11/05/2013 10:02 GMT+7

Vốn vẫn bí đầu ra

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Ngày 10-5, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm các lãi suất chủ chốt nhằm hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng dù lãi suất có giảm vẫn khó cho vay, trong khi doanh nghiệp kêu ngân hàng quá thận trọng.

swNugwoj.jpgPhóng to
Dòng vốn bị tắc, kinh doanh khó khăn ảnh hưởng đến sức mua, buộc các doanh nghiệp phải “miệt mài” khuyến mãi giảm giá sản phẩm hòng kích thích người mua - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Chưa giảm trần lãi suất huy động

Trao đổi về động thái hạ LS huy động kỳ hạn dưới 1 tháng xuống 5-6%/năm của một số ngân hàng lớn thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng lạm phát trong những tháng đầu năm nay ở mức thấp và theo dự báo của NHNN, lạm phát cả năm đạt 6,5-7%, là cơ sở để một số ngân hàng quyết định hạ LS huy động. Ngoài ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thời gian qua đã cải thiện, nhiều ngân hàng thừa vốn. Mỗi ngân hàng sẽ dựa vào khả năng thanh khoản, chiến lược kinh doanh của mình... để đưa ra LS tiết kiệm cho phù hợp.

Tuy nhiên theo bà Hồng, NHNN chưa thể bỏ trần LS huy động do thanh khoản của một số tổ chức tín dụng chưa tốt. Nếu bỏ trần LS huy động, các tổ chức tín dụng đang khó khăn sẽ tăng LS huy động và kéo LS cho vay tăng cao, gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ và có thể làm chậm quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ông Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng mức LS huy động đang ở mức rất thấp, do vậy NHNN chưa tính đến việc tiếp tục giảm trần LS huy động như một số nhận định. “LS huy động 7,5%/năm mới đảm bảo LS thực dương và mới giữ được niềm tin của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng” - ông Tiến nói.

Ngày 10-5, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hạ lãi suất (LS), đại diện các ngân hàng thương mại lớn khẳng định LS cho vay sẽ hạ xuống 10%/năm. Tuy nhiên, việc giảm LS cũng chưa thể khơi thông được dòng vốn khi cục máu đông là nợ xấu vẫn chưa có giải pháp xử lý.

Tại cuộc họp, NHNN đã công bố quyết định 1073 ngày 10-5 về việc đồng loạt hạ LS chủ chốt xuống 1% so với mức trước đây. Theo đó, LS tái cấp vốn còn 7%/năm, LS tái chiết khấu xuống 5%/năm, LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng còn 8%/năm.

Ngoài ra, theo thông tư 10 ngày 10-5, năm lĩnh vực ngành nghề ưu tiên là nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp mức LS tối đa 10%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND.

LS các khoản vay cũ còn 13%/năm

Trả lời các câu hỏi về việc đồng loạt hạ các mức LS chủ chốt xuống 1%/năm, ông Nguyễn Đồng Tiến - phó thống đốc NHNN - giải thích là nhằm tác động một cách gián tiếp tới định hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng như người gửi tiền. Bình luận về động thái này, ông Phan Đức Tú - tổng giám đốc BIDV - cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Vì việc hạ các LS chủ chốt tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ LS cho vay.

Theo ông Tú, từ ngày 13-5 BIDV cũng hạ LS cho vay các khoản vay trước đây xuống 13% mà không chờ đến hạn. Ước tính lợi nhuận của BIDV sẽ giảm khoảng 700 tỉ đồng. Trước đó, từ ngày 9-5 BIDV đã quyết định giảm mức LS cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên xuống dưới mức 10%/năm, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này thậm chí còn nhận được gói tín dụng với LS 7-8%/năm.

Ông Tú cho biết thêm ngoài tín dụng cho sản xuất kinh doanh và tín dụng xuất khẩu, BIDV đã đưa ra một số gói tín dụng với LS ưu đãi cho khách vay cá nhân như mua nhà, mua xe... “Riêng về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ LS của Nhà nước cho người mua nhà, BIDV đã sẵn sàng đẩy vốn cho vay khi có hướng dẫn chính thức của NHNN. Chúng tôi sẽ chủ động giải ngân trước đối với các hợp đồng vay đủ điều kiện rồi nhận hỗ trợ của Nhà nước sau” - ông Tú nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó tổng giám đốc Agribank, cũng cho biết với dư nợ cho vay có LS từ 13-15%/năm chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ngân hàng này, việc hạ LS cho vay các khoản vay cũ về 13%/năm sẽ gây nhiều khó khăn cho ngân hàng này. Tuy nhiên, Agribank buộc phải giảm để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp trả vốn gốc và lãi thì Agribank sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm LS cho vay xuống tiếp.

Ngoài ra, từ ngày 13-5, Agribank cũng giảm LS cho vay nông nghiệp - nông thôn xuống còn tối đa 10%/ năm, thậm chí có những gói cho vay LS chỉ 6,5-8%/năm. LS cho vay trung dài hạn phục vụ sản xuất nhưng thuộc các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ tối đa 12-13%/năm.

ZjL2eDdp.jpgPhóng to
Dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được vốn. Trong ảnh: giao dịch tại Ngân hàng CP Hàng hải VN (Maritime Bank) - Ảnh: T.ĐẠM

Khó cho vay

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận dù hạ LS cho vay xuống cũng khó có thể đẩy được tín dụng ra mạnh, do nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với lượng hàng tồn kho lớn. Để khơi thông nguồn vốn, góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, ông Tiến đề xuất Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ hơn chứ không thể chỉ có giải pháp chính sách tiền tệ qua việc hạ LS cho vay.

Xem tiếp

“Việc giảm LS cho vay chỉ là một trong các giải pháp tiếp sức cho nền kinh tế vượt qua khó khăn mà thôi. NHNN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác và sự vươn lên của chính bản thân các doanh nghiệp” - ông Tiến nói.

Để gỡ nút thắt tín dụng hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng Chính phủ nên sớm thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu. Nếu có công ty này ra đời, “cục máu đông” của nền kinh tế dần được xử lý thì ngân hàng mới khơi thông được nguồn vốn và doanh nghiệp mới có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn. Lúc đó, LS cho vay sẽ có cơ hội giảm thêm.

Trong khi đó, theo ông Phan Đức Tú, nhiều doanh nghiệp thừa nhận dù LS cho vay có giảm họ cũng không dám vay vốn. “Việc giảm LS cho vay của ngân hàng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính để giảm giá thành, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, vấn đề của doanh nghiệp hiện không phải là LS cho vay là bao nhiêu mà là làm cách nào để bán được hàng thu hồi vốn thị trường” - ông Tú khẳng định.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may (Khu công nghiệp Bàu Xéo, Đồng Nai): Vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

Doanh nghiệp chúng tôi thuộc diện nhỏ và vừa với khoảng 100 công nhân chuyên hoạt động trong ngành sản xuất giày dép, thiết bị và phụ liệu giấy lót trong đế giày. Dù hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng (NH) vô cùng khó khăn và nhiêu khê.

Chúng tôi đang muốn mở rộng sản xuất, cụ thể là xây dựng thêm nhà máy, nhưng mang hồ sơ đến gõ cửa nhiều NH đều không thể vay được khoản vốn như kỳ vọng. Lý do là tài sản thế chấp bị định giá rất thấp, chỉ bằng 10-15% giá trị thực. Chẳng hạn, tài sản trị giá 10 tỉ đồng nhưng NH chỉ định giá 3 tỉ đồng và cho vay 50% giá trị tài sản đấy, tức chỉ vay được 1,5 tỉ. Cũng có NH thẩm định về dự án, về năng lực sản xuất, thẩm định lên xuống nhưng rồi cũng không cho vay.

Tổng giám đốc một NH cổ phần: “Soi” kỹ doanh nghiệp mới cho vay

Khi xem xét hồ sơ cho vay tại thời điểm hiện nay, các NH thường điều tra kỹ lý lịch của người vay nên tín dụng không thể tăng nhanh như những năm trước. Những doanh nghiệp gặp vấn đề về vốn hiện nay đều ít nhiều dính dáng đến bất động sản, họ mua bất động sản dưới dạng nhà ở, nhà xưởng. Những năm kinh tế tốt họ hi vọng bất động sản tăng giá, có lời. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy.

Trong khi đó NH lại định giá nhà đất thận trọng hơn. Chưa kể bất kỳ doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vay NH đều phải kiểm tra xem năng lực tài chính thế nào, có dính đến bất động sản hay không. Nếu có, NH phải xem doanh nghiệp có nợ quá hạn ở NH khác không, doanh nghiệp còn vốn lưu động, có nợ bên ngoài, dính đến kiện tụng, tranh chấp... Ngoài ra, NH còn xem xét đến những người có liên quan đến doanh nghiệp như cá nhân chủ doanh nghiệp có nợ vay hay không, điều tra kỹ và nhiều chiều nhằm tránh dính phải nợ xấu.

Doanh nghiệp có “dây mơ rễ má” với bất động sản hiện nay có nhiều chiêu để đối phó với NH như mở thêm các ngành mà NH ưu đãi cho vay, rồi thế chấp bằng bất động sản. Rất phức tạp. NH phải thẩm định rất kỹ. Nói chung hiện nay hầu hết những công ty có dính đến bất động sản gặp khó khăn vì đồng vốn không sinh lời, bất động sản không bán được.

Chính việc thận trọng của các NH trong việc định giá tài sản thế chấp là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. NH muốn cho vay nhưng câu hỏi hiện nay là cho vay vào đâu, có khả năng thu hồi nợ hay không? Do vậy về tổng thể tín dụng sẽ không thể tăng nhanh được, sẽ có một số NH tăng nhưng cũng có những NH tín dụng giảm sút, hoặc NH chủ động điều chỉnh cơ cấu cho vay.

Ông Đặng Quốc Hùng (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM): Đừng quá nặng về “quá khứ” của doanh nghiệp

Trong ba năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh làm ăn khó khăn, lỗ lã, kinh doanh không hiệu quả, mà một trong những lý do là LS cho vay NH quá cao, có thời điểm lên tới 22-24%/năm. Tôi cũng rất chia sẻ với NH dưới góc độ là một doanh nghiệp thì cũng muốn vốn cho vay đúng địa chỉ. Nhưng NH cứ nhìn vào báo cáo thấy doanh nghiệp bị lỗ là “chạy dài”, dù doanh nghiệp đó vẫn có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh khả thi, tức là vẫn có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ. Cơ hội làm ăn của doanh nghiệp bị bỏ lỡ.

Việc giảm LS cho vay thời gian gần đây, theo tôi, chỉ tồn tại trên giấy tờ chứ chưa đi vào thực tiễn do bên cho vay chỉ dựa vào “quá khứ” của doanh nghiệp. Để tháo gỡ nút thắt này, tạo điều kiện cho dòng vốn được khơi thông, tôi cho rằng cần có một quy định cho vay tiếp đối với những doanh nghiệp dù có bị lỗ hoặc đang lỗ tạm thời nhưng có tài sản thế chấp, có dự án khả thi.

Ngoài ra, cũng cần mở rộng chức năng quỹ bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn hoạt động. Chứ cứ để tình trạng này tiếp tục kéo dài, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ càng lún sâu vào khó khăn.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên