Phóng to |
Ảnh: chinhphu.vn |
* Thu Hằng (Bảo hiểm Bảo Việt): Một hiện tượng không mấy mong chờ là hiện nay một số doanh nghiệp FDI bắt đầu chuyển từ sản xuất sang kinh doanh phân phối? Khi chuyển sang phân phối thì họ buộc phải nhập khẩu. Vậy vô hình trung họ làm gia tăng nhập siêu, lợi nhuận của họ đương nhiên là chuyển về nước họ.
Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và Bộ trưởng có biện pháp gì để nắn lại dòng vốn FDI đi vào sản xuất hay không?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng là có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trước được cấp phép sản xuất, giờ chuyển sang kinh doanh phân phối mặt hàng. Ở đây có hai loại.
Nếu họ được cấp phép chỉ được sản xuất sản phẩm đó, như xe máy, giờ chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh, thì phải xem xét lại giấy phép. Nhưng bản chất ở chỗ, trước 2007, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, chúng ta hoàn toàn cấm, không cho phép các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất lại được đăng ký tiếp tục nhập khẩu, đứng ra làm đại lý phân phối tất cả các sản phẩm của mình.
Nhưng từ 2008, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận điều khoản của tổ chức này và phải cam kết nhiều khoản, trong đó có việc từ 2009, Việt Nam phải mở cửa để các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ngoài vào Việt Nam ngoài đăng ký sản xuất sản phẩm của mình, được phép đăng ký phân phối và tiêu thụ và các sản phẩm của họ. Nghĩa là không có rào cản.
Đây là sức ép lớn trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế cho nên, việc một số doanh nghiệp đang sản xuất, chuyển sang đăng ký thêm nhập khẩu và kinh doanh đại lý cũng đã xuất hiện nhiều.
Về mặt nguyên tắc, không cấm họ bằng hành chính được. Hiện, cơ quan quản lý phải có biện pháp khác, như sử dụng hàng rào kỹ thuật, để hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước sản xuất được, hạn chế các tiêu cực. Ngoài ra, chúng ta khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất tại VN các mặt hàng tương tự với chất ượng tốt và giá thành thấp hơn.
Gần đây, chúng ta phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đấy cũng là một biện pháp hữu ích cùng với việc tôi đã nêu ở trên.
* BTV: Bộ trưởng nghĩ sao khi dòng vốn FDI không đầu tư cho sản xuất mà đổ vào bất động sản?
- Về dòng FDI đưa vào lĩnh vực bất động sản, có thể nói, về luật pháp, Việt Nam không cấm các nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói rằng hiện có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, hiện đại, mẫu mực. Qua đó, không những chúng ta có lợi về đầu tư mà còn có bài học trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực Nhà nước khuyến khích mà chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến…
Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô.
Hiện nay, đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Bình quân trong giai đoạn 2008 - 2010, trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng sang năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp FDI giảm còn 7%.
* Đỗ Hoàng Việt (Long Thành - Đồng Nai): Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng liệu có thêm sân golf nào được xây dựng không? Hoặc Bộ trưởng có bao giờ tính đến chuyện quy hoạch và bỏ bớt sân golf trả lại đất sản xuất cho nông dân hay không? Cảm ơn Bộ trưởng và chúc ông luôn thành công.
- Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Chúng ta không thể nhìn sân golf chỉ như một thứ đe dọa như vậy. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện, Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf.
Mặt khác, cũng phải nói rằng, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này cũng có nơi chưa được nghiêm.
Tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị mới về vấn đề này và hi vọng trong tháng 3 sẽ ban hành. Chỉ thị có một số điểm đáng lưu ý.
Một là rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ. Thứ 2 là kiểm tra, xử lý các sân dùng đất màu, đất lúa, biến thành BĐS. Thứ 3, quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa 1 vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf. Cuối cùng, sân chỉ được xây dựng ở các vùng có tiềm năng du lịch và phải xây tiết kiệm.
Như vậy, có thể nói rằng, không thể nói là trong nhiệm kỳ của tôi không có thêm một sân golf nào, mà phải có tiêu chí cụ thể. Tôi hi vọng nhân dân sẽ đồng thuận với quan điểm này.
* Bạn đọc ở địa chỉ saotim12@...com: Tôi xin gửi đến Bộ trưởng đoạn bài viết của tác giả Vân Khánh mà tôi thấy rất tâm đắc “Trong thời gian qua, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước không thể phủ nhận, đầu tư công của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư. Đầu tư công luôn đi cùng với lãng phí và tốn kém, thậm chí với mức độ ngày càng nặng nề…
Một ví dụ điển hình về hiệu quả đầu tư công thấp là Chương trình xóa đói giảm nghèo cho các vùng sâu, vùng kinh tế khó khăn (Chương trình 135)... Chất lượng thấp và thất thoát vốn trong đầu tư công còn do sự chậm trễ và thường đi kèm với việc xin được điều chỉnh tăng vốn của các dự án đầu tư công trong triển khai như cặp bài trùng quen mặt”. Bộ trưởng nghĩ sao về đoạn viết này?
- Câu hỏi này của bạn, tôi thấy có hai vấn đề. Thứ nhất, nếu nhận xét chương trình đầu tư xóa đói giảm nghèo theo Chương trình 135 không hiệu quả thì tôi hoàn toàn không đồng ý.
Tôi có thể nói rằng, trong các chương trình có mục tiêu và đầu tư xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta, thì chương trình đầu tư xóa đói giảm nghèo cho các xã khó khăn (Chương trình 135) là chương trình thực sự có hiệu quả.
Có thể ở nơi nào đó, có công trình không hiệu quả, nhưng tổng chung lại, qua nhiều cuộc giám sát của các cấp, đặc biệt Ủy ban Dân tộc của Quốc hội nhiều lần đi kiểm tra, đều đánh giá rằng, đây là Chương trình có nhiều cơ chế rất tốt, giao vốn cho nhân dân, giám sát và thực hiện, thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, đã thay đổi bộ mặt về cơ sở vật chất cũng như đời sống của nhân dân ở vùng sâu vùng xa. Chính nó là động lực làm cho xóa, giảm nhanh đói nghèo như vừa qua. Cho nên, tôi không đồng tình với ý kiến như bài viết của tác giả Vân Khánh.
Còn việc nói rằng các dự án trong chương trình để chậm trễ kéo dài, không thi công, sau đó thì để xin tăng vốn…, về hiện tượng thì có, nhưng sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng, không phải các chủ đầu tư muốn kéo dài sự chậm trễ để tăng vốn, vì để chậm trễ, giá trượt đi rất nhiều và anh không đủ vốn để làm.
Chúng tôi thấy, một trong những nguyên nhân đó là giải phóng mặt bằng rất chậm. Từ khi dự án được duyệt cho tới khi giải phóng mặt bằng là rất lâu.
Nguyên nhân thứ 2, bố trí vốn dàn trải nên không đủ vốn thực hiện. Đây là nguyên nhân phải tháo gỡ để các công trình hoàn thành sớm như phương án chúng tôi trình trong Chỉ thị 1792 của Thủ tướng là phải bố trí đủ vốn và phải làm thật tốt chuẩn bị đầu tư thì mới được đưa công trình vào hoạt động.
Xin nói rằng hiện tượng này hiện vẫn còn. Chúng ta sẽ từng bước phải ngăn chặn và đẩy lùi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận