25/05/2012 08:22 GMT+7

Vàng miếng không phải SJC bị ép giá

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Ngày 24-5, một ngày trước khi nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực (25-5), một số tiệm vàng đã từ chối mua vàng miếng các thương hiệu khác, ngoài SJC”.

Ngay cả khi bán lại cho chính “nhà sản xuất”, giá vàng cũng được mua thấp hơn nhiều so với giá niêm yết...

MNPtvAdS.jpgPhóng to
Sau thời gian chuyển tiếp sáu tháng, chỉ những doanh nghiệp hội đủ điều kiện mới được phép kinh doanh vàng miếng. Trong ảnh: mua bán vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - Ảnh: A.H.

Dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác, nhưng thực tế các loại vàng miếng “khác” vẫn bị ép giá, thậm chí nhiều nơi từ chối thu mua.

Thu vào giá rẻ vì...không bán được!

Cầm hai lượng vàng SBJ đến tiệm vàng gần nhà trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để bán, chị Dung chỉ nhận được cái lắc đầu. “Mua vàng đó vào hiện không bán được, vì khách chỉ mua vàng SJC” - chủ tiệm vàng nói. Cực chẳng đã, chị Dung đem đến một cửa hàng vàng quen khác trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình). Sau một hồi bấm máy tính, chủ tiệm vàng cho biết chấp nhận mua nhưng giá phải thấp hơn giá mua vàng miếng SJC khoảng 3,4 triệu đồng/lượng. Chủ tiệm nói giá đó là “hữu nghị” vì loại vàng không phải SJC mua vào bây giờ không bán ra được, chủ yếu để chế tác nữ trang.

Tìm đến Ngân hàng Sacombank (Q.3, TP.HCM), đơn vị sở hữu thương hiệu vàng miếng SBJ, chị Dung khấp khởi mừng vì giá mua bán vàng miếng SBJ trên bảng điện tử vẫn ngang bằng giá mua bán vàng SJC. Tuy nhiên, sau khi hỏi số lượng, nhân viên ngân hàng báo giá mua khoảng 39,49 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,74 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết trên bảng điện cùng thời điểm. “Ngân hàng Nhà nước chưa có phương án chuyển đổi cho vàng miếng không phải SJC nên người mua bị thiệt” - chị Dung bức xúc.

Không chỉ vàng miếng SBJ, mà vàng miếng nhiều thương hiệu khác như NJC (Thần Tài Phương Nam), Rồng Thăng Long, AAA cũng chịu cảnh tương tự. Chủ một tiệm vàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình) cho biết dù là vàng miếng, nhưng nếu không phải là SJC thì khi mua vẫn phải thử để xác định tuổi vàng. Ngay tại chính các công ty vàng, giá thu mua vàng cũng có sự phân hóa rõ nét. Giá mua vàng miếng Rồng Thăng Long được niêm yết tại Công ty Bảo Tín Minh Châu chiều 24-5 ở mức 40 triệu đồng/lượng. Trong khi giá thu mua vàng miếng AAA là 40,2 triệu đồng/lượng và vàng miếng SJC lên đến 41,18 triệu đồng/lượng.

Ráo riết chuyển đổi

Ông Trần Hải, giám đốc Công ty kinh doanh vàng và dạy nghề Hải Quyên (TP.HCM), cho biết mãi lực vàng miếng trên thị trường đã giảm 70%. Do vậy doanh nghiệp của ông chủ yếu kinh doanh nữ trang nhưng cũng ế ẩm do giá vàng quá cao. Công ty vàng SBJ hiện nay chỉ còn giao dịch vàng nữ trang, khách hàng muốn bán vàng miếng SBJ được chỉ sang Ngân hàng Sacombank. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng SBJ, cho biết số lượng vàng SBJ mua từ người dân ngân hàng đang cất trong kho để chờ chuyển đổi thành vàng miếng SJC.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - phó tổng giám đốc Công ty PNJ, giao dịch vàng miếng sụt giảm rất mạnh. Những ngày thị trường sôi động nhất, doanh số giao dịch vàng miếng chưa đến 500 lượng, ngày bình thường dao động 200-300 lượng, bằng 1/10 so với năm trước. “Chúng tôi đang đợi thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để đăng ký lại chức năng kinh doanh” - bà Cúc nói.

Tại những khu vực tập trung nhiều cửa hàng, công ty vàng như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hữu Cầu (Q.1), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cũng lâm cảnh người bán nhiều hơn người mua. Chủ tiệm vàng KH trên đường Phạm Văn Hai cho biết so với thời điểm đỉnh cao, giá vàng đã giảm 6-7 triệu đồng/lượng nhưng lực mua rất yếu. Trước đây, mỗi ngày tiệm vàng của ông mua bán cả vài chục lượng vàng, hiện nay giao dịch mỗi ngày chỉ 5-7 lượng.

Ông Nguyễn Văn Dưng, chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP có hơn 2.000 tiệm vàng, phần lớn chỉ có vốn dưới 10 tỉ đồng và thực hiện nộp thuế theo dạng khoán vài triệu đồng/tháng. Do đó, rất ít đơn vị đáp ứng được các điều kiện kinh doanh vàng miếng theo nghị định, trong đó doanh nghiệp phải hội đủ điều kiện như có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh mua, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất.

Theo ông Dưng, từ trước đến nay các tiệm vàng hầu hết kinh doanh cả vàng miếng lẫn trang sức, do vậy tới đây khi hết thời hạn chuyển tiếp có thể họ sẽ chuyển sang kinh doanh vàng nhẫn và vàng trang sức. Số khác đang lo mở thêm chi nhánh, tăng vốn để đáp ứng điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định.

Sớm công bố lộ trình chuyển đổi vàng miếng sang SJC

Để giải quyết tình trạng chê vàng miếng không phải thương hiệu SJC, các công ty vàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chuyển đổi vàng miếng loại này thành vàng miếng SJC để ổn định tâm lý cho người dân. Hiện nay do chưa được hướng dẫn nên vàng miếng không phải thương hiệu SJC chỉ có chiều mua vào chứ không bán ra được, khiến doanh nghiệp bị chôn vốn. Do vậy buộc doanh nghiệp phải niêm yết giá thấp để hạn chế mua vào. Nên chăng Ngân hàng Nhà nước cho phép những loại vàng này khi kiểm định nếu đủ trọng lượng, chất lượng thì cho chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước có thể thu một số phí nhất định, chẳng hạn mức 60.000 đồng/lượng như mức Công ty SJC thu trước đây.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên