18/09/2013 20:34 GMT+7

Thụy Sỹ giúp Việt Nam tránh "bẫy" thu nhập trung bình

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TTO - Đại sứ quán Thụy Sỹ vừa công bố chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2013-2016 với VN, trong đó nước này sẽ dành hơn 2.800 tỉ đồng viện trợ không hoàn lại cho các dự án trợ giúp VN phát triển kinh tế.

OCJDj4nR.jpgPhóng to
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Andrej Mortyl - Ảnh: H.Giang

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Tuổi Trẻ Online nhân buổi công bố chiều 18-9 tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Sỹ tại VN Andrej Mortyl đã lấy câu chuyện bùng nổ giả tạo trong thị trường chứng khoán và bong bóng mua bán trái phiếu ở các nền kinh tế phát triển để nói về câu chuyện phát triển kinh tế của VN.

Ông nói:

- Theo tôi, chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương đã không phát huy hiệu quả. Nó chỉ làm bùng nổ giả tạo các thị trường chứng khoán và bong bóng trong mua bán trái phiếu, chứ không tạo ra tăng trưởng đáng kể hay việc làm mới.

Theo chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ với VN giai đoạn 2013-2016, Thụy Sỹ sẽ giảm dần các chương trình trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và gia tăng hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của VN để có thể sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tổng kinh phí cho giai đoạn này là 123 triệu franc Thụy Sỹ (hơn 2.800 tỉ đồng), tăng hơn một nửa so với giai đoạn bốn năm trước.

Các ngân hàng và công ty đã tận hưởng được lãi suất thấp giả tạo đó, tức dòng tiền giá rẻ, nhưng không dùng điều này để tái cơ cấu ngay mà tích tụ thêm nợ, tạo ra lãi ngắn hạn cho ban quản trị và các cổ đông. Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ không được lợi gì từ chính sách này vì các ngân hàng và nhà đầu tư thích đầu tư vào các liên doanh đạt nhiều lãi dù tính rủi ro cao hơn.

Tuy mới là một nước thu nhập trung bình nhưng VN cũng đang chịu những căn bệnh tương tự các nền kinh tế phát triển. Đó là sự miễn cưỡng hoặc thiếu năng lực của hệ thống ngân hàng nhằm cung cấp tín dụng cho DN vừa và nhỏ. Điều này rất đáng lo ngại vì người Thụy Sỹ chúng tôi tin ở bất cứ đâu DN vừa và nhỏ cũng là xương sống của một nền kinh tế thành công. Nếu DN vừa và nhỏ tàn úa, tương lai của toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ u ám.

Đó là lý do tại sao Thụy Sỹ tập trung chiến lược 2013-2016 để hỗ trợ VN củng cố và cải thiện môi trường nhằm giúp DN vừa và nhỏ của VN tiếp cận được vốn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giúp Ngân hàng nhà nước cải cách khu vực tài chính. Các lĩnh vực hợp tác khác là hỗ trợ DN vừa và nhỏ áp dụng các tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế, nâng cao tiêu chuẩn lao động, sử dụng năng lượng hiệu quả và xử lý chất thải.

* Thụy Sỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với VN từ năm 1971. Kể từ đó đến nay, Thụy Sỹ vẫn luôn là một đối tác phát triển quan trọng của VN. Vậy chiến lược giai đoạn tới có gì thay đổi so với hơn 40 năm vừa qua?

- Những hoạt động trong quá khứ của chúng tôi nhằm giúp VN chiến đấu với nghèo đói. Giờ đây, chúng tôi mong muốn giúp VN tránh được bẫy thu nhập trung bình mà trọng tâm là giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay.

Khi VN bắt đầu mất lợi thế về lao động rẻ, các ngành sử dụng nhiều lao động sẽ dịch chuyển dần sang các nước Lào hay Campuchia, trong khi các nước có tính cạnh tranh cao hơn như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia có nhiều lao động có kỹ năng hơn và họ có khả năng gặt hái được nhiều giá trị gia tăng hơn. Đó là cái bẫy.

Ví dụ, cà phê VN xuất khẩu trực tiếp sang Thụy Sỹ thì chỉ là cà phê VN, nhưng nếu xuất qua Thái Lan để họ chế thành cà phê đã khử cafein, đóng gói đẹp với thương hiệu nổi tiếng rồi bán sang Thụy Sỹ thì phần lớn giá trị gia tăng đã nằm ở Thái Lan. Tương tự với nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN, phần lớn giá trị xuất khẩu bao gồm phần nhập khẩu nguyên liệu thô và lợi nhuận cho nhà đầu tư, chỉ một phần nhỏ công lao động là của VN.

Thụy Sỹ rất giỏi tạo ra giá trị gia tăng cho mình. Chúng tôi sẽ truyền các “bí quyết” của mình cho VN.

* Theo ông, làm thế nào để các DN VN tạo ra giá trị gia tăng cho mình?

- Hãy tìm ra thị trường ngách (niche markets). Không thể cạnh tranh với Đức và Nhật Bản về sản xuất ô tô, thay vào đó, Thụy Sỹ đi đầu về sản xuất túi khí chống sốc cho các hãng ô tô của hai nước này. Tương tự, các bạn có thể không có thế mạnh về sản xuất tàu thủy, nhưng có thể tìm cách để sản xuất bu lông, ốc vít, thiết bị… cho các hãng tàu lớn trên thế giới. Đó chính là tầm nhìn của chúng tôi: đi tìm thị trường ngách của mình.

Để làm được điều đó, chúng ta phải quay lại các yếu tố căn bản. Thứ nhất là cải thiện hệ thống giáo dục. Điều này không thể thực hiện trong vòng một vài năm. Hãy biến giáo dục thành một môi trường hấp dẫn, thu hút được các giảng viên giỏi của thế giới. Đó có thể là người nước ngoài hoặc Việt kiều. Trung Quốc đang làm giỏi hơn VN ở điểm này.

Thứ hai là phải bảo vệ DN vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận các nguồn vay. VN cũng có một vài DN tư nhân lớn và thành công, nhưng họ vẫn không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Tuy là DN tư nhân nhưng họ vẫn được bảo hộ quá nhiều, không như các tập đoàn nhà nước Hàn Quốc cách đây vài thập niên. Họ đã được nhà nước bảo hộ nhưng chỉ ở thời gian đầu, sau đó Samsung phải chiến đấu với Sony. Họ buộc phải cạnh tranh.

Do đó, Thụy Sỹ đang giúp các ngân hàng VN tạo dòng vốn tín dụng cho DN vừa và nhỏ, giúp họ tìm kiếm thêm giá trị gia tăng. Tất nhiên, một số DN sẽ thất bại trong quá trình ấy, nhưng những DN thành công sẽ có thể tiếp tục cạnh tranh kể cả khi hỗ trợ từ Thụy Sỹ chấm dứt.

Ngoài ra, chính các DN Thụy Sỹ đang hoạt động tại VN cũng hỗ trợ quá trình này nhờ chính sách đào tạo nông dân, tuyển dụng nhân sự quản lý người Việt... Hiện các công ty Thụy Sỹ đang đầu tư khoảng 2 tỉ USD vào VN, hơn cả ở Đức.

* Xin cảm ơn Đại sứ.

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên