Phóng to |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị của ngành ngân hàng ngày 7-9 - Ảnh: Đ.K. |
Phóng to |
Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng - Ảnh: Đ.K. |
Bên cạnh biện pháp mạnh tay này, NHNN cũng triển khai một loạt giải pháp khác nhằm hạ nhiệt lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá... tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng diễn ra ngày 7-9 tại Hà Nội. Thông điệp được NHNN đưa ra là đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 15-18%), tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%.
"Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất huy động..." (trích chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký ngày 7-9) |
Về lãi suất, NHNN nêu rõ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN như hiện nay, duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng là tổ chức và dân cư. Ban hành thông tư quy định về hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của TCTD để tránh việc các TCTD lợi dụng đưa lãi suất huy động lên cao.
Bên lề hội nghị, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc NHNN có đưa ra chủ trương tạo kênh dẫn vốn cho các ngân hàng thương mại để tránh việc chạy đua tăng lãi suất huy động, ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - cho biết: “Theo tinh thần tại hội nghị, sẽ có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ vốn cần thiết cho các ngân hàng khi họ thiếu”.
Ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB) cho rằng: “Đây là chủ trương sáng suốt và kịp thời của NHNN, bên cạnh đồng thuận của tất cả các ngân hàng là giữ mức lãi suất huy động 14%, đối với những ngân hàng có áp lực về thanh khoản thì NHNN sẽ có hỗ trợ và đồng thời với hỗ trợ sẽ có kiểm soát để giúp các ngân hàng đó”.
Áp dụng nghiêm từ hôm nay
Một chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị cho biết việc áp dụng dự trữ bắt buộc cũng được bàn luận nhưng chưa đặt ra thực hiện ngay, NHNN sẽ điều hành linh hoạt các nghiệp vụ của mình. Chẳng hạn như tái cấp vốn và hoạt động tích cực trên thị trường mở (OMO), việc nâng dự trữ bắt buộc chỉ được thực hiện nếu thấy cần thiết và nếu có việc này thì NHNN cũng sẵn sàng trả lãi suất cho dự trữ bắt buộc.
NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chỉ đạo hệ thống chi nhánh của mình chấp hành quy định về trần lãi suất (cả nội tệ và ngoại tệ), trong ngày hôm nay (8-9) gửi lại văn bản chỉ đạo điều hành nội bộ đó cho cơ quan thanh tra giám sát của NHNN.
NHNN cũng khẳng định điều hành tỉ giá theo hướng ổn định (chứ không phải cố định - PV), nếu cần phải điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh theo diễn biến tỉ giá thực của đồng VN (không quá 1%). NHNN sẵn sàng bán ra can thiệp thị trường nếu cần thiết để hỗ trợ bình ổn tỉ giá.
Về kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng VND, tại hội nghị, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình cung cầu ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ. Trước mắt vẫn duy trì các quy định về cho vay phi sản xuất, tùy theo diễn biến tình hình NHNN sẽ trình Chính phủ cho phép có những điều chỉnh phù hợp.
Theo một số đại biểu tham dự hội nghị, NHNN dự kiến vào khoảng cuối tháng 10 sẽ công bố mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2012, trong các năm tới sẽ luôn có quy định về hạn mức tăng trưởng tín dụng và NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hạn mức này, bất cứ TCTD nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
NHNN cũng dự kiến không cào bằng mức tăng trưởng tín dụng mà chia ra nhóm các TCTD, các TCTD đáp ứng tiêu chí như thế nào thì được tăng trưởng tín dụng ở quy mô đó.
Đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, NHNN cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra một số TCTD có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao và hệ số sử dụng vốn ngoại tệ cao. Đồng thời sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay.
Giữ liên thông giá vàng
Về điều hành thị trường vàng, NHNN nêu rõ mục tiêu bình ổn là làm cho giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá. NHNN xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn và phương án NHNN huy động vàng trong nền kinh tế để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân có vàng cũng như tăng cường nguồn lực can thiệp của Nhà nước; trình Chính phủ nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, các biện pháp được NHNN đưa ra tại hội nghị này đã tạo đồng thuận và quyết tâm rõ nét để triển khai trong thời gian tới, vừa để kéo lạm phát đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, minh bạch cho các ngân hàng hoạt động.
Lập đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về lãi suất Chỉ thị chấn chỉnh việc huy động vượt trần lãi suất của NHNN ban hành ngày 7-9 nêu rõ yêu cầu các ngân hàng phải huy động theo đúng mức lãi suất trần quy định. NHNN giao các ngân hàng tự giám sát lẫn nhau, đồng thời báo cáo NHNN những ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh. Nếu bị phát hiện huy động vượt trần, người quản lý, điều hành ngân hàng để xảy ra sai phạm sẽ bị đình chỉ và không được đảm nhiệm chức vụ này tại chính đơn vị đó trong vòng ba năm. Ngoài ra, ngân hàng vi phạm sẽ bị hạn chế mở rộng phạm vi cũng như quy mô, địa bàn hoạt động trong thời hạn một năm kể từ ngày xử lý. Hoạt động cho vay của ngân hàng vi phạm có thể bị hạn chế hoặc tạm đình chỉ. Tại chỉ thị này, thống đốc yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về trần lãi suất huy động, đồng thời duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh các trường hợp ngân hàng huy động vượt trần. A.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận