01/09/2013 06:03 GMT+7

Vươn ra ngư trường Indonesia

NGUYỄN TRIỀU - KHOA NAM
NGUYỄN TRIỀU - KHOA NAM

TT - Một doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty tại Indonesia để làm đầu mối liên kết đưa tàu cá của ngư dân trong nước ra đánh bắt hợp pháp tại ngư trường nước này.

00YIkW5z.jpgPhóng to
Chuẩn bị việc xuất hành ra biển Indonesia - Ảnh: K.Nam

“Sự kiện tám tàu đánh cá công suất lớn của tỉnh Kiên Giang lần đầu tiên được cấp phép đi đánh bắt ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức đặc biệt, mở ra bước đột phá mới trong hợp tác quốc tế về khai thác thủy sản” - ông Lâm Hoàng Sa, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, phát biểu trong lễ trao giấy phép đưa tàu cá đi hợp tác khai thác thủy sản trên ngư trường Indonesia, diễn ra sáng 30-8 tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang).

Hiện thực hóa mục tiêu “làm giàu từ biển”

Ông Sa cho biết tỉnh Kiên Giang có thế mạnh về đánh bắt thủy sản. Trong tổng số 12.500 tàu cá của tỉnh có hơn 4.000 chiếc công suất trên 90CV có khả năng đánh bắt xa bờ. Theo ông Sa, để tháo gỡ khó khăn cho nghề khai thác thủy sản của ngư dân, từ nhiều năm qua UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ngành tổ chức nhiều chuyến khảo sát, đồng thời đặt mối quan hệ với một số địa phương có tiềm năng lớn về thủy sản của các nước trong khu vực Đông Nam Á. “Đến nay, trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT VN với Bộ Biển và nghề cá Indonesia, Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương (trụ sở chính tại TP Quy Nhơn, Bình Định) đã hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa tám tàu đánh cá công suất lớn thuộc hai doanh nghiệp thủy sản ở Kiên Giang đi khai thác hợp pháp tại ngư trường Indonesia” - ông Sa cho biết.

Ngư trường tiềm năng nhất Đông Nam Á

Ông Đỗ Anh Dũng - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương - cho biết để được đánh bắt tại ngư trường Indonesia, các tàu đánh cá của ngư dân VN phải trải qua ít nhất bốn lần kiểm tra điều kiện kỹ thuật rất khắt khe. Thuyền trưởng, máy trưởng đều phải có bằng cấp đạt tiêu chuẩn theo quy định của nước bạn.

“Ngư trường Indonesia được đánh giá là một trong những ngư trường tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á. Lần này Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương thỏa thuận được 40 tàu lưới kéo sẵn sàng vươn khơi đánh bắt. Giá trị hợp đồng một năm đánh bắt tại ngư trường Indonesia cho mỗi cặp tàu hai chiếc là 90.000 USD. Số tiền này chúng tôi làm trung gian chuyển trực tiếp cho đối tác, về lâu dài chúng tôi sẽ hướng tới tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân” - ông Dũng nói.

Ông Trần Chí Viễn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - đánh giá đây là bước đi ghi dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược biển VN đến năm 2020. “Thông qua hợp tác khai thác thủy sản với các nước, ngư dân VN nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ có cơ hội tiếp cận với các công nghệ và kỹ thuật khai thác hiện đại, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vừa bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản” - ông Viễn nói.

Quyết tâm bám biển

Việc tàu cá VN đánh bắt trên vùng biển nước bạn không phải mới, nhưng từ trước đến nay chủ yếu là do các chủ tàu tự thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên biển mà không thông qua các cơ quan chức năng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì khi xảy ra tranh chấp, các tàu cá VN cầm chắc phần thua thiệt.

Để có được giấy phép đưa tàu đi đánh bắt hợp pháp, Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương đã thỏa thuận với Bộ Biển và nghề cá Indonesia và góp vốn thành lập Công ty Papua Fishery Development đặt trụ sở tại Indonesia. Trên cơ sở hợp tác với Papua Fishery Development, Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương được phép đưa tàu cá VN sang đánh bắt tại vùng biển Natuna của Indonesia. Theo quy định, các tàu cá có thể bán sản phẩm ngay tại Indonesia hoặc sơ chế trước khi đưa khỏi vùng biển nước này.

Ông Trương Văn Ngữ - chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, Kiên Giang và là chủ của một trong hai doanh nghiệp đưa tàu đi hợp tác khai thác tại Indonesia - nói: “Hồi nào tới giờ mình chỉ quanh quẩn đánh cá trong nước, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm do khai thác quá nhiều. Một đôi lần cũng đã thử hợp đồng với các công ty ở vài nước lân cận, nhưng khả năng rủi ro bị bắt bớ, xử phạt bất cứ lúc nào cũng lởn vởn khiến anh em thủy thủ và cả chủ tàu không thể yên tâm. Nay thì khác, mình có giấy phép hợp pháp đàng hoàng do cơ quan chức năng hai nước cấp rồi thì sẽ quyết tâm bám nghề, bám biển”.

Ông Trần Hon - chủ của bốn chiếc tàu được cấp phép cùng với ông Ngữ - cho biết thường mỗi chuyến đi biển trong nước kéo dài 30 ngày, đầu tư tròm trèm 1 tỉ đồng cho mỗi cặp tàu. Nay ra ngư trường nước ngoài thì chi phí đầu tư tăng đáng kể. “Ra nước ngoài đâu thể chuẩn bị sơ sài được, từ máy móc, ngư cụ, dụng cụ an toàn hàng hải tới thuốc men, lương thực, thực phẩm... đều phải mua thật đầy đủ để anh em yên tâm lao động” - ông Hon hồ hởi nói.

NGUYỄN TRIỀU - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên