13/07/2012 07:41 GMT+7

Thủy điện nhỏ kêu khổ vì EVN độc quyền

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Trong khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua điện của Trung Quốc với giá cao, nhiều nhà máy thủy điện VN lại bị hạn chế phát điện. Giá bán điện từ năm 2011 đến nay tăng đến ba lần.

Các doanh nghiệp thủy điện VN không được lợi gì ...

swNyOQ3T.jpgPhóng to
Vận hành các tổ máy thủy điện Mường Sang công suất 2,4MW (xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La) - Ảnh: Duy Anh - Ttxvn

Đây là những ý kiến bức xúc của nhiều doanh nghiệp thủy điện tại diễn đàn “Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 12-7.

Ưu ái điện Trung Quốc, o ép thủy điện trong nước

Theo ông Vũ Ngọc Cừ - phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lào Cai, vẫn còn nhiều bất hợp lý trong chính sách với thủy điện. Điển hình về giá điện, “EVN đang mua của thủy điện nhỏ chỉ 800-900 đồng/kWh nhưng mua điện từ Trung Quốc tới khoảng 1.300 đồng/kWh” - ông Cừ nói. Cho rằng mức chênh lệch trên là quá lớn, ông Cừ đề nghị các cơ quan chức năng xem xét bất hợp lý này.

Đại diện Tập đoàn Hưng Hải, chủ đầu tư một số nhà máy thủy điện, cho rằng trong khi doanh nghiệp điện trong nước bị chèn ép, EVN lại ưu ái với nhà cung cấp điện Trung Quốc. Cụ thể, theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN với phía Trung Quốc, nếu phía VN phát được điện, không may mà thừa công suất, chảy ngược về phía Trung Quốc quá 5% thì phía EVN không những mất lượng điện “biếu không” đó mà còn bị phạt. Do đó, dù năng lực phát điện của doanh nghiệp VN trong năm 2011 khá tốt, nhưng điều độ điện lực một số địa phương (Hà Giang, Lào Cai) vẫn ra lệnh cắt, giảm phát điện vào giờ cao điểm gây bức xúc lớn.

Ông Hoàng Minh Tuấn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến, cho biết đã đầu tư được thủy điện 50MW, từ năm 2011 đến nay giá điện đã tăng ba lần nhưng EVN hưởng tất. “Chúng tôi không được đồng nào” - ông Tuấn khẳng định và đề nghị Cục Điều tiết điện lực phải vào cuộc chia đều phần tăng giá cho cả hệ thống truyền tải và các công ty phát điện. Theo ông Tuấn, tình hình đầu tư thủy điện giờ lỗ, rất khó khăn. Mỗi lần đàm phán giá với EVN là một lần cực khổ, ông Tuấn tâm tư: “Nếu điện cất được thì tôi đã đem về nhà cất rồi”.

Không xóa độc quyền, khó có giá điện cạnh tranh

Giá điện VN không hẳn là thấp

Theo ông Trần Viết Ngãi, hiện giá điện bình quân ở VN lên tới 7,2 cent/kWh (đã có VAT), chưa kể EVN bán điện theo giá bậc thang, càng dùng nhiều giá càng cao.

Trong khi đó, theo so sánh của PGS.TS Đàm Xuân Hiệp - Hội Điện lực VN, giá điện cao nhất ở Nhật là 20 cent/kWh, Singapore 14,3 cent/kWh nhưng Ấn độ, Pakistan chỉ 4-5 cent/kWh, Phần Lan 11 cent/kWh, Colombia 7 cent/kWh, Hoa Kỳ gần 10 cent/kWh...

Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN (VEA), các thủy điện nhỏ thời gian qua đã giúp EVN một lượng công suất lớn. Nhưng theo quy định mới của Bộ Công thương, chỉ thủy điện từ 30MW trở lên mới được tham gia phát điện cạnh tranh, bán buôn. Trong khi đó, đa số thủy điện nhỏ đều dưới 30MW, họ sẽ bán cho ai? Theo ông Ngãi, VEA sẽ kiến nghị cho các nhà máy thủy điện nhỏ từ 10MW trở lên cũng được tham gia phát điện cạnh tranh. Còn lại, có thể cho họ bán điện trực tiếp cho điện lực địa phương.

Ông Hoàng Minh Tuấn cho rằng thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay chỉ là lý thuyết, vì “làm gì có thị trường mà cạnh tranh”. Các nhà đầu tư thủy điện nếu không bán cho EVN thì chẳng biết bán cho ai. Ông Tuấn cũng nêu một khó khăn khác là Bộ Tài chính đang đánh thuế tài nguyên nước với thủy điện theo giá điện mà EVN bán cho người dân, hiện nay lên tới 1.369 đồng/kWh. “Trong khi chúng tôi bán điện cho EVN là giá bán buôn, trung bình chỉ đạt 866 đồng/kWh” - ông Tuấn nói và cho rằng nếu không sửa, cách tính của Bộ Tài chính sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Ông Hà Sỹ Dinh, phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển năng lượng Sơn Vũ, cho biết công ty có một thủy điện 32MW ở Lào Cai nhưng nhà máy đang khó khăn do bị hạn chế công suất giờ cao điểm, thậm chí có ngày phải dừng máy do EVN sửa lưới, mà yếu tố này doanh nghiệp không thể kiểm soát được... Theo ông Dinh, các nhà máy thủy điện nhỏ đang phải tự đầu tư lưới truyền tải điện đến tận điểm đấu nối của EVN trong khi lẽ ra EVN phải làm. Chưa hết, đầu tư xong, các doanh nghiệp phải tự vận hành đường dây. Và thay vì tự tuyển nhân công, mua trang bị, các thủy điện nhỏ thường phải thuê chính các công ty lưới điện của EVN vận hành với giá nhân công cao.

Ông Phạm Công Nhân, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Giang, khẳng định với giá mua điện 600-900 đồng/kWh của EVN hiện nay, hầu hết thủy điện nhỏ đều lỗ. Vì vậy, theo ông Nhân, cần xây dựng lại cơ chế giá điện theo mùa mưa (giá thấp) và mùa khô (giá cao) cho hợp lý, theo đặc điểm vùng miền... Đặc biệt, ông Nhân kiến nghị phải khắc phục những tồn tại để huy động tối đa công suất các nhà máy thủy điện nhỏ có thể phát nhằm tránh lãng phí tài nguyên, nhà máy của các nhà đầu tư trong nước.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên