Thế nhưng, chương trình này đang bị tắc: người dân mua bảo hiểm gặp rủi ro lại không được đền bù, còn doanh nghiệp lo ngại chính sách bị lợi dụng.
Phóng to |
Ông Nguyễn Kiên Định (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bên ao tôm bị thiệt hại nhưng chưa được bảo hiểm bồi thường - Ảnh: T.Thái |
Tình trạng trên đang xảy ra khá phổ biến tại nhiều vùng nuôi tôm thuộc hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Kê không đúng thời gian thả nuôi
Theo giấy yêu cầu bảo hiểm của ông Hồ Văn Thu, ấp Nguyễn Văn Mận, xã Ngọc Tố, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ngày thả nuôi là 30-4-2012, ngày tôm chết là 11-7-2012. Như vậy thời điểm tôm chết là 73 ngày tuổi, UBND xã Ngọc Tố xác nhận ngày thả nuôi này, căn cứ theo hồ sơ hợp pháp trên Bảo hiểm Bảo Việt Sóc Trăng đã bồi thường số tiền trên 16,7 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền bồi thường, một số người dân đã tố cáo ông Thu thực tế thả nuôi tôm vào ngày 21-5-2012, nên ngày tuổi lúc tôm chết chỉ mới 51 ngày. Ông Thu thừa nhận đã dời ngày thả nuôi lại so với dự định nhưng không báo với cán bộ có trách nhiệm. Như vậy số tiền bồi thường đúng thật ra chỉ trên 12,1 triệu đồng, Bảo Việt đề nghị ông Thu hoàn trả số tiền trên 4,5 triệu đồng. Lúc ông Thu sai phạm đang là bí thư chi bộ ấp, không có tiền hoàn trả cho Bảo Việt nên bị kiểm điểm, kỷ luật.
Tương tự, ông Hồ Văn Tha ở huyện Trần Đề báo ao tôm của mình bị chết và đề nghị cán bộ xuống lấy mẫu, giám định. Tuy nhiên, khi cán bộ xuống hiện trường thì phát hiện tôm bị chết hơn một tuần trước, nhóm cán bộ không đồng ý lấy mẫu và cho rằng việc báo tôm thiệt hại sai với quy định về thời gian là có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.
Theo doanh nghiệp bảo hiểm, đây chỉ là một vài trường hợp trong nhiều trường hợp khác cố tình thông báo ngày tôm thiệt hại chậm trễ, hoặc thay đổi ngày thả nuôi nhằm nhận được khoản bồi thường nhiều hơn dựa vào khung biểu bồi thường căn cứ ngày tuổi của tôm.
Cũng có trường hợp khi tôm chết thì không báo, người dân bỏ đi nơi khác làm ăn, lúc thấy hàng xóm được bồi thường thì quay về làm hồ sơ đem nộp, các trường hợp này không có biên bản lấy mẫu, biên bản kết quả giám định bệnh tôm nên Bảo Việt thẳng thừng từ chối chi trả. Cá biệt một số cán bộ có chức quyền nay về hưu cũng khai báo sai ngày thả nuôi, tôm chết không hay nhưng sau đó vẫn báo thiệt hại trễ... nên Bảo Việt không chi trả hoặc hủy hợp đồng trước hạn.
Ông Quách Pái, phó giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Sóc Trăng, cho biết sau khi đã chi trả bồi thường, từ thông tin của quần chúng và rà soát hồ sơ, công ty đã phát hiện trên 20 bộ hồ sơ khai không đúng thực tế nhằm trục lợi bảo hiểm, đơn vị đã thu hồi trên 100 triệu đồng.
Theo báo cáo mới đây của Bảo Việt Sóc Trăng trước HĐND tỉnh, còn 471 hồ sơ tồn đọng chưa chi trả với số tiền bồi thường trên 20 tỉ đồng, trong đó có 149 hồ sơ của hộ nghèo. Lý do bao gồm không khai báo tổn thất đúng quy định, biên bản ghi nhận ngày thả tôm không đầy đủ, biên bản lấy mẫu không có chữ ký hoặc chứng kiến của người công ty bảo hiểm, hồ sơ có dấu hiệu nghi vấn trục lợi, không đủ cơ sở giải quyết.
Cà Mau: dừng ký hợp đồng mới
Khác với Sóc Trăng, tại Cà Mau thời gian gần đây nhiều người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất bức xúc trước việc đơn vị bảo hiểm tự ý thay đổi hợp đồng bảo hiểm, chậm chi trả tiền cho người dân... Hiện việc ký hợp đồng bảo hiểm mới cũng đang “chết đứng”.
Cầm biên lai đã đóng phí bảo hiểm, ông Phạm Hữu Nghị (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) bức xúc: “Vào cuối tháng 4-2013, khi thả tôm thẻ chân trắng tôi có liên hệ với nhân viên Công ty bảo hiểm Bảo Minh tại xã mua bảo hiểm cho ao tôm 100.000 con với phí trên 2 triệu đồng. Nhưng đến nay Công ty bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau không làm hợp đồng bảo hiểm cho tôi mà đòi trả lại tiền phí. Cách làm của đơn vị bảo hiểm tôi không đồng tình vì đã nhận tiền mua bảo hiểm nhưng thấy không “ngon ăn” nên trả lại. Hiện ao tôm tôi thả đã bị chết nên không biết có được bồi thường không”.
Ngoài việc đóng tiền không làm hợp đồng bảo hiểm, rất nhiều người dân còn bức xúc trước việc đơn vị bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường thiệt hại. Ông Lâm Thành Kính (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) nói: “Theo quy định trong hợp đồng, sau khi xác minh thiệt hại và thẩm định xong hồ sơ thì trong vòng 30 ngày đơn vị bảo hiểm phải chi trả tiền. Tuy nhiên từ khi xác minh thiệt hại đến nay đã năm tháng trôi qua nhưng họ vẫn không trả tiền”. Theo ông Kính, do không nhận được tiền bảo hiểm nên gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền tái đầu tư nuôi tôm tiếp tục. Rất nhiều người dân trên địa bàn Cà Mau cũng bị “treo” tiền bảo hiểm như ông Kính.
Ông Trần Quang Của - chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau - cho biết hiện rất nhiều người nuôi tôm trên địa bàn bức xúc trước việc bị đơn vị bảo hiểm “lật kèo”. “Khi ký hợp đồng bảo hiểm hai bên căn cứ vào đó thực hiện. Nhưng Bảo hiểm Bảo Minh không căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng mà tự ý thay đổi. Ngoài ra, khi chi trả tiền bảo hiểm, công ty cũng tự ý chế tài 10-30% trong khi người dân không có sai phạm gì trong hợp đồng”.
Theo Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, từ giữa tháng 5-2013 đến nay Bảo Minh Cà Mau hầu như không ký thêm hợp đồng bảo hiểm nào và rất chậm trong việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người nuôi tôm.
Tiếp tục bán bảo hiểm cho người nuôi tôm Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng, ngày 16-7 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc hỗ trợ chi trả bồi thường thiệt hại cho người nuôi tôm trong việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại ĐBSCL. Thời gian qua, việc bồi thường cho dân còn chậm, hàng trăm hộ đang chờ nguồn vốn để tái sản xuất trong khi thẩm quyền chỉ đạo giải quyết thuộc Bộ Tài chính. Phó thủ tướng chỉ đạo không thể vì những hạn chế, sai sót trong việc thực hiện thí điểm bảo hiểm vừa qua mà làm chậm quá trình giải quyết cũng như tiếp tục triển khai thí điểm bảo hiểm trong năm 2013. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính một mặt có văn bản hướng dẫn chấn chỉnh những việc làm chưa được thời gian qua, đồng thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho công tác này. Số liệu thống kê cho thấy năm 2012 đơn vị bảo hiểm ước bồi thường cho 2.500 lượt hộ với 4.750 hồ sơ, số tiền trên 250 tỉ đồng. Hiện còn tồn khoảng 470 hồ sơ chưa thể giải quyết với số tiền bồi thường ước gần 21 tỉ đồng, chủ yếu là hộ nghèo do còn vướng mắc về thủ tục, đang chờ xem xét duyệt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận