Phóng to |
Kỳ 1: Khởi đầu chật vật của những chàng “Đông ki sốt” công nghệ
Mặc dù xác định chiến lược của năm 2013 là “Mobile first” nhưng khi tung Zalo ra thị trường, sự hoài nghi về khả năng thành công của sản phẩm này cả trong lẫn ngoài công ty VNG là rất lớn. Điều này còn trở nên trầm trọng hơn khi “đứa con” mới ra đời mắc sai lầm về thiết kế sản phẩm khiến người dùng “ngó lơ”.
Chính vì thế, ngay cả khi đạt được một số cải tiến và có thay đổi tích cực trên bảng xếp hạng trong nhóm sản phẩm OTT, cam kết “dốc toàn lực” trong năm 2013 để "đánh trận" Zalo của VNG, vẫn bị coi như một hành động “điên rồ”.
Trách nhiệm “tiên phong” tiến vào thị trường di động được giao cho nhóm làm Zing, đội ngũ tinh nhuệ nhất của VNG với những website đã nổi tiếng như Zing MP3, Zing Me.
Khi nhận nhiệm vụ, nhóm lãnh đạo phụ trách Zing (đứng đầu là phó tổng giám đốc Vương Quang Khải) tuyên bố sẽ từ chức đồng loạt và rời khỏi công ty nếu sản phẩm thất bại.
Chia sẻ về “tuyên thệ” này, ông Vương Quang Khải nói: “Việc đó đơn giản thể hiện sự quyết tâm của chúng tôi khi làm sản phẩm này mà thôi, chứ không có gì đặc biệt”.
Với cam kết dốc toàn lực, Zalo được tập trung toàn bộ các nhân lực giàu kinh nghiệm nhất từ công nghệ, marketing, cộng đồng, phân phối…; họ được coi là “Dream Team” của Zing. Nhóm kỹ sư thiết kế sản phẩm thì làm việc không kể ngày đêm, ngày lễ hay thứ Bảy, Chủ nhật; đèn của khu Zalo gần như sáng cả đêm lẫn ngày. Cũng vì thế, thực tế họ không có thời gian để nghĩ về hậu quả của cam kết từ chức đồng loạt bởi quá bận rộn với công việc.
Bước ngoặt
Sau khi phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng khi thiết kế sản phẩm, nhóm làm Zalo quyết định thực hiện một cú ngoặt lớn. Thay vì tạo ra một sản phẩm dựa trên những kinh nghiệm về sản phẩm web thành công, họ thiết kế một ứng dụng chỉ dùng cho các thiết bị di động với những điều mà họ cũng không chắc chắn.
Và thay vì so tài với các đối thủ ngoại trên nhiều mặt trận, họ tập trung nguồn lực cho hướng đi quan trọng nhất: giúp người dùng nhắn tin miễn phí nhanh, ổn định nhất trên mọi môi trường của mạng viễn thông Việt Nam.
Tháng 12-2012, 3 tháng sau ngày ra mắt sản phẩm thử nghiệm thất bại, Zalo đưa ra sản phẩm chính thức với nhiều cải tiến quan trọng. Sau đó, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt leo dần trên các bảng xếp hạng và ngày 8-1-2013, điều khó tin đã xảy ra, Zalo có bước nhảy vọt trên App Store Việt Nam, chiếm vị trí số 1 – vượt qua cả đối thủ mạnh nhất trên thị trường lúc đó là Wechat và liên tục giữ “ngôi vương” tại đây cho tới nay.
Một ứng dụng Việt, mới ra đời lại chinh phục vị trí số 1 tại App Store - “chiến trường” khốc liệt nhất, được đánh giá bởi các khách hàng iOS là một minh chứng hiển nhiên cho chất lượng sản phẩm. Đây cũng là điều bất ngờ với rất nhiều chuyên gia về công nghệ.
Cuối tháng 1-2013, thị trường càng sôi động hơn khi hai ứng dụng từ Nhật, Hàn Quốc là Line và Kakao Talk đổ tiền ào ạt, tiến hành các hoạt động marketing rầm rộ trên truyền hình.
Tuy nhiên, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt Zalo vẫn được người dùng trong nước ưu ái nhiều nhất và có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, đạt 1 triệu người dùng vào giữa tháng 3-2013.
Trước đó, vào tháng 2-2013, trang công nghệ Techinasia chọn Zalo nằm trong danh sách những ứng dụng công nghệ trên di động sáng tạo nhất châu Á.
Ngày 3-5-2013, Zalo cán mốc 2 triệu người dùng và trở thành OTT đầu tiên tại Việt Nam đạt ngưỡng phát tán tự nhiên như Facebook.
Cũng kể từ thời điểm này, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt củng cố vững chắc vị trí số 1 trên thị trường, tăng khoảng cách với các đối thủ ngoại sừng sỏ trên thế giới như Line, Kakao Talk hay Wechat.
“Nếu chỉ xét tới khía cạnh kinh doanh, chúng tôi sẽ không đầu tư làm những sản phẩm công nghệ cao như Zalo hay Zing. Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật. Sự lãng mạn này đã từng mang lại thành công cho làng công nghệ thông tin Việt Nam như biến giấc mơ xuất khẩu phần mềm thành sự thật” - Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG – người phụ trách dự án Zalo. |
Kỳ tới: Vì sao Zalo tạo nên bước ngoặt lịch sử?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận