23/07/2012 07:18 GMT+7

Vươn ra ngư trường quốc tế

VÕ VĂN THÀNH - ĐỨC BÌNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH - ĐỨC BÌNH thực hiện

TT - Để trở thành một quốc gia mạnh và giàu từ biển, không chỉ có đội tàu hiện đại, hậu cần nghề cá bền vững..., mà phải có nguồn nhân lực biển mạnh để không chỉ khai thác ở vùng biển VN mà còn vươn ra ngư trường quốc tế.

Ngư dân các nước được trang bị... tận răngMơ tàu “khủng” ra khơi xaRa khơi không chỉ cần lòng quả cảm

LPBnbp3m.jpgPhóng to
Chiếc tàu đánh cá này đang hoàn thiện phần be thuyền. Khi hạ thủy có thể đánh bắt ở ngư trường lớn xa hơn 200 hải lý. Ảnh chụp tại làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim) trong danh sách bốn làng nghề của TP Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: T.T.D.
96K0APe6.jpgPhóng to
Ông Trần Cao Mưu - Ảnh: Đức Bình

Muốn hướng đến nghề cá hiện đại, đóng tàu công suất lớn cũng quan trọng nhưng chỉ là một khâu trong chuỗi giá trị, còn rất nhiều việc khác không thể thiếu

Ông Trần Cao Mưu (tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam) khẳng định như trên khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ. Ông Mưu nói:

- Trong 10 năm trở lại đây, hoạt động khai thác hải sản đã nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập, đơn cử một vấn đề nóng hiện nay là thiếu vắng những con tàu hiện đại đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Trước đây Liên Xô (cũ) hỗ trợ chúng ta đội tàu xa bờ 10 chiếc, nhưng đến nay tàu không còn nữa. Sau đó, dự án ưu đãi vốn vay đóng tàu đánh bắt xa bờ được bắt đầu vào năm 1997 không thành công về kinh tế.

Hiện nay, sản lượng khai thác hải sản mỗi năm đạt trên 2 triệu tấn, tuy nhiên 70% trong số đó là khai thác gần bờ. Thậm chí nếu nói khai thác xa bờ thật sự của ta chủ yếu là đánh bắt cá ngừ (với các đội tàu ở Bình Định, Phú Yên...), sản lượng mỗi năm 15.000-30.000 tấn cá ngừ. Như vậy so với tổng sản lượng trên 2 triệu tấn thì việc khai thác xa bờ còn quá ít.

* Theo ông, cần làm gì để Việt Nam có được những tàu cá hiện đại ngang tầm với tiềm năng của một quốc gia biển?

- Hiện nay hộ tư nhân sở hữu 99% số lượng tàu thuyền trên cả nước, nhiều ngư dân đã tổ chức đánh bắt xa bờ, trong đó có việc đóng tàu công suất máy tới 1.000 CV, tuy nhiên nhìn chung do hạn chế về nguồn vốn nên rất khó khăn để đóng mới tàu cá hiện đại. Ở đây, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp, ví dụ đầu tư thí điểm đóng mới, thay máy mới cho tàu cá tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Phú Yên...

Về lâu dài, câu chuyện hiện đại hóa tàu cá liên quan đến rất nhiều công việc khác trong hệ thống các giải pháp để tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản. Các nước có nghề cá phát triển thì không những năng lực, công nghệ khai thác rất hiện đại mà phải tổ chức đồng bộ cả hậu cần và dịch vụ nghề cá.

Gắn khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất nghề cá để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản và cải thiện đời sống của ngư dân, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-7. Việc tổ chức lại sẽ gắn khai thác hải sản với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đối với việc thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác hải sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo phải đáp ứng các yêu cầu như tập trung hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt công suất 400CV trở lên, ưu tiên máy mới... Về phương thức hướng vào hỗ trợ lãi suất cho vay trên cơ sở mức cho vay tối đa 70-80% giá trị tàu; mức hỗ trợ phù hợp với công suất tàu (tàu công suất lớn thì mức hỗ trợ cao hơn).

* Như vậy không phải đơn giản có tàu to máy lớn là yên tâm ra khơi?

- Tôi sang Hàn Quốc thấy tàu dịch vụ hậu cần của họ chở cá về cảng chỉ sau một hai giờ là bốc hết vài trăm tấn sản phẩm, thậm chí có băng chuyền chạy thẳng vào nhà máy chế biến. Chúng ta chỉ có thể nhìn quy trình đó mà... ước mơ. Chẳng hạn như trước đây dự án đánh bắt xa bờ đóng tàu 300-400CV, nhưng hầm đông lạnh không đảm bảo chất lượng, rồi lại lúng túng trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Hồi tôi còn công tác ở tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đóng tàu dịch vụ hậu cần, có tàu đưa cá tươi về bờ nhưng một chuyến từ 200-300 tấn cá không tiêu thụ hết vì không có chợ đầu mối để các nậu, vựa đến đó tập trung bốc hàng. Khâu bảo quản không tốt nên ngày đầu cá còn bán được giá, sang ngày thứ hai, thứ ba cá bắt đầu hư hỏng, phải bán lỗ.

* Hiện có dự kiến đề xuất xây dựng năm trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng và bảy trung tâm tương tự tại các đảo trọng điểm, ông nghĩ sao?

- Đây là việc cần thiết, nhưng không phải cứ nói xây dựng trung tâm là người ta tìm đến. Vấn đề là các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đó có tập hợp được đội tàu các tỉnh không, nơi đó có các điều kiện thuận lợi cho tàu cá và ngư dân hay không.

Chẳng hạn chúng ta thấy rằng phải đầu tư cho hệ thống cảng cá, bến cá, nhưng có những nơi như cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) được đầu tư dài 100m mà ngư dân không thích vào. Tôi xuống hỏi bà con sao cứ thích ra bãi đội cá vào bờ cho vất vả mà không vào cảng, họ nói đơn giản là do thói quen và hơn nữa sợ vào cảng mất phí.

* Theo ông, về phía Nhà nước, đâu là việc cần làm đầu tiên để tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản theo hướng hiện đại, bền vững?

- Trước hết là phải làm tốt công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản. Thời bao cấp, một số nước như Na Uy, Nga... giúp chúng ta có những con tàu nghiên cứu nguồn lợi và quy hoạch phân vùng biển, ví dụ sự di cư của cá, mùa nào cá đẻ và mùa nào nên khai thác... Nhưng đến nay thì tàu đó hỏng rồi. Hiện nay ta chưa có con tàu đủ chất lượng để đi điều tra nguồn lợi nên số liệu không được cập nhật. Bà con ta đi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối. Trong khi đó các nước có dự báo ngư trường hằng tuần, hằng tháng, thậm chí có cả bản đồ luồng cá... Một việc nữa Nhà nước nên xúc tiến sớm là đầu tư đội tàu kiểm ngư hiện đại, đủ sức ra khơi xa bảo vệ nguồn lợi và hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Một công việc quan trọng khác là tăng cường hợp tác quốc tế để đưa tàu cá đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam, ngư trường quốc tế. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy Nhật Bản, Hàn Quốc... từ lâu nay đã vươn ra các vùng biển quốc tế và họ thuê rất nhiều thuyền viên là người Việt Nam.

* Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn nhân lực biển hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nghề cá?

- Tôi xin nói thẳng là nhân lực biển Việt Nam đang xuống dốc. Như chúng ta đã biết ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, còn lực lượng nghiên cứu khoa học về thủy sản thì mỏng và không được đào tạo kịp thời. Trước đây, khoa khai thác thủy sản trong trường đại học có cả ngàn sinh viên nhưng nay teo tóp dần, người học thường chỉ thích ra trường ở lại thành phố làm doanh nghiệp hoặc vào cơ quan nhà nước chứ ít ai muốn đi biển. Mai kia chúng ta sẽ thiếu nghiêm trọng lực lượng kỹ sư khai thác.

“Tôi khát khao được ra biển lớn”

Đóng tàu lớn để vươn ra ngư trường quốc tế hợp tác với các nước đánh bắt hải sản, thế nhưng giờ đây những con tàu công suất lớn ở đảo Phú Quý đang gặp khó khăn sau chuyến hợp tác đầu tiên với Philippines bị đổ vỡ do hợp đồng chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý.

Với gần 25 năm bám biển, ngư dân Đỗ Thanh Hảo ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận gửi đến Tuổi Trẻ những tâm sự của mình:

Năm 14-15 tuổi năm anh em trai tôi đã cùng cha rong ruổi khắp các vùng biển VN đánh bắt cá. Suốt 25 năm bám biển ấy cũng như nhiều bà con trên đảo, năm anh em tôi luôn khao khát làm ăn lớn, đóng tàu hiện đại để vươn ra các ngư trường mới hợp tác với nước bạn làm ăn.

Năm 2010, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, tôi cùng chín gia đình khác trên đảo gom tất cả tiền bạc và vay mượn thêm để đóng con tàu trị giá 2,4 tỉ đồng. Hồi đó một số tàu ở Phú Quý đã làm ăn rất thành công ở các ngư trường như Malaysia, Indonesia..., có tàu đi một chuyến lời hơn 300 triệu đồng. Thấy cơ hội đến, tôi cùng sáu tàu khác ở Phú Quý đều có công suất trên 500CV nghe theo lời của công ty môi giới VN để qua Philippines hợp tác đánh cá. Tuy nhiên giấc mộng đổ vỡ do hợp đồng chưa hoàn chỉnh về pháp lý...

Sau bài học cay đắng này chúng tôi quay về vẫn ôm giấc mơ đưa tàu lớn đi hợp tác các ngư trường mới nhưng không ai dám đi vì không có sự bảo hộ của Nhà nước. Hiện nay, trong số bảy tàu trở về từ Philippines thì một tàu phải bán, thuyền trưởng bỏ đảo về đất liền làm rẫy, hai chiếc phải cột vì công nhân bỏ tàu, còn tàu của tôi và ba tàu khác thì hoạt động cầm chừng. Từ khi trở về từ Philippines tàu tôi đi được ba chuyến, chuyến đầu lỗ 45 triệu đồng, chuyến thứ hai được 8,2 triệu đồng/người, chuyến thứ ba chỉ được 3,5 triệu đồng/người. Mỗi chuyến đi kéo dài một tháng rưỡi, chi phí dầu, thức ăn, đá lạnh bình quân 320-360 triệu đồng. Sau ba chuyến này tôi đã phải buộc tàu gần một tháng nay vì công nhân bỏ tàu.

Thật lòng tôi không muốn bán tàu nên đang cố giữ vì đây là tài sản cả cuộc đời, nếu bán đi tôi chẳng còn gì để sống: Nhưng nếu đánh bắt như vừa qua thì không biết bao giờ mới có tiền trả vốn ngân hàng. Hiện tại 10 gia đình chúng tôi vay 620 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Phú Quý và vẫn đang phải đóng lãi suất 18%/năm.

Chúng tôi là những ngư dân bám biển, giữ đảo. Thời gian chúng tôi sống ở biển dài hơn cả thời gian ở đất liền, hiểu biết về pháp luật cũng không nhiều. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng, Bộ Thủy sản tạo điều kiện hợp tác với các nước để đưa tàu lớn qua các ngư trường mới ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei... hoặc xa hơn để đánh bắt. Nếu chúng tôi cứ loanh quanh ở ngư trường nhà với tình hình ngư trường ngày càng khan hiếm này thì chúng tôi vẫn sống được, nhưng làm ăn lớn, làm giàu thì không thể.

VÕ VĂN THÀNH - ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên