05/11/2012 07:35 GMT+7

Sẽ quản lý máy, khuôn đúc vàng

ÁNH HỒNG thực hiện
ÁNH HỒNG thực hiện

TT - Có hay không một số công ty lợi dụng việc xin quota chuyển đổi từ vàng thương hiệu mình sang vàng SJC để hợp thức hóa vàng lậu nhằm kiếm siêu lợi nhuận?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM kiêm tổ trưởng tổ giám sát gia công vàng miếng, nói:

Giá vàng tăng vượt 46 triệu đồng/lượng

TJCjevBt.jpgPhóng to
Sản xuất vàng miếng tại Công ty SJC - Ảnh: A.H.

- Vừa qua có ý kiến nghi ngờ một số đơn vị “khai khống” để xin quota chuyển đổi lớn, sau đó mới gom vàng nguyên liệu ngoài thị trường về dập thành thương hiệu vàng của mình, rồi chuyển đổi sang vàng miếng SJC để hưởng chênh lệch.

Về vấn đề này, tôi giải thích rõ rằng thẩm quyền cấp phép chuyển đổi vàng miếng thuộc NHNN trung ương, được căn cứ trên đề nghị của đơn vị và kế hoạch gia công của Công ty SJC. Trên cơ sở cấp phép của NHNN trung ương, NHNN TP.HCM sẽ đi kiểm tra tồn quỹ đột xuất tại các đơn vị. Đến giờ phút này tôi khẳng định chưa xảy ra việc doanh nghiệp (DN), NH kê khống số lượng vàng trong kho để xin quota chuyển đổi. NHNN TP.HCM đã đi kiểm tra và thấy rằng tồn quỹ của đơn vị so với số vàng cấp phép là đảm bảo.

* Vì sao NHNN không niêm phong và quản lý máy móc, khuôn đúc của các DN, NH để đảm bảo minh bạch?

- Từ trước đến nay NHNN chưa niêm phong các máy móc, khuôn đúc vàng miếng của các đơn vị khác ngoài SJC. Nhưng hiện nay các NH và DN được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây đang đề nghị được niêm phong máy móc, khuôn đúc và giao cho NHNN quản lý. Hiện NHNN TP.HCM đang chờ ý kiến của Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN.

Việc niêm phong này là cần thiết vì hiện nay họ không còn được sản xuất vàng miếng nữa, đồng thời để minh bạch trong hoạt động sản xuất vàng. Chưa kể hiện nay tình trạng vàng nhái, vàng giả tràn lan nên chính những DN này cũng sợ bị lợi dụng. Nếu được Vụ Quản lý ngoại hối cho phép, NHNN TP.HCM sẽ tiến hành niêm phong và gửi trong kho NHNN.

* Hiện nay tiến độ chuyển đổi sang vàng miếng SJC rất chậm. Nhiều DN cho rằng với tiến độ như hiện nay phải mất một năm nữa mới chuyển đổi xong. NHNN giải quyết vấn đề này thế nào?

- Vừa qua NHNN đã họp với các công ty vàng và NH. Tại cuộc họp các đơn vị đã đề xuất ba phương án để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Phương án 1 là nấu thành khối vàng 10 lượng, 20 lượng. Quá trình kiểm định sẽ tăng lên ít nhất 10 lần, từ đó quá trình chuyển đổi cũng sẽ được đẩy nhanh hơn. Phương án 2 là cho phép xuất bán vàng miếng, sau đó mua về vàng nguyên liệu đúng tiêu chuẩn bốn số chín. Do vàng nhập về đã đúng tiêu chuẩn bốn số chín nên việc gia công sẽ rất nhanh. Phương án 3 là xuất vàng trong kho dự trữ của NHNN để dập thành vàng miếng SJC, sau khi kiểm định xong sẽ trả lại.

Tuy nhiên trong ba phương án này, chỉ có phương án thứ hai là khả thi nhất vì ngay khi xuất DN có ngay 80% số vàng nhập khẩu ở kho ngoại quan. Thời gian xuất nhập và gia công chỉ mất tối đa một tuần. Hiện UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị lên thống đốc và thống đốc đang cân nhắc phương án này nhưng vấp phải tính pháp lý của nghị định 24, đó là chỉ có NHNN mới có quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Muốn sử dụng phương án này các NH, DN phải ủy quyền cho NHNN. Như vậy rất phức tạp, chưa kể chi phí cũng cao. Còn phương án xuất vàng trong kho dự trữ của NHNN rất khó vì phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Chưa kể trong trường hợp có rủi ro về giá hay rủi ro thu hồi lại thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Phương án nấu vàng miếng thành khối để kiểm định thì rủi ro về mặt chất lượng cao hơn so với kiểm từng miếng nên cả Công ty SJC và các đơn vị đều không chấp nhận.

Trong thời gian chờ đợi NHNN đưa ra phương án mới, chỉ có giải pháp tăng cường máy móc và nhân sự cho khâu kiểm định. Hiện nay Công ty SJC đang nhập thêm một máy kiểm định, còn máy kiểm định của các đơn vị khác không sử dụng được vì không tương thích với máy của Công ty SJC. NHNN cũng ưu tiên dập vàng miếng loại 1 lượng để tiết kiệm thời gian. Đến nay Công ty SJC đã gia công được 128.000 lượng vàng. Trong đó số vàng chuyển đổi từ các thương hiệu khác là 66.000 lượng, vàng móp méo dập lại là 62.000 lượng.

* Thời gian qua giá vàng miếng SJC và vàng miếng các thương hiệu có độ chênh rất lớn. NHNN xử lý vấn đề này thế nào để tránh tình trạng “móc túi” người giữ vàng?

- Đúng là trong thời gian qua có xảy ra tình trạng này và NHNN TP.HCM đã báo cáo thống đốc để có hướng xử lý. Sắp tới NHNN trung ương sẽ có phương án giải quyết vấn đề này, còn phương án cụ thể thế nào thì chưa nói trước được.

Ngoài ra, theo đề nghị của UBND TP.HCM, tới đây NHNN sẽ cho SJC giấy phép mở, tức mua được bao nhiêu vàng móp méo có thể mang đi dập ngay thay vì xin cấp phép từng đợt như hiện nay. Qua đó cũng giúp SJC quay nhanh đồng vốn, tạo điều kiện cho vàng lưu thông trên thị trường, hạn chế chi phí phát sinh.

* Thời gian qua các NH đã mua 60 tấn vàng ngoài thị trường để chuẩn bị cho việc ngưng huy động vàng. Tuy nhiên vẫn còn 20 tấn vàng chưa thể tất toán đúng hạn. Vậy số vàng chưa thể tất toán đúng hạn rơi vào những NH nào?

- Hiện nay còn 14 NH đang tiếp tục huy động vàng sau ngày 25-11, trong đó tại TP.HCM là 12 NH, tại Hà Nội hai NH. 12 đơn vị tại TP.HCM chiếm đến 97-98% tổng lượng huy động vàng trên cả nước. Hiện nay trạng thái vàng của các NH tương đối tốt hơn nhiều so với cách nay 1-2 tháng. Quan điểm của NHNN là dù gia hạn đến 30-6-2013 nhưng không đồng nghĩa với việc NH tiếp tục được huy động vàng đến thời điểm này. NH nào có thể ngưng huy động vàng ngay thì NHNN TP.HCM cũng đề nghị NHNN cho họ ngưng huy động vàng ngay. Rất nhiều NH cũng muốn như vậy vì kinh doanh vàng thời gian qua rất rủi ro. Trong năm 2012 không có đơn vị nào kinh doanh vàng mà lại lời cả.

Bơm 200.000 tỉ đồng cho sản xuất

PWriKvqU.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Hoàng Minh Ảnh: T.T.D

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, dự kiến TP.HCM sẽ dành 200.000 tỉ đồng phục vụ cho nhu cầu vốn cuối năm, trong đó tập trung vốn hoạt động sản xuất và kinh doanh cuối năm, đặc biệt DN thuộc bốn lĩnh vực ưu tiên, các chương trình bình ổn giá và đáp ứng nhu cầu tiền mặt cuối năm.

Hiện dư địa tín dụng còn nhiều do đến thời điểm hiện nay tín dụng trên địa bàn mới tăng 2,2%. Thanh khoản các NH cũng tốt hơn do không chịu áp lực về thanh khoản vàng, do vậy có khả năng đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế thuận lợi hơn so với những tháng vừa qua.

Các NH cũng đang mở rộng hình thức thế chấp tài sản bằng cách thế chấp bằng dòng tiền bán hàng của DN. Lãi suất cho vay bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên và các mặt hàng tham gia bình ổn tết vẫn từ 13%/năm trở xuống, lãi suất cho vay các đối tượng còn lại thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận phổ biến từ 15-16%/năm.

ÁNH HỒNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên