấy sai phạm lớn. Tuy nhiên, có những ý có thể cần nói thêm để người dân hiểu.

* Thưa ông, Thanh tra Chính phủ nêu EVN đã đầu tư ra ngoài tới trên 121.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ công ty mẹ EVN chỉ trên 76.000 tỉ đồng. Như vậy là chưa đúng quy định, tại sao EVN lại đầu tư ra ngoài nhiều đến vậy?

- Thật ra khoản 121.000 tỉ đồng không phải đầu tư ra ngoài ngành. Đầu tư ra ngoài và đầu tư ngoài ngành là khác nhau. Kết luận của Thanh tra Chính phủ nói khoản 121.000 tỉ là “đầu tư ra ngoài công ty mẹ EVN”. Khoản đầu tư ra ngoài này hầu hết là những khoản đầu tư trước đây EVN xây dựng các nhà máy điện. Khi các nhà máy điện này cổ phần hóa, thì vốn đó được coi là đầu tư ra ngoài công ty mẹ. Còn đầu tư ngoài ngành, vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... hiện nay xin khẳng định EVN chỉ có khoảng trên 2.000 tỉ và đang được xử lý, thoái vốn theo chỉ đạo.

* Một vấn đề khiến dư luận “dậy sóng” là EVN đầu tư cả biệt thự, bể bơi, sân tennis... rồi tính vào giá thành nhà máy, từ đó làm tăng giá thành điện?

- Trong các hạng mục một dự án, thông thường để tiết kiệm chi phí ăn ở, di chuyển cho chuyên gia nước ngoài, cán bộ có trình độ cao... thì có xây dựng hạ tầng, nhà ở ngay cạnh công trình. Một dự án điện thông thường thời gian thi công có thể từ 3-5 năm. Nên khi xây nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, chúng tôi đã xây dựng kiên cố và khi công trình xong, chuyên gia rút đi, thì những cán bộ trình độ cao sẽ được bố trí ở lại các nhà ở sát công trình. Vận hành nhà máy điện trị giá hàng tỉ USD, cần những người tài, có trình độ. Các nhà máy điện lại thường ở vùng sâu, xa nên hạ tầng tốt theo tôi là cần thiết để họ yên tâm công tác.

* Nghĩa là ngôn ngữ của thanh tra khiến hiểu chưa đúng thực tế của EVN?

- Tôi nghĩ kết luận của thanh tra không có vấn đề gì. Nhưng do kết luận không thể dài quá, nên có những điểm ngắn gọn diễn đạt người trong ngành có thể hiểu, nhưng người dân bình thường có thể chưa hiểu hết.

* Vậy việc EVN hạch toán tiền lương, xây dựng định mức lao động chưa chính xác và chậm sửa đổi khiến số lao động định mức cao hơn lao động thực tế từ 45-51,5%... có phải là “biện pháp” nhằm nâng tiền lương của cán bộ EVN lên?

- Vấn đề về tiền lương, định mức lao động, EVN không tự làm mà theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

* Vậy kết luận Thanh tra Chính phủ kiến nghị EVN phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân một số tổng công ty, EVN sẽ xử lý thế nào?

- EVN là tập đoàn lớn, trong quá trình hoạt động, thực tế khó tránh khỏi sai sót. Nên nếu Thanh tra Chính phủ chỉ ra chỗ chưa đúng, vi phạm, chắc chắn EVN sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm túc theo kết luận thanh tra.

EVN giải trình, khẳng định không sai

Tối 8-10, EVN đã có văn bản gửi báo Tuổi Trẻ giải trình, cung cấp thêm thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo EVN, trong 121.790 tỉ đồng đầu tư ngoài công ty mẹ thì công ty mẹ EVN đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện là 49.634 tỉ đồng (gồm các tổng công ty phát điện, tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các tổng công ty điện lực...). Công ty mẹ cho các công ty con vay lại 70.049 tỉ đồng (gồm các tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các tổng công ty điện lực...); công ty mẹ đầu tư ngoài ngành chính xác là 2.107 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 2,7% trên vốn điều lệ).

Thực chất các khoản cho vay lại, theo EVN, là khoản vay mà trước đây EVN vay (chủ yếu của nước ngoài) để đầu tư các công trình điện.

Về việc xây dựng một số công trình thể thao như sân tennis, bể bơi, theo EVN, vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao, EVN cam kết đã sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành điện. Các đơn vị thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư.

Về việc công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành đang hoạt động làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án, EVN nêu do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán, EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu, sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành lúc đó EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn. Vì vậy, theo EVN, về tổng thể việc hạch toán nêu trên không làm tăng chi phí sản xuất điện.

____________

Tin bài liên quan:

“Sao chúng tôi phải bù lỗ cho ngành điện?”Lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, EVN vẫn tăng giá điệnĐầu tư sai, EVN bắt dân gánh?EVN lỗ lớn vì đầu tư ngoài ngànhĐầu tư 121 ngàn tỉ đồng ngoài ngành, EVN lỗ hàng ngàn tỉXây biệt thự, sân tennis cũng tính vào giá điện

C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên