22/10/2011 04:40 GMT+7

"Bắt mạch" liên kết vùng

H.T.DŨNG - C.QUỐC
H.T.DŨNG - C.QUỐC

TT - ĐBSCL là vựa lúa, là trung tâm nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước nhưng vì sao chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có? Câu hỏi này đã được lãnh đạo các bộ ngành, các nhà khoa học và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL mổ xẻ tại hội thảo khoa học về cơ chế liên kết vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Cà Mau ngày 21-10.

61Q9kXat.jpgPhóng to

Theo các đại biểu, ĐBSCL có thế mạnh về thủy sản nhưng chưa khai thác tương xứng tiềm năng do liên kết vùng chưa tốt - Ảnh: C.Q.

Tập trung cho hạ tầng

Ông Trần Thanh Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, bộc bạch đang tồn tại mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư ở ĐBSCL. “Ta bàn nhiều cơ hội đầu tư vào ĐBSCL thế này thế nọ mà cơ sở hạ tầng như vậy thì ai mà vô” - ông bức xúc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng các tỉnh ĐBSCL cần chọn lựa tuyến đường nào là huyết mạch nối TP.HCM và tập trung kêu gọi các nguồn vốn, đặc biệt là từ nguồn vốn tư nhân để làm.

TS Vũ Thành Tự Anh (giảng viên chương trình kinh tế Fulbright) đặt câu hỏi và chỉ ra thực trạng: “Vì sao các tỉnh ở ĐBSCL mặn mà liên kết TP.HCM hơn là liên kết với nhau? Đó là vì ĐBSCL có lợi thế nông nghiệp, còn TP.HCM mạnh về công nghiệp. Vì vậy các tỉnh không sợ “đụng hàng”, không sợ va chạm lợi ích. Ngoài ra, khi hợp tác với TP.HCM thì nơi này có nhiều thứ cho ĐBSCL hơn, còn các tỉnh ĐBSCL nếu hợp tác với nhau thì không giúp được nhau do... ai cũng còn khó khăn cả”.

Ông Tự Anh cho rằng sự liên kết với TP.HCM thời gian qua còn nặng về hành chính hơn là liên kết để phát triển kinh tế. Cùng quan điểm, TS Đinh Sơn Hùng - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng do chưa xây dựng được cơ chế liên kết nên mối quan hệ giữa hai vùng kinh tế này thời gian qua chỉ là mối quan hệ qua lại, tự phát.

Liên quan vấn đề liên kết với TP.HCM, TS Nguyễn Văn Sánh - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - đề nghị TP.HCM kết nối doanh nghiệp ở đây với các tỉnh ĐBSCL, nhưng phải “tìm tỉnh nào yếu thế nhất” vì theo ông, “nếu liên kết theo kiểu cạnh tranh, tỉnh nào tụt hậu sẽ tụt hậu hoài”. Ông Sánh cho rằng TP.HCM cần chia sẻ thế mạnh về khoa học - công nghệ với các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Cũng tại hội nghị, vấn đề “nhạc trưởng” đã được tranh luận sôi nổi vì đến nay, dù đã thảo luận chuyện liên kết nhiều lần nhưng vẫn chưa có “nhạc trưởng” đứng ra cầm trịch, điều phối... Nhiều ý kiến đề nghị “tận dụng” cơ cấu tổ chức hiện hữu của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, kiến nghị bổ sung quyền hạn, nhiệm vụ cho những đơn vị này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông thống nhất hiện đã có hai tổ chức cấp vùng ở ĐBSCL là Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với thành viên gồm cả lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh. Nếu các cơ quan này hoạt động chưa đạt yêu cầu thì cần đặt ra để hoàn thiện thay vì thành lập mới.

H.T.DŨNG - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên