12/08/2012 07:36 GMT+7

Nên giảm thuế để kềm giá xăng dầu

BẠCH HOÀN - LÊ THANH - THUẬN THẮNG
BẠCH HOÀN - LÊ THANH - THUẬN THẮNG

TT - Hàng loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa gửi phương án tăng giá bán lẻ tất cả các mặt hàng xăng dầu lên Bộ Tài chính, trong đó mức cao nhất thuộc về xăng A92 với đề xuất tăng tới 1.400 đồng/lít.

8RB4OP2t.jpgPhóng to
Cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM của Công ty TNHH MTV Xăng dầu quốc tế miền Nam treo bảng hết xăng (ảnh chụp lúc 15g ngày 11-8). Hôm qua có khá nhiều cây xăng cũng treo bảng với nội dung tương tự - Ảnh: Thuận Thắng
hFRp5UJw.jpgPhóng to
Ảnh: T.T.D. - Đồ họa: N.Kh.

Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc sử dụng các phương án điều chỉnh thuế, xả quỹ bình ổn giá để giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cây xăng ngưng bán, doanh nghiệp đòi tăng giá

Đến hơn 17g30 ngày 11-8, trạm xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn ngưng bán xăng với bảng treo “cúp điện”. Theo một số người dân tại khu vực, cây xăng này đã ngừng bán từ hơn hai ngày nay với lý do hết xăng. Một nhân viên tại một cửa hàng điện thoại di động gần cây xăng này cho biết sáng 11-8, một xe bồn nhập xăng cho cây xăng này, sau đó cây xăng đã bán cho một số taxi rồi lại ngưng bán.

Khoảng 15g cùng ngày, một cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) của Công ty TNHH MTV Xăng dầu quốc tế miền Nam cũng đóng cửa nghỉ bán. Sau khi thấy chúng tôi chụp ảnh, cây xăng này mở cửa bán trở lại. Theo một số người dân trong khu vực, cây xăng này đã nghỉ bán từ trưa 10-8. Đây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng loạt cây xăng trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các vùng ngoại thành như Q.9, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh..., cũng đồng loạt nghỉ bán vào ngày 11-8 với lý do hết xăng.

Trước đó từ ngày 10-8, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt gửi phương án đăng ký giá với Bộ Tài chính, với mức đăng ký tăng giá đối với xăng A92 và A95 từ 1.200-1.400 đồng/lít, dầu diesel là 600-700 đồng/lít... Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng dầu thế giới đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chờ đủ điều kiện khoảng cách thời gian giữa hai lần tăng giá tối đa mười ngày (từ ngày 1 đến 11-8) theo quy định tại nghị định 84 để tăng giá bán lẻ.

Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối cho biết tại thị trường Singapore, thị trường xăng dầu dùng làm tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giá xăng A92 ngày 10-8 đã tăng lên đến 127,63 USD/thùng, khiến giá xăng A92 nhập khẩu tăng thêm 11,49 USD/thùng (tương đương 9,9%) so với thời điểm tăng giá xăng dầu trong nước (ngày 1-8). Tuy nhiên, giới kinh doanh xăng dầu cho biết giá xăng A92 trong nước chỉ có mức chênh lệch cao nhất là 1.100 đồng/lít so với giá thế giới, chứ chưa đến mức 1.400 đồng/lít như đề xuất của doanh nghiệp đầu mối. Theo các doanh nghiệp đầu mối, sở dĩ có sự “vênh” nhau này là do mỗi doanh nghiệp có nguồn nhập khác nhau, mức giá khác nhau.

Nên xả quỹ bình ổn, giảm thuế nhập khẩu

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc đề xuất tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối là hoàn toàn chính đáng và bất khả kháng vì giá thế giới đã tăng khá mạnh trong mười ngày qua, cộng với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động đột ngột đã gây áp lực phải tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần xem xét mức tăng sao cho hợp lý. “Tôi cho rằng mức tăng lên tới 1.400 đồng/lít như đề xuất của doanh nghiệp là quá lớn, chắc chắn sẽ gây sốc với doanh nghiệp và người dân. Theo đà này, chúng ta sẽ không thể ngăn cản một đợt tăng giá mới của hàng hóa tiêu dùng” - ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, các doanh nghiệp hiện đang phải chịu quá nhiều áp lực từ tăng giá điện, nay thêm giá xăng dầu với mức tăng quá mạnh chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Với người tiêu dùng, sức mua gần đây đã vốn suy kiệt, nay nếu giá xăng dầu tăng mạnh như đề xuất của doanh nghiệp xăng dầu thì đại bộ phận người lao động, đặc biệt là những người làm công ăn lương, sẽ càng phải thắt lưng buộc bụng hơn trong chi tiêu hằng ngày.

Do đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc chia sẻ một phần nguồn thu ngân sách với người dân và cộng đồng doanh nghiệp bằng cách giảm bớt thuế nhập khẩu. Hiện mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng xăng dầu đang trong khoảng 10-12%. Trong nhiều lần giá xăng dầu giảm trước đây, Bộ Tài chính đã áp dụng phương án vừa tăng thuế vừa giảm giá thì nay trong điều kiện ngược lại, bộ nên để doanh nghiệp tăng giá một phần và giảm thuế một phần.

Cùng quan điểm, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng mỗi lít xăng hiện đang cõng quá nhiều gánh nặng, áp lực. Cụ thể: 12% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt và phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng, tính ra tương đương khoảng 6.000 đồng. Ngoài ra, ông Long cho rằng việc ngưng trích quỹ bình ổn xăng dầu cũng là giải pháp cần được áp dụng.

“Chỉ nên trích quỹ bình ổn khi giá xăng dầu thế giới ở mức thấp, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lãi” - ông Long nói. Đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, theo ông Long, cần giảm lợi nhuận xuống để chia sẻ với người dân. Đã kinh doanh thì phải biết lấy lãi bù lỗ, chứ lúc nào cũng chăm chăm thu lợi ngay cả khi khách hàng khó khăn là không thể được.

“Dù giá xăng thế giới tăng hoặc giảm thì doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu vẫn được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Nếu tính sản lượng hàng chục triệu lít xăng dầu được bán ra mỗi ngày thì lợi nhuận thu được lên đến hàng chục tỉ đồng” - ông Long nói.

Cần xem lại cơ chế điều hành xăng dầu

Theo quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh sau ba ngày doanh nghiệp gửi phương án tăng giá lên Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng cơ chế điều hành giá xăng dầu không thể để cho doanh nghiệp tự định. Hơn nữa, Nhà nước cần có giải pháp khác để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, thay vì liên tục tăng giá bán xăng dầu trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị Bộ Tài chính cần xem lại cơ chế điều hành xăng dầu. Dù có đặt ra quy định không điều chỉnh quá 7% nhưng để doanh nghiệp quyết định tăng giá là sai, bởi Luật giá nêu rõ đối với sản phẩm độc quyền thì Nhà nước vẫn định giá. Trong khi đó, Nhà nước lại quản lý theo kiểu thị trường cạnh tranh là không ổn khi thị trường xăng dầu VN đang trong tình trạng độc quyền.

BẠCH HOÀN - LÊ THANH - THUẬN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên