21/06/2012 06:43 GMT+7

Ngành điện cần sớm chấm dứt độc quyền

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)

TT - Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho biết cử tri rất quan tâm và mong muốn Quốc hội sửa đổi Luật điện lực, làm thế nào tạo bước đột phá căn bản trong xây dựng và từng bước hoàn thiện phát triển thị trường điện lực cạnh tranh lành mạnh, hoàn chỉnh.

* Không buộc người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh

Kỳ vọng như vậy, nhưng lần này cơ quan soạn thảo trình ra một dự thảo luật chưa đảm bảo phù hợp thực tiễn cuộc sống.

oJV3JrIb.jpgPhóng to
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: “Để giá điện thật sự minh bạch cần phải tách bạch giữa các khâu” - Ảnh: VIỆT DŨNG

Xin không làm thượng đế

“Trong lĩnh vực điện lực, nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán. Nếu cứ độc quyền ngành điện thì người dân xin không bao giờ là thượng đế của ngành điện nữa. Bởi vì ngành điện cắt điện lúc nào cũng được. Cho nên lộ trình đến năm 2022 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm, cần rút ngắn lộ trình này”.

Ông Dũng nói: “Chúng tôi đề nghị phải sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với từng bước hạn chế độc quyền trong sản xuất kinh doanh điện, đảm bảo trong thời gian gần nhất có thể xóa bỏ được cơ chế độc quyền và tạo được thị trường cạnh tranh lành mạnh phù hợp với quy luật phát triển”.

Ông Dũng và nhiều vị đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung những quy định để đảm bảo quyền bình đẳng giữa bên bán điện và bên mua điện.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân, nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đối với các nước có thị trường điện phát triển ở mức độ cao thì vẫn có sự điều tiết của cơ quan điều tiết điện lực đối với giá bán điện.

“Để giá điện thật sự minh bạch và dễ quản lý, giám sát thì giá điện cần phải tách bạch chi tiết giữa các khâu có liên quan” - ông Đỗ Văn Vẻ nói.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính. Toàn văn dự án luật được thông qua với hơn 85% số đại biểu Quốc hội tán thành, trong khi nội dung bỏ áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh được Quốc hội biểu quyết riêng với 394 đại biểu (chiếm hơn 69%) đồng ý, số đại biểu không đồng ý là 108 và 16 đại biểu không biểu quyết.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc báo cáo giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý”.

Với việc thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội cũng đã quyết định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỉ đồng và đối với tổ chức vi phạm là 2 tỉ đồng. Tại các thành phố trực thuộc trung ương, HĐND sẽ được quyết định mức phạt tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nội thành. Luật cũng cho phép áp dụng biện pháp tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, trong đó buộc người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương với giá trị tang vật, phương tiện để sung vào ngân sách nhà nước trong trường hợp họ chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tang vật, phương tiện đó để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Luật xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, riêng nội dung bỏ biện pháp buộc người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng từ ngày 1-1-2014.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật giá, Luật giám định tư pháp, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên