16/09/2013 10:31 GMT+7

ATM trục trặc, mất toi tháng lương!

Anh Phan Văn Hợi (An Phú, Thuận An, Bình Dương)
Anh Phan Văn Hợi (An Phú, Thuận An, Bình Dương)

TT - Đã có không ít trường hợp phải mất thời gian chờ chực, thậm chí mất toi cả tháng lương vì ATM trục trặc. Thế nhưng trong khi chất lượng chưa được cải thiện thì nhiều ngân hàng lại rục rịch tăng phí giao dịch ATM.

B5b9uDs7.jpgPhóng to
Công nhân xếp hàng chờ tới lượt rút tiền từ bốt ATM trong Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7 - Ảnh: Thuận Thắng

Sau gần bảy tháng thu phí rút tiền, chuyển khoản nội mạng, nhiều ngân hàng (NH) đang bắt đầu một đợt tăng phí mới. Thế nhưng, dù các NH khẳng định thu phí là để tăng chất lượng nhưng dịch vụ vẫn không được cải thiện, thậm chí có người còn mất cả tháng lương vì máy ATM trục trặc.

Những ngày gần đây tại các quận, huyện vùng ven, tình trạng máy trục trặc, hết tiền hàng loạt liên tục xảy ra.

Hết tiền hàng loạt

"Tôi đã mất cả tháng lương còn thêm tức vì sự vô trách nhiệm của ngân hàng"

Sau kỳ trả lương cho công nhân vào ngày 9 và 10-9 vừa qua, nhiều máy ATM trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM bỗng “tê liệt”.

Ông Trương Đức Huê (Củ Chi) cho biết sáng 11-9 cần rút tiền để chi tiêu nhưng đi rất nhiều trụ ATM trên địa bàn đều không thể rút được tiền. Cũng có máy ATM mới nạp tiền nhưng do ông sử dụng thẻ của NH khác nên khi đưa vào máy không giao dịch được.

“Suốt buổi sáng tôi chạy khắp các máy ATM của nhiều NH như ACB, Đông Á, Agribank... trên địa bàn nhưng máy thì treo biển báo lỗi, máy thì không giao dịch được. Cuối cùng tôi phải đến quầy giao dịch của NH Đông Á mới rút được tiền” - ông Huê bức xúc.

Đây không phải là trường hợp cá biệt người dùng “lên ruột” với ATM. Phản ảnh với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, công nhân may tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, gọi những kỳ trả lương vào ngày 10 hằng tháng là “nỗi ám ảnh”. Vì cứ vào ngày này, chiều tan ca là chị cùng chồng phải rong ruổi trên đường tìm trụ ATM rút tiền nhưng rất khó vì trụ nào cũng chật cứng.

“Vợ chồng tôi phân công: chồng vào xếp hàng còn vợ ngồi ngoài giữ xe, phải chờ thật lâu mới rút được tiền. Nhưng ít khi may mắn như vậy, vì thông thường lượng người đến trước xếp hàng quá đông nên đến lượt mình thì máy đã hết tiền” - chị bức xúc. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng qua, trước cả thời điểm NH thu phí nhưng đến nay chưa được cải thiện.

Trong khi đó sau gần bảy tháng áp dụng việc thu phí nội mạng, nhiều NH đã âm thầm tăng thêm phí. Bắt đầu từ ngày 3-9, phí chuyển khoản liên NH của Vietcombank đã tăng từ 3.300 đồng lên 5.500 đồng/giao dịch. Tuy nhiên đây chưa phải là mức cao nhất. Hiện mức phí chuyển khoản liên NH tại Agribank là 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu là 8.800 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản trong hệ thống Agribank là 0,03% số tiền giao dịch, tối thiểu 3.300 đồng/giao dịch. Về phí rút tiền nội mạng, sau thời gian tạm hoãn BIDV cũng đã thu từ tháng 5 vừa qua với mức 1.000 đồng/giao dịch.

Xb7PpOVm.jpgPhóng to
Công nhân xếp hàng chờ đến lượt rút tiền từ buồng ATM trong Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Vô trách nhiệm

Không chỉ bức xúc vì việc chờ đợi mà chủ thẻ còn bức xúc vì khi sự cố xảy ra không được NH giải quyết đến nơi đến chốn. Ngày 10-7, đến kỳ trả lương hai vợ chồng chị Ngọc Trang (Nhơn Trạch) dùng thẻ ATM của Ngân hàng VIB qua quận 2, TP.HCM để rút tiền.

Đầu tiên vào ATM của một ngân hàng kiểm tra tài khoản thì thấy đủ tiền như trong phiếu lương nhưng khi rút tiền thì máy báo không giao dịch được. Cố thử một lần nữa vẫn không được nên chồng chị sang máy ATM của Sacombank cách đó khoảng 5m để rút tiền.

Hai lần đầu mỗi lần rút được 2 triệu đồng, chị thao tác lần thứ ba thì máy báo hết thời gian, thử lại lần thứ tư cũng vậy. Chạy ngược lại máy ATM của ngân hàng gần đó kiểm tra tài khoản thì vẫn còn nhưng khi quay lại máy ATM của Sacombank rút tiền thì máy trả lời số tiền trong tài khoản không còn đủ để thực hiện giao dịch, trong khi đúng ra tài khoản của chị còn hơn 2 triệu đồng.

Chạy lại hỏi bảo vệ thì được hướng dẫn đến NH ở Biên Hòa để nhờ tra soát nhưng do không có thời gian, sáng hôm sau chồng chị vào phòng nhân sự công ty trình báo thì một lúc sau nhân viên NH gọi điện thoại và nói sẽ hoàn tiền cho chị trong 10 ngày.

Chưa kịp mừng thì đến ngày thứ tám NH liên lạc lại nói rằng hình ảnh camera cho thấy máy đã nhả tiền và người đến sau đã lấy đi.

“NH trả lời như vậy rất vô lý vì sau khi giao dịch chúng tôi đứng chờ rất lâu ở máy ATM nhưng máy không nhả tiền” - chị Trang nói và cho biết tổng lương tháng của vợ chồng chị rất thấp, lại nuôi hai con ăn học cộng thêm hàng loạt chi phí như thuê nhà, tiền xăng, điện, nước... nên chị phải đi vay mượn tiền bù vào 2 triệu đồng bị ATM nuốt mất.

“Đối với người khá giả 2 triệu không là bao nhiêu nhưng với người nghèo chúng tôi nó giải quyết rất nhiều miếng cơm manh áo. Công nhân không ai muốn nhận lương qua thẻ nhưng bị bắt buộc và không còn chọn lựa nào khác” - chị Trang bức xúc.

Anh Phan Văn Hợi (An Phú, Thuận An, Bình Dương) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Ngày 18-6 anh đến rút tiền tại máy ATM Vietcombank chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương. Lần đầu máy báo giao dịch bị hủy do lỗi thiết bị. Sang máy khác để rút thì màn hình hiển thị thông báo số tiền trong tài khoản không đủ để thực hiện giao dịch.

Quay lại máy đầu tiên cũng không thấy nhả tiền. Thông báo đến NH thì đến đầu tháng 7 nhân viên NH gọi và trả lời rằng giao dịch đã được xử lý thành công ở máy thứ hai và bị người sau lấy mất. “Như vậy là quá vô lý vì máy thứ hai báo không đủ tiền để thực hiện giao dịch, vậy làm sao có thể nhả tiền để người sau lấy đi. Tôi đã mất cả tháng lương còn thêm tức vì sự vô trách nhiệm của ngân hàng” - anh Hợi nói.

Ngân hàng phớt lờ quy định

Theo quy định từ ngày 1-3 (thời điểm được thu phí ATM nội mạng), các NH phải chấp hành một loạt quy định mới như: Phải bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất có thể. NH phải thực hiện tiếp quỹ để đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá bốn giờ làm việc và không quá một ngày nếu ngoài giờ làm việc. ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ phải báo cáo chi nhánh NH Nhà nước và có hình thức thích hợp thông báo rộng rãi cho khách hàng.

NH phải giám sát mức tồn quỹ tại ATM, đảm bảo ATM phải có tiền đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.Theo dõi, phát hiện và kịp thời xử lý các giao dịch bị lỗi, đảm bảo xử lý chính xác giao dịch của khách hàng. Đền bù thiệt hại kịp thời cho khách hàng trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để xảy ra lỗi, sai sót hoặc sự cố gây thiệt hại cho khách hàng...

Tuy nhiên trên thực tế nhiều NH vẫn chưa tuân thủ triệt để quy định này mà đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Lỗi của ngân hàng, khách vẫn bị làm khó

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Tiến (TP.HCM) mới đây sử dụng thẻ của em trai (bị khuyết tật câm điếc) để rút tiền tại máy ATM trên đường Quang Trung (Gò Vấp) bị trừ 900.000 đồng nhưng máy không nhả tiền. Bức xúc, anh đến phòng giao dịch của NH Đông Á trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nối dài (Bình Thạnh) để làm đơn khiếu nại nhưng bị làm khó dễ đủ điều vì người nộp đơn không phải là chủ thẻ dù anh đã giải thích em trai mình bị câm điếc bẩm sinh và đang nằm bệnh viện nên không thể đến NH. Chạy qua phòng giao dịch NH này tại Gò Vấp để nộp đơn khiếu nại nhưng nhân viên NH vẫn giữ nguyên yêu cầu phải đưa trực tiếp chủ thẻ đến mới thụ lý. Quá bức xúc, anh tìm đến chi nhánh NH Đông Á trên đường Quang Trung (Gò Vấp) thì giao dịch viên lại giải quyết cho anh trong vòng năm phút mà không yêu cầu hay đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài xem CMND của anh Tiến, em trai anh Tiến. “Như vậy quyền lợi khách hàng nằm ở đâu khi bao giờ cũng gánh chịu phần thiệt dù những lỗi không phải do họ gây nên?” - anh Tiến nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thu phí, ATM vẫn trục trặcThu phí, không chắc ATM hết trục trặcThu phí rút tiền từ ATM: tiền nộp, lòng vẫn phân vânThu phí rút tiền ATM nội mạng: Ngân hàng dè chừng

Anh Phan Văn Hợi (An Phú, Thuận An, Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên