10/03/2012 08:39 GMT+7

Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Mới đề xuất đã lạc hậu

Ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội TP.HCM)

TT - Bộ Tài chính vừa công bố nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nội dung bản dự thảo có quá nhiều điểm bất hợp lý.

B0WhFtM9.jpgPhóng to
Người dân đến làm thủ tục và được hướng dẫn về cách thức kê khai, đăng ký thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng người nộp thuế không được sẻ chia gì của cơ quan quản lý mà chỉ thêm phần bức xúc.

Sửa càng sớm càng tốt

Luật sư Trương Thanh Đức, Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng thực chất mức giảm trừ cho người nộp thuế nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng không phải tăng lên mà là quy đổi ngang giá. Cụ thể: hiện Bộ Tài chính khẳng định giá cả tăng cao đã tác động rất lớn đến đời sống người dân. Thế nhưng bộ này lại đề nghị thời gian áp dụng luật đến tận năm 2014 là không phù hợp với tình hình hiện nay. Để công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, đáng lẽ phải áp dụng càng sớm càng tốt và nên ngay từ năm 2013.

"Tôi chưa rõ là căn cứ trên cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất như vậy. Việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy nâng lên mức nào, có áp dụng cách tính theo phương pháp cũ hay không đều phải có căn cứ, thuyết trình cụ thể để đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định"

Tiến sĩ Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính, nhận định mức giảm trừ được xác định cứng 6 triệu đồng/tháng sẽ chỉ thuận lợi, dễ cho công tác quản lý thuế nhưng không phù hợp với mức lạm phát và trượt giá hằng năm. Mặt khác, có thể đến năm 2014 mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế không còn phù hợp khi lạm phát tăng cao. Thực tế yêu cầu sửa đổi bổ sung luật này đã có từ cách đây một năm rồi.

Với quan điểm khác, bà Nguyễn Thị Thìn, phó chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho rằng thuế thu nhập cá nhân nên được hiểu là phải nộp từ đồng thu nhập đầu tiên. Vì đây là loại thuế phổ biến nên không tính đến trượt giá.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng cách làm này được áp dụng ở các nước phát triển khi chính sách an sinh xã hội của họ rất tốt, con em đi học không phải đóng tiền, đi khám chữa bệnh cũng được nhà nước lo... Trong khi đó ở ta, người nộp thuế phải lo chi phí gần như tất cả các khoản. Bà Duyên nói thêm luật thuế nào cũng phải dựa vào nguyên tắc thu nhập được trừ chi phí trước khi tính thuế. Với thuế thu nhập cá nhân cũng cần như vậy, các chi phí tối thiểu nhất như ăn, ở, đi lại, học hành... phải được trừ trước khi xác định thu nhập tính thuế.

Nên giảm thuế bậc 1 từ 5% xuống 2%

Bên cạnh đó, về bậc thuế, ông Đức đề nghị nên giảm chỉ còn 5 bậc thay mức 6 bậc như phương án đề xuất. Còn với mức thuế dày và cao như Bộ Tài chính đề xuất, chẳng có thay đổi nhiều so với quy định hiện hành.

Ông Đức góp ý mức thuế suất khởi điểm 5% khiến mọi người lầm tưởng thuế suất thấp. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc thuế này quá dày như 0-5 triệu đồng có thuế suất 5%, 5-10 triệu đồng là 10%... khiến mức độ điều tiết tăng nhanh, tức số tiền nộp là cao. Do vậy, mức thuế bậc 1 nên tính từ thu nhập trên 6 triệu đồng đến 20 triệu đồng thay cho mức trên 6 triệu đồng đến 11 triệu đồng như phương án đề xuất.

Để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, bà Thìn góp ý mức thuế suất ở bậc đầu tiên nên hạ xuống 2-3% thay cho mức 5% để khuyến khích nhiều người nộp thuế. Thật ra, thuế suất thấp sẽ tăng tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế. Nhiều người sẽ không cảm thấy áp lực với thuế suất cao mà phải tìm cách này cách kia để lách, trốn thuế. Tuy nhiên, với mức thuế suất 30% cũng sẽ không khuyến khích được những người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động.

Ông Nguyễn Thái Sơn (nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM):

Chưa nuôi dưỡng nguồn thu

Tôi cho rằng hướng điều chỉnh Luật thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính đề xuất chưa thể hiện sự quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của người nộp thuế. Biểu thuế lũy tiến từng phần có điều chỉnh giảm còn 6 bậc thay cho 7 bậc như hiện nay (bỏ bậc thuế 35%). Tuy nhiên, cách điều chỉnh này không tác động lớn vì chỉ tác động đến những cá nhân có thu nhập cao, trên 80 triệu đồng/tháng, còn những người có thu nhập ở mức thấp hơn vẫn chịu áp lực do biểu thuế suất quá dày, thu nhập chỉ vừa nhích lên đã rơi vào bậc thuế khác.

Từ kinh nghiệm của các nước, tôi cho rằng trong giai đoạn đầu cơ quan thuế chỉ nên đặt mục tiêu kiểm soát được các nguồn thu của người nộp thuế, sau đó mới nghĩ đến việc điều tiết thuế ở mức cao hơn. Nên hạ mức thuế suất, bỏ các bậc lẻ, chỉ giữ lại các bậc thuế 10%, 20%, 30% và tăng độ giãn giữa các bậc thuế suất. Số thuế thu bị giảm sẽ được bù đắp bằng cách tập trung lực lượng nhằm kiểm tra cho được thu nhập của những người có thu nhập cao.

Về việc cố định mức giảm trừ gia cảnh, theo tôi, là không nên vì sẽ dẫn đến khó khăn cho người nộp thuế. Theo tôi, nên dựa theo một tiêu chí nào đó như mức lương tối thiểu và cho phép mức giảm trừ gia cảnh biến động theo đó.

Ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên