27/09/2011 06:12 GMT+7

Chống lạm phát - phải kiên trì đến 5 năm tới

H.GIANG
H.GIANG

TT - “Do mức độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới”- ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khẳng định như vậy ở buổi tọa đàm với các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 26-9 tại Hà Nội.

Những thông tin về triển vọng kinh tế thế giới mà IMF mới công bố gần đây không có nhiều điểm sáng, nhưng ông Thành tin rằng Việt Nam vẫn có thể tận dụng những điều kiện cụ thể để củng cố sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

maizYTRD.jpgPhóng to
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao trong thời gian qua (ảnh chụp tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM) - Ảnh: H.T.V.

“Di chứng từ sự sụp đổ thị trường nhà đất, bất ổn khu vực đồng euro, lo ngại về nợ quốc gia, giá dầu vẫn ở mức độ cao….” - ông Abdul Abiad từ Phòng nghiên cứu của IMF phân tích. Thực tế chỉ trong chưa đầy nửa năm, chính IMF đã phải điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng của thế giới từ 4,5% năm nay trong dự báo đưa ra tháng 4-2011 xuống còn 4% cho cả năm nay và năm 2012.

Trong bối cảnh đó, ông Võ Trí Thành cho rằng dư địa chính sách cho các nền kinh tế không còn nhiều. Với Việt Nam, IMF dự báo GDP sẽ tăng 5,8% trong năm nay. Ông thừa nhận Việt Nam khó có thể đạt mức tăng trưởng từ 6% trở lên, một phần do bức tranh kinh tế thế giới xấu đi, một phần do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên suy thoái của thế giới tác động xấu tới thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Theo ông Thành, sắp tới Việt Nam cần tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, tận dụng xu hướng các nền kinh tế Đông Á đang chuyển từ chú trọng xuất khẩu sang đầu tư, tiêu dùng trong nước nhằm vận dụng các thỏa thuận tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là chấp nhận mục tiêu tăng trưởng trung bình đặt cho giai đoạn năm năm 2011-2015 có thể phải thấp hơn 6%.

“Mặc dù lạm phát tính theo tháng bước đầu giảm nhưng kết quả tích cực còn mong manh. Do đó, quan điểm đồng thuận là từ nay đến cuối năm vẫn phải tập trung chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cần kéo dài không chỉ năm nay, năm sau mà cả năm năm tới”- ông Thành nói.

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên