01/03/2012 07:37 GMT+7

Giá dịch vụ ăn uống "nhảy múa"

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Dù giá nhiều loại thực phẩm đã hạ nhiệt sau tết, các cửa hàng ăn uống tại TP.HCM đã không giảm mà còn đua nhau tăng giá. Nhiều thực khách choáng váng khi giá tăng tới 20-30%, thậm chí 50-60% so với trước tết.

0VK37eej.jpgPhóng to
Thực đơn của một quán cơm ở Q.1 không có bảng giá khiến khách hàng lúng túng khi chọn món ăn - Ảnh:T.T.D.

Lý do tăng giá được giải thích do chi phí đầu vào như: giá nhân công, giá gas, giá thực phẩm, giá thuê mặt bằng kinh doanh... tăng. Trong khi đó, tình trạng không niêm yết giá bán vẫn tràn lan và cơ quan quản lý thị trường vẫn ít kiểm tra và xử phạt các vi phạm về vấn đề này.

Tăng giá hơn 60%!

Bán hàng cao hơn giá niêm yết: có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Theo quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá tại nghị định 84/2011, nếu người bán hàng hóa, dịch vụ không niêm yết giá và niêm yết giá không rõ, gây nhầm lẫn cho khách sẽ bị xử phạt từ 500.000-2 triệu đồng. Các cơ sở kinh doanh bán hàng cao hơn giá đã niêm yết bị xử phạt ở mức cao hơn, từ 2-5 triệu đồng. Người bán hàng cũng có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng nếu có nhiều vi phạm cùng lúc liên quan đến các quy định trên.

Anh Nguyễn Quốc Việt (Q.Gò Vấp) cho biết cách đây mấy ngày có ghé một quán ăn trên đường Trường Sa, Q.Tân Bình gọi bữa sáng là một tô cháo. Đến lúc thanh toán, anh Việt tá hỏa khi bị tính 50.000 đồng, dù tô cháo loãng chỉ lèo tèo vài miếng lòng.

Gọi chủ quán để kiểm tra, anh Việt nhận được câu trả lời là trước tết giá đã 30.000 đồng/tô, sau tết nhiều thứ tăng giá quá nên mới tăng lên 50.000 đồng/tô.

Anh Việt chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt dù rất ấm ức với mức tăng quá vô lý, lên tới 66,6% trong khi giá thực phẩm hiện nay không những không tăng mà còn đang giảm. “Không thể có giá đầu vào, giá loại thực phẩm nào lại tăng đột biến tới mức khủng khiếp như vậy” - anh Việt nói.

Theo tính toán, giá thực phẩm đầu vào cộng với chi phí điện nước, gas cho tô cháo nói trên chỉ khoảng 20.000 đồng. Rút kinh nghiệm, anh Việt cho rằng từ nay về sau, đi ăn hàng quán ngoài đường, cách tốt nhất là nên vào những địa chỉ quen hoặc những nơi có niêm yết giá.

Thường xuyên đi ăn sáng và cơm văn phòng ngoài tiệm, chị Bảo Hân (P.9, Q.Phú Nhuận) cũng cho biết giá bán tại hầu hết các cửa hàng ăn uống thay đổi chóng mặt, có tăng chứ không giảm. Chẳng hạn, một ổ bánh mì kẹp vài lát thịt hiện có giá 15.000-20.000 đồng, tăng 5.000 đồng/ổ; cơm văn phòng tăng thêm 3.000-5.000 đồng/suất...

Một tiệm hủ tiếu trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 trước tết bán 45.000 đồng/tô nay tăng thêm 9.000 đồng, lên 54.000 đồng/tô. Bữa sáng hai người ăn đã hết 108.000 đồng. Nếu thêm cà phê nữa phải trả 150.000-160.000 đồng. Chi phí như vậy là quá đắt đỏ so với mức lương vài triệu đồng/tháng” - chị Hân cho hay.

Tương tự, chị Thùy Trang (chung cư Miếu Nổi, Q.Phú Nhuận) cho biết trong lần vào một tiệm ăn trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) mới đây, chị gọi món quen mà không hỏi giá dù quán không có thực đơn niêm yết giá. Tuy nhiên, khi thanh toán mới biết giá món gà tăng từ 45.000 đồng/suất lên 50.000 đồng/suất. Chủ quán này giải thích phải tăng giá là do giá gas tăng.

Chủ một tiệm phở bình dân trên đường Trần Đình Xu, Q.1 cũng cho biết phải tăng giá bán 40.000 đồng/tô lên 45.000 đồng/tô do giá các loại thực phẩm, gas và chi phí mặt bằng... đều tăng.

oSVictuJ.jpgPhóng to
Giá thực phẩm giảm nhưng giá bán tại các cửa hàng ăn uống lại tăng chóng mặt - Ảnh: T.T.D.

Buông lỏng kiểm tra

Không niêm yết giá bán theo đúng quy định về niêm yết giá cả dịch vụ hàng hóa là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” tại hầu hết các tiệm cơm văn phòng, bình dân, tiệm bán thức ăn sáng trên địa bàn TP... Ở nhiều quán ăn, khi khách hỏi thực đơn kèm niêm yết giá, nhân viên bán hàng chỉ thông báo miệng với lý do không có thực đơn. Đây là kẽ hở cho chủ quán dễ dàng tăng giá bán mà ít ai kiểm soát được.

Một tiệm khá lớn trên đường Phan Văn Hân (P.17, Q.Bình Thạnh) sử dụng thực đơn cũ, khách hàng chỉ xem cho biết...món ăn chứ căng mắt cũng không tìm thấy giá, cột giá chỉ còn những số “000” đồng.

Nhưng ngay cả các tiệm có niêm yết giá cũng chỉ là hình thức. Anh Nguyễn Văn Tùng (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) kể về tình huống dở khóc dở cười khi đưa bạn đi ăn tại một tiệm nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3. Theo anh Tùng, khi vào quán gọi bốn món, giá trên thực đơn ghi rõ hai món 90.000 đồng/món và hai món khác giá 70.000 đồng/món. Chỉ đến khi tính tiền, anh mới được biết các món thực đơn niêm yết giá 90.000 đồng được ghi trên hóa đơn là 120.000 đồng, còn món giá 70.000 đồng bị nâng lên thành 90.000 đồng.

“Chủ quán giải thích giá trên thực đơn là giá cũ. Sau tết giá thực phẩm tăng nên cửa hàng phải tăng giá bán mà chưa kịp làm thực đơn mới. Nhưng khi chúng tôi gọi món, nhân viên phục vụ không hề nói về việc nâng giá bán so với giá niêm yết. Tính ra, chúng tôi phải thanh toán nhiều hơn giá niêm yết tới 100.000 đồng cho một bữa ăn tối của hai người” - anh Tùng kể.

Liên quan đến việc kiểm soát việc niêm yết giá bán dịch vụ ăn uống trên địa bàn, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận cơ quan này đã ghi nhận nhiều trường hợp, đặc biệt các tiệm ăn bình dân thường xuyên không niêm yết giá bán. Tuy nhiên, cơ quan này chủ yếu áp dụng hình thức nhắc nhở người bán hàng chứ chưa xử phạt. Kết quả kiểm tra và xử phạt việc niêm yết giá bán dịch vụ hàng hóa cũng cho thấy lực lượng này chỉ mới tập trung kiểm tra và xử phạt với hành vi niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết ở các mặt hàng như: vàng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...

Trong tháng 2-2012, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 35 điểm bán hàng và xử phạt 34 điểm về hành vi không niêm yết giá bán quá giá niêm yết. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ yếu là vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, gas, thuốc tây, quần áo... mà không có dịch vụ ăn uống.

TP.HCM và Hà Nội: giá thực phẩm đã hạ nhiệt

Đa số cửa hàng dịch vụ ăn uống đều cho biết lý do tăng giá là do giá cả các mặt hàng thực phẩm đã tăng từ dịp tết, cộng với đợt tăng giá gas hồi đầu tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên, theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ cuối tháng 1-2012 giá hầu hết các loại thực phẩm bắt đầu hạ nhiệt, đến cuối tháng 2 đã về mức bình thường. Chẳng hạn, giá trứng vịt từ 38.000 đồng/chục giảm còn 30.000 đồng/chục, thịt heo các loại chủ yếu về mức 90.000-110.000 đồng/kg, thịt bò cũng giảm 30.000 đồng/kg so với đợt cao điểm...

* Khảo sát tại các chợ Hà Nội hôm 29-2 cho thấy giá thực phẩm đã về mức trước Tết Nguyên đán, ngoại trừ thịt bò ngon, thịt gà nguyên con còn ở mức cao hơn. Cụ thể, giá thịt bò còn đứng ở mức 220.000-230.000 đồng/kg, gà sống nguyên con 100.000-110.000 đồng/kg, cao hơn 15-20% so với trước tết. Riêng mặt hàng rau củ do thời tiết có mưa xuân thuận lợi nên hàng về chợ nhiều, giá rất rẻ.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên