Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Bé (Chợ Gạo, Tiền Giang) định vay vốn ngân hàng để nhân rộng đàn bò lên 5-6 con nhưng không dám vay vì lãi suất quá cao - Ảnh: MỄ THUẬN |
Nhiều nông dân cho biết vay thế chấp để đầu tư vào nông nghiệp theo lãi suất thương mại còn khó huống gì vay theo hình thức ưu đãi.
“Hết định mức”
Lãi suất giảm nhỏ giọt nhưng khó vay Giữa tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các cơ sở chăn nuôi, theo quy định hiện hành với lãi suất hợp lý. Theo khảo sát, hiện lãi suất của các ngân hàng đã giảm nhẹ khoảng 0,4%/năm (từ 19%/năm còn 18,6%/năm). Tuy nhiên, các chủ trang trại cũng nói mức giảm này các ngân hàng áp dụng chung cho các khách hàng chứ không riêng gì ngành chăn nuôi. Hơn nữa, muốn vay được vốn mới có lãi suất thấp hơn thì người dân phải trả hết nợ cũ cho ngân hàng mà điều này thì bất khả thi vì không thể bán vật nuôi sớm cũng như nhiều nông dân đã mất khả năng trả nợ vì dịch bệnh trước đó. |
Với mong muốn giảm giá thành nuôi cá tra, bà Huỳnh Thị Lan (xã Phú Thành, huyện Phú Tân, An Giang) dự định vay ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư thiết bị chế biến thức ăn cùng hệ thống bơm điện phục vụ việc nuôi cá. Tuy nhiên, khi bà Lan tới ngân hàng làm thủ tục xin vay thì ngân hàng nào cũng từ chối.
“Lâu nay gia đình tôi thường vay ở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giờ xin vay thêm không được vì họ bảo đã cho vay hết định mức”, bà Lan kể. Không còn cách nào khác, bà nhờ người em thế chấp cái ao rộng 1ha để vay nhưng ngân hàng cũng chỉ giải quyết cho vay 200 triệu đồng với lãi suất 21%/năm. Tiền vay ít trong khi lãi suất quá cao, bà Lan đành bỏ cuộc.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Trổ (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre) cho biết gia đình chỉ có 3.000m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Để có tiền mua 300.000 tôm giống cho vụ mới, ông Trổ cần tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với diện tích đất hiện có thì các ngân hàng cho biết chỉ có thể cho vay tối đa 5-7 triệu đồng với lãi suất 18,5-19,5%/năm.
Do số tiền của ngân hàng quá ít ỏi so với vốn cần có, ông Trổ đành phải từ bỏ ngân hàng, vay mượn nhiều nguồn được 30 triệu đồng, phần còn lại 70 triệu đồng phải vay từ một đại lý kinh doanh thức ăn gia súc theo hình thức nhận thức ăn chăn nuôi và đến ngày thu hoạch thì cân tôm cho họ. “Lãi suất của các đại lý cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng nhưng họ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng tôi mà không đòi hỏi thế chấp gì nhiều” - ông Trổ bày tỏ.
Tình trạng khó khăn khi vay vốn ngân hàng của người dân là phổ biến ở nhiều nơi và ở mọi hình thức đầu tư nông nghiệp. Đồng Nai là một tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn của cả nước với hình thức chăn nuôi trang trại phát triển nhanh chóng. Nhưng theo nhiều chủ trại, họ hầu như không được hỗ trợ gì từ Nhà nước về chính sách cũng như vốn vay.
Anh Nguyễn Quốc Sang (Biên Hòa, Đồng Nai), chủ hai trại gà công nghiệp, bức xúc cho biết mới đây đã gõ cửa nhiều ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Vietinbank, ACB... để vay vốn xây trại nhưng khái niệm hỗ trợ vốn vay cho chăn nuôi hình như xa vời với họ.
Vay tín chấp: “Không dám nghĩ tới”!
Hơn một năm trước đây, vào tháng 4-2010, Chính phủ đã ban hành nghị định 41 về chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quy định cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (tín chấp) với mức tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng tiếp cận được, thậm chí nhiều người còn không biết thông tin về chính sách tín dụng trên.
Ông Nguyễn Văn Đoan, ngụ xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết trước đó có hơn 10ha đất đã thế chấp vay ngân hàng 7-8 triệu đồng/công. Mới đây nghe nói có chính sách cho vay tín chấp, ông Đoan đến hội cựu chiến binh của xã nhờ xác nhận đảm bảo để được vay. Tuy nhiên, nơi này cho biết ngân hàng không cho vay vì hội cựu chiến binh cũng... nghèo nên không đảm bảo được. “Hiện chúng tôi chỉ được vay vốn từ hội cựu chiến binh với mức vài triệu đồng để chăn nuôi gà, vịt, heo. Còn toàn khu vực tôi ở chưa có ai vay tín chấp được 50 triệu đồng” - ông Đoan bức xúc.
Tương tự, khi được hỏi thông tin về vốn vay tín chấp đầu tư nông nghiệp, anh Trần Văn Thắng, chủ trại heo tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), khẳng định: “Chưa bao giờ tiếp cận nguồn vốn đó”. Khi được giải thích đây là nguồn vốn dành riêng cho đầu tư vào nông nghiệp, trong đó người dân, chủ trang trại... có thể vay ngân hàng không cần thế chấp lên đến 500 triệu đồng, anh Thắng cho biết chưa từng nghe có nguồn vốn nào như vậy. “Nếu biết tôi đã vay để đầu tư hồi đầu năm sau khi đàn heo bị giảm đáng kể vì dịch bệnh cuối năm ngoái” - anh Thắng nói.
Tuy nhiên, ngay cả những người đã biết có chính sách trên cũng đành “bó tay” vì không thể vay vốn dạng này từ các ngân hàng. Anh Nguyễn Thanh Tùng (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), chủ hai trại gà và heo, cho biết khi làm dự án nào để vay tiền ngân hàng anh đều có hỏi nguồn vốn vay tín chấp nhưng các ngân hàng đều từ chối vì chưa có hướng dẫn cụ thể. “Nghe thấy vay cho chăn nuôi họ đã sợ nên vay thế chấp bằng tài sản họ còn không muốn cho vay, huống gì vay tín chấp”, anh Tùng cho biết.
Còn anh Khoa, chủ trại gà đẻ trên 100.000 con tại Vĩnh Cửu, trả lời thẳng khi được hỏi về vốn vay tín chấp: “Mười mấy năm làm nghề nuôi gà tôi chưa hề biết đến nguồn vốn vay hỗ trợ nông nghiệp”.
Không chỉ người dân, chính quyền một số địa phương cũng không nắm rõ hiện trên địa bàn mình phụ trách tình hình triển khai nghị định 41 như thế nào. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Khoan, phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết thông tin này phải hỏi bên Ngân hàng NN&PTNT, huyện không nắm rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận