Phóng to |
Kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sữa, bánh kẹo vẫn tăng trưởng mạnh - Ảnh: Thanh Đạm |
Tỉ lệ dân số đông, trẻ và thu nhập ngày càng tăng đang là những yếu tố biến ngành tiêu dùng VN trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào cuộc.
Doanh thu cao, lãi lớn
Trong khi nhiều ngành khác phải chật vật cầm cự, thậm chí doanh nghiệp đóng cửa, phá sản thì không ít doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng vẫn lãi cao, tăng trưởng hơn năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính của Vinamilk, năm qua công ty đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỉ đồng, tăng 23% so với năm trước. Đây cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt được cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 tỉ sản phẩm. Bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Công ty Vinamilk, cho biết có nhiều lý do giải thích mức tăng trưởng này, trong đó có tỉ lệ sinh cao, thị trường sữa trong nước vẫn còn nhiều khoảng trống để tiếp tục khai thác. “Chúng tôi đã tăng độ phủ của thị trường bằng chiến lược tung ra nhiều dòng sản phẩm mới từ nhóm hàng dành cho trẻ em đến người trưởng thành, người già, trong đó đẩy mạnh phân khúc cao cấp. Tiêu chí của Vinamilk là luôn ưu tiên thị trường nội địa, khi dư công suất mới sản xuất phục vụ xuất khẩu” - bà Hương nhấn mạnh.
Cùng trong lĩnh vực sữa, NutiFood cũng có một năm khá thành công khi tăng doanh số gần 30%. Tập trung phát triển mạng lưới phân phối, NutiFood nhanh chóng tăng sự hiện diện của mình ở thị trường miền Trung và miền Bắc. Theo ông Trần Hữu Đức - giám đốc đối ngoại NutiFood, doanh số trong năm 2012 của NutiFood đạt được nhờ lượng khách hàng mới từ thị trường. “Có những khách hàng quay trở về dùng sản phẩm nội vì sữa ngoại tăng giá nhiều, nhưng quan trọng hơn là có không ít người tiêu dùng mới từ trước đến nay chưa tiếp cận được sản phẩm do hệ thống phân phối chưa có” - ông Đức cho biết. Theo các nhà sản xuất, năm 2013 thị trường sữa sẽ tiếp tục tăng trưởng khi độ tuổi người sử dụng các sản phẩm sữa ngày càng đông.
"Ở những thị trường mới nổi, các khoản đầu tư luôn cần tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi không có tầm nhìn theo tháng, quý mà các kế hoạch kéo dài trong vài năm. Và rõ ràng nếu nhìn theo con đường phát triển thì VN sẽ còn tăng trưởng nữa" Ông Ming Lu (giám đốc Quỹ KKR khu vực châu Á - Thái Bình Dương) |
Các ngành giải khát, thực phẩm công nghệ cũng có một năm tăng trưởng khá. Theo ông Nguyễn Tấn Phong - giám đốc đối ngoại Tân Hiệp Phát, giải khát là nhu cầu luôn có, nếu chỉ tính gần mỗi người dân uống ba chai nước/ngày đã đủ nhìn thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Trong năm 2012, nhà máy của công ty ở Bình Dương đã chạy hết công suất 1 tỉ lít nước giải khát các loại. Để phát triển thêm thị trường, doanh nghiệp này cũng đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy tại miền Trung và miền Bắc.
Ở ngành hàng bánh kẹo, Kinh Đô công bố lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2012 đạt 528 tỉ đồng, tăng 52% so với năm trước đó. Theo Kinh Đô, có được kết quả trên chủ yếu là do đơn vị tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi là thực phẩm.
Ngoài tăng dung lượng tiêu thụ, VN còn được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển sản phẩm mới cao. Năm qua, thị trường trong nước chứng kiến nhiều đại gia ngành tiêu dùng như Acecook, Ajinomoto, Unilever... không ngừng mở rộng chủng loại sản phẩm, lấn sân sang nhiều ngành hàng với tần suất quảng cáo phủ kín trên sóng truyền hình lẫn báo, tạp chí.
Thu hút nước ngoài
Trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực, thị trường hàng tiêu dùng VN luôn được xem là điểm sáng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Rình rang nhất gần đây là việc quỹ đầu tư Mỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) rót 200 triệu USD vào Công ty tiêu dùng Masan, sau khoản đầu tư đầu tiên trị giá 159 triệu USD năm 2011.
Ông Ming Lu, giám đốc Quỹ KKR khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết khi tìm kiếm những cơ hội đầu tư trong khu vực, quỹ chú ý rất nhiều lĩnh vực nhưng dừng ở VN, các nhà đầu tư hoàn toàn bị hấp dẫn bởi thị trường tiêu dùng. “90 triệu dân, đô thị hóa nhanh, dân số trẻ, thu nhập tăng nhanh và đang dần hình thành một bộ phận trung lưu, những yếu tố đó đã làm VN trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư trên bản đồ khu vực” - ông Ming Lu nói. Đầu tư vào VN trong thời điểm thị trường chứng khoán VN không mấy sáng sủa nhưng đại diện quỹ đầu tư có trụ sở ở Mỹ cho rằng đó không phải là vấn đề. “Ở những thị trường mới nổi, các khoản đầu tư luôn cần tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi không có tầm nhìn theo tháng, quý mà các kế hoạch kéo dài trong vài năm. Và rõ ràng nếu nhìn theo con đường phát triển thì VN sẽ còn tăng trưởng nữa” - ông Ming Lu nói.
Nhìn lại những thương vụ mua bán, sáp nhập tiêu biểu của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua, ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng luôn đứng đầu về số lượng với giá trị nhiều thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD. Ông Toshiaki Muramoto - phó tổng giám đốc Công ty Technopia Vietnam, chuyên sản xuất các sản phẩm xịt muỗi thương hiệu Jumpo - cho biết trong mắt các nhà đầu tư Nhật, ngành tiêu dùng VN như một bông hoa chớm nở, đầy hấp dẫn và nhiều khám phá. “Kinh tế VN vẫn đang phát triển, tiêu dùng luôn tăng qua các năm, đặc biệt người VN rất thích các sản phẩm mới” - ông Muramoto nói. Đây cũng là lý do Tập đoàn Fumakilla đã bỏ ra 8 triệu USD mua lại nhà máy sản xuất các sản phẩm Jumpo tại VN từ đối tác Malaysia. Trong kế hoạch sắp tới, Jumpo sẽ có thêm nhiều sản phẩm khi hiện nay công ty Nhật Bản đang tích cực đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, thiết bị.
Theo các chuyên gia, trong năm 2013, ngành hàng tiêu dùng nhanh VN sẽ chứng kiến nhiều trường hợp mua bán, sáp nhập mà “chủ xị” của những thương vụ này là các nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện quỹ đầu tư Quỹ công nghiệp DI châu Á (DIAIF) lý giải trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao, công tác quản trị còn thiếu chuyên nghiệp thì cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào càng lớn. Trong khi đó, để cạnh tranh với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hiện diện tại VN, các công ty trong nước phải mở rộng đầu tư sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và cần sự hỗ trợ không chỉ vốn mà công nghệ, năng lực quản trị từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng cao nhất khu vực Theo báo cáo mới nhất do Nielsen công bố tháng 1-2013, thị trường tiêu dùng VN có mức tăng trưởng cao nhất khu vực với 23%, vượt qua Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%), trong đó dung lượng thị trường tăng đến 15,8%. Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng ngay trong khó khăn, tiêu dùng VN vẫn tăng trưởng vì thị trường tiêu dùng VN chỉ mới thật sự phát triển vài năm gần đây, nhu cầu của người dân còn rất nhiều. Điều này thể hiện rõ qua dịp tết 2013. Khảo sát của Kantar Worldpanel VN cho thấy người Việt sẵn sàng chi tiêu gấp đôi cho hàng tiêu dùng nhanh trong dịp tết. Khó khăn kinh tế chỉ có thể thay đổi hành vi mua sắm của người dân chứ không làm giảm nhu cầu mua sắm, biếu tặng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận