Phóng to |
Lãi suất huy động của Vietcombank đã giảm gần 50% trong một năm qua - Ảnh: Thanh Đạm |
Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu của đợt giảm lãi suất huy động tới đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay thời gian qua giảm quá chậm, nhiều ngân hàng vẫn lấy lý do “có độ trễ” so với việc giảm lãi suất huy động.
Khó tìm giỏ bỏ thóc
Chị Huệ (Lò Đúc, Hà Nội) cho rằng mức lãi suất huy động chỉ còn 6%/năm như tại Vietcombank là quá thấp, việc gửi tiết kiệm vào thời điểm này không hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, do chưa tìm được kênh đầu tư nào nên vẫn cứ để tạm tiền trong ngân hàng. Còn chị Mai Nhung (P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) - người đang gửi tiết kiệm tại Vietcombank - cho biết: “Mức lãi suất 6%/năm là quá thấp. Nhưng kênh đầu tư nào tôi cũng nhìn thấy quá nhiều rủi ro. Chứng khoán thì mình không đủ khả năng tham gia. Vàng thì trồi sụt và cũng rủi ro nhiều nên không dám chuyển sang vàng”.
Theo anh Trần Đại Phúc (P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nếu lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại khác cũng giảm theo Vietcombank, vợ chồng anh sẽ cân nhắc rút khoản tiết kiệm ra để mua nhà thay vì đi ở thuê như hiện nay. Tuy nhiên, điều anh Phúc băn khoăn là chẳng biết giá nhà đã xuống đáy hay chưa. “Tôi vẫn chờ gói lãi suất hỗ trợ của Chính phủ. Nếu triển khai và người mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm như công bố, tôi sẽ rút khoản tiết kiệm ra để mua nhà chứ để tiền trong ngân hàng mà lãi suất này thì cũng chẳng được bao nhiêu đồng” - anh Phúc cho biết.
Ông Trần Văn Dương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết với lãi suất huy động có xu hướng giảm về mức thấp trong thời gian tới, tiền lãi không đủ bù trượt giá, chắc chắn ông sẽ rút tiền để chuyển sang kênh khác. Còn việc bỏ vốn vào kênh nào vẫn đang được cân nhắc”.
Phóng to |
Lãi suất huy động có kỳ hạn của Vietcombank trong năm qua - Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: N.Khanh |
Phải đưa lãi suất cho vay xuống 9-10%/năm
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc giảm lãi suất huy động tại thời điểm hiện nay là xu hướng tất yếu, do vốn huy động tại các ngân hàng hiện nay tăng nhanh còn cho vay khá chậm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong bốn tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ có 1,4% so với cuối năm 2012, trong khi huy động vốn tăng 5,34%. Huy động nhiều mà cho vay ít, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy mạnh cho vay hơn. Hơn nữa, lạm phát bốn tháng đầu năm chỉ ở mức 2,41% so với cuối năm ngoái, nên các ngân hàng không thể neo lãi suất cao mãi được.
Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng với việc lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% so với hiện nay nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí. Bởi thực tế chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%. Khoảng cách này nếu giảm còn 3-3,5%, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ hạ được ngay. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn thép Việt Đức, cho rằng lãi suất cho vay phải kéo xuống mức 9-10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh có lãi. “Lãi suất huy động thời gian qua giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay lại giảm khá chậm. Hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức 10-15%/năm, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp” - ông Bảo nói.
Ông Đoàn Trọng Lý, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Chăn nuôi - chế biến và xuất nhập khẩu, cho rằng lãi suất cho vay còn quá cao, doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với doanh nghiệp nước ngoài vì lãi suất cho vay ở các nước chỉ bằng 1/3 so với VN. Ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng với gần 3 triệu tỉ đồng dư nợ, nếu giảm lãi suất cho vay thêm 2%/năm thì số tiền lãi vay được giảm lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm, tác động tích cực cho toàn nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận