17/01/2012 17:55 GMT+7

2012: giá điện, xăng, than theo nguyên tắc thị trường

H.NHỰT lược ghi
H.NHỰT lược ghi

TTO - Chiều 17-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có cuộc đối thoại trực tuyến với người dân cả nước tại Cổng thông tin Chính phủ (chinhphu.vn); tập trung vào các vấn đề lớn, nhiều người quan tâm.

Cụ thể là việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...

jECApROL.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: chinhphu.vn

Mở đầu cuộc đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2011. Theo đó, trong năm qua Chính phủ đã thực hiện quyết liệt về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011 đã cắt giảm 81.500 tỉ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỉ đồng. Toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác...

Tăng giá dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật nhiều ngành

Nóng nhất trong buổi đối thoại trực tuyến hôm nay là chủ đề tăng giá điện, giá gas và giá xăng dầu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hằng ngày của người dân.

Dưới đây là một số nội dung chính của buổi đối thoại:

- Bà Đỗ Thị Mai (Hà Nội) : Trong năm 2012 dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu nữa? Bộ trưởng có biết rằng các gia đình có thu nhập thấp đang rất chật vật vì bão giá hiện nay không, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Xin Bộ trưởng khẳng định lại việc con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện? Cơ sở nào để tính ra con số đó, điều đó có thực tế không?

- Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đây là câu hỏi chung của nhiều người dân, nhất là khi cả nước đang chuẩn bị đón tết. Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện đến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật của nhiều ngành. Ví dụ trong ngành luyện thép, định mức sử dụng điện cho 1 tấn thép cán là 163 kWh điện, chiếm 1% giá thành.

Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua hai vòng. Một là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%.

Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI. Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Vấn đề thứ hai, khi Nhà nước tăng giá điện đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp. Do vậy, chính sách không tăng giá điện từ mức 0 đến 100kWh là để hỗ trợ người nghèo. Các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng.

Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo.

Theo bộ trưởng, giá điện năm 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.

- Ông Võ Minh Tâm (Hà Nội):Bộ trưởng đã thực hiện được những “tuyên bố” của mình như thế nào, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như quản lý giá xăng dầu, than và điện? Và với cơ cấu các đơn vị cung cấp như hiện nay thì bao giờ mới có thị trường cạnh tranh thật sự đối với các mặt hàng trên?

- Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Qua lần kiểm tra giá xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính nhấn mạnh rất rõ về minh bạch trong thực hiện nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, và quyết định 24 của Thủ tướng về kinh doanh điện theo nguyên tắc thị trường.

Định hướng sắp tới, Bộ Tài chính sẽ kiên trì thực hiện nghị định 84, đồng thời cũng xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp diễn biến của giá thế giới; nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.

Đồng thời với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật giá hiện nay đang quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, Nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.

Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... hi vọng thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn.

Trong năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty Xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

Đối với thanh tra Bộ Tài chính, chúng tôi chỉ đạo thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng như xăng dầu; phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc Nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thật sự khách quan.

Bộ trưởng cũng cho biết đã kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý 5-10%. Hiện nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2012 đưa chỉ tiêu tiết giảm này của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một chỉ tiêu pháp lệnh của năm 2012.

Giảm thuế doanh nghiệp

Liên quan đến mức thuế thu nhập DN hiện nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết thêm: Chính sách thuế tới năm 2012 được Chính phủ phê chuẩn theo định hướng động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan sức dân trong nhiều giai đoạn, tạo nguồn thu lâu dài.

Trong đó, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng qua nhiều giai đoạn, trước năm 2004 các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng thuế 25% thì doanh nghiệp trong nước phải đóng 32%, sau đó giảm xuống 28%. Hiện mức thuế chung 25%, còn tính bình quân các nước là 27%. Định hướng chiến lược thuế đến 2020 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%, để bồi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Về chính sách thuế chung của năm 2012, bộ trưởng cho biết về cơ bản không có thay đổi nhiều. Chỉ có 2 luật thuế sẽ áp dụng ngay trong năm 2012 là Luật thuế bảo vệ môi trường và sử dụng đất phi nông nghiệp. Đây là 2 luật không tác động lớn đến số thu của ngân sách, nhưng lại có tác động rất rộng đến các đối tượng.

Chứng khoán sẽ tăng trong năm 2012

Trả lời câu hỏi của người dân liên quan đến thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết trong năm 2012, thị trường chứng khoán có cơ hội phát triển mạnh. Nhìn lại năm 2011, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam khá bấp bênh do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển thị trường có tầm nhìn 10-20 năm cho thị trường chứng khoán, theo đó Bộ Tài chính đã xây dựng đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán, tái cấu trúc đầu tư gián tiếp, cơ cấu lại hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ theo lô lớn, xây dựng các quỹ mở, quỹ hưu trí… và đã được Ủy ban Chứng khoán nhà nước quyết liệt giải quyết.

"Với những biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như thế, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có những bước phát triển nhất định trong năm 2012", Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Tại cuộc đối thoại, độc giả Nguyễn Minh Trung (nguyenminhtrung201278@...com) hỏi bộ trưởng có thường xuyên vào mạng Internet và sử dụng mạng xã hội như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: "Internet là một công cụ mà tất cả mọi người dân và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đều sử dụng. Tôi cũng sử dụng máy tính bảng iPad và truy cập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ôtô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy…

Tôi lấy một ví dụ: Sáng nay tôi có đọc bản tin tài chính kinh doanh qua mạng, thấy có thông tin là các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng hiện chưa nhận được tiền thưởng trong khi tết sắp đến. Tôi đã kiểm tra lại và thấy các văn bản này cũng mới được chuyển tới vào mùng 10 tháng này.

Vào 9g sáng nay, chúng tôi đã xử lý vấn đề này, dù một số dữ liệu chưa chính xác. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị 47,3 tỉ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỉ đồng để bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. Như vậy, nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các vụ, cục...

H.NHỰT lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên