27/10/2004 16:06 GMT+7

Soạn luật, nên giao cho những nhóm luật gia!

NHƯ HẰNG thực hiện
NHƯ HẰNG thực hiện

TT - “Bệnh nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng” - GS-TS Nguyễn Vân Nam bộc bạch khi đề cập đến tập ý kiến phản biện dự thảo Luật cạnh tranh (CT) dài 46 trang mà ông vừa gửi đến Quốc hội (QH).

McjVGfzQ.jpg

GS-TS Nguyễn Vân Nam hiện đang là giám đốc điều hành một công ty luật liên doanh tại TP.HCM. Ông từng giảng dạy bộ môn luật sở hữu trí tuệ (SHTT) và luật cạnh tranh ở Trường đại học Humboldt (Berlin). Luận án đầu tiên của ông ở Đức là thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, sau đó thạc sĩ về luật SHTT, tiến sĩ về luật hành chính công và năm 2000 lấy bằng tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế.

Ông được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Tháng 12-2003, ông đã hoàn thành đề tài “Xây dựng và thực hiện chiến lược SHTT cho doanh nghiệp VN trong thời kỳ hội nhập quốc tế” theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM.

Hiện nay, ông đang hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ để dịch ra tiếng Việt cuốn sách “Vai trò của nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa” của ông đã được xuất bản bằng tiếng Đức năm 2002.

TT - “Bệnh nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng” - GS-TS Nguyễn Vân Nam bộc bạch khi đề cập đến tập ý kiến phản biện dự thảo Luật cạnh tranh (CT) dài 46 trang mà ông vừa gửi đến Quốc hội (QH).

Là người đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy luật tại Đức, GS Nam cho biết ông đang trong quá trình vận động kinh nghiệm và chất xám của các luật gia Việt kiều và các cộng sự Đức nhằm giúp VN xây dựng một đội ngũ làm luật chuyên nghiệp.

* Thưa giáo sư, Luật CT từ những dự thảo đầu tiên đã trở thành điểm nóng trong những cuộc tranh luận. Ông có theo dõi những vấn đề mà mọi người đặt ra xung quanh các dự thảo này?

- Tôi đã đọc toàn bộ hơn 200 bài viết nhận xét về dự thảo Luật CT trên báo chí và Internet. Cảm nhận đầu tiên là các ý kiến còn riêng rẽ, tản mạn, không có tính hệ thống, chưa đụng chạm đến những vấn đề cốt lõi. Thế là “bệnh nghề nghiệp” trỗi dậy. Tôi tải toàn văn dự thảo thứ 9 xuống đọc, rồi trình bày những suy nghĩ của mình với ban chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM. Sau đó, GS Nguyễn Ngọc Trân (phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH) có gọi điện cho tôi, đề nghị viết những ý phản biện chính để ông chuyển sang Bộ Thương mại (đơn vị soạn thảo dự thảo - NV). Tôi cũng đã nhận được ý kiến trả lời của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đi vào cụ thể từng vấn đề tôi nêu.

* Vậy vì sao ông lại viết tiếp bản phản biện này?

- Vẫn còn một số điểm tôi chưa đồng ý với cách giải thích của Bộ trưởng Tuyển. Bên cạnh đó, vì QH sẽ ra quyết định cuối cùng đối với dự thảo luật nên tôi nghĩ ý kiến của tôi cũng phải đến nơi nó cần đến.

* Nhưng đến nay chúng ta đã có dự thảo thứ 15, nghĩa là ban soạn thảo cũng đã trải qua quá trình cân nhắc kỹ lưỡng?

- Vấn đề không nằm ở chỗ từng qui định cụ thể mà là quan điểm chiến lược giải quyết vấn đề CT của dự luật. Theo tôi, việc tập trung đưa ra các qui định về chống hạn chế CT (chống độc quyền) trong bộ luật không thích hợp với qui mô và trình độ phát triển kinh tế hiện nay của VN. Thực tế đang chứng minh rằng trong thời đại toàn cầu hóa, luật chống độc quyền quốc gia không có cách nào điều chỉnh được hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia, bởi vì những tập đoàn này nằm ngoài biên giới quốc gia nhưng có thể tác động độc quyền ở bất kỳ thị trường nội địa nào. Chỉ có hai nước là Anh và Mỹ mới đặt trọng tâm hàng đầu lên chống độc quyền. Trong khi đó, các nước phát triển khác đều chọn trọng tâm là chống CT không lành mạnh. Đây cũng chính là chiến lược mà VN sẽ phải lựa chọn vì chỉ có nó mới giải quyết được những vấn đề cấp bách trong hoạt động CT hiện nay của doanh nghiệp.

* Ông kỳ vọng gì vào bài phản biện của mình?

- Tôi rất muốn các đại biểu QH nghiên cứu những nhận xét phản biện của tôi. Nếu QH thấy những ý kiến của tôi chưa đủ sức thuyết phục, hãy giao cho một hội đồng chuyên gia nước ngoài về Luật CT thẩm định lại dự thảo. Thẩm định lại dự thảo luật bằng một cơ quan chuyên môn độc lập là một công đoạn bắt buộc trong quá trình soạn thảo luật theo thông lệ quốc tế.

* Vậy theo ông, các bộ luật nên được soạn thảo theo trình tự như thế nào?

- Đối với việc soạn thảo các bộ luật chuyên ngành, như Luật CT chẳng hạn, các nước phát triển đều giao cho các nhóm luật gia có quan điểm khác nhau soạn thảo. Mỗi nhóm viết một dự thảo luật hoàn chỉnh, ở VN theo tôi chọn ra ba nhóm là đủ. Các nhóm sẽ trình bày trước cơ quan chịu trách nhiệm trước QH (đối với Luật CT là Bộ Thương mại) rằng dự thảo của họ được soạn thảo dựa theo chiến lược nào, kỹ thuật giải quyết ra sao, mục đích để đạt được cái gì. Từ đó bộ sẽ chọn ra hai dự thảo để giao cho hai cơ quan thẩm định luật độc lập (công ty luật nước ngoài là tốt nhất). QH sẽ thảo luận chọn ra dự thảo cuối cùng. Dự thảo này có thể đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tức môi trường mà nó sẽ được áp dụng. Việc chỉnh sửa sau đó, nếu có, cũng không đụng chạm đến những điểm cơ bản của bộ luật mà chỉ góp phần hoàn thiện nó.

* Liệu chúng ta có tìm được những nhóm soạn thảo luật đủ năng lực để tham gia các dự án luật tại VN không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ điều này không khó, bởi ngày càng xuất hiện nhiều văn phòng luật uy tín, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là chúng ta phải làm gì để xây dựng được đội ngũ luật sư trẻ đủ trình độ tiếp cận với hệ thống luật quốc tế và có khả năng soạn thảo luật trong tương lai. Tôi đang bắt đầu tiếp cận với Luật sở hữu trí tuệ, một lĩnh vực mà hành lang pháp lý của VN còn rất mong manh.

Từ năm ngoái, Tập đoàn luật Boehmert & Boehmert của Đức thông qua tôi muốn giúp VN thành lập một trung tâm đào tạo luật sư sở hữu trí tuệ tại TP.HCM. Họ đã thảo đề án hoạt động của trung tâm này kèm giáo trình cụ thể, sử dụng các nguồn tài trợ quốc tế mà họ sẽ đứng ra vận động cho chúng ta.

* Xin cảm ơn giáo sư.

NHƯ HẰNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên