21/08/2011 08:03 GMT+7

Tập trung hạ nhiệt lạm phát

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Ngày 20-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó thủ tướng đã làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế.

Tham dự cuộc họp này, ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho biết:

aa3mApX1.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia - Ảnh: TTXVN

- Tại cuộc làm việc đã có nhiều ý kiến đề cập về tình hình kinh tế hiện nay cũng như đưa ra các giải pháp cho thời gian tới. Nội dung được thống nhất là tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, tính bất định cao hơn, trong nước cũng xuất hiện nhiều khó khăn, trong đó có việc lạm phát cao và có yếu tố do chủ quan.

TS VÕ TRÍ THÀNH (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Bắt tay vào các cải cách cần thiết

Từ cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với các chuyên gia kinh tế, có thể cảm nhận tinh thần vẫn là tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng phải đồng thời bắt tay vào các cải cách cần thiết nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các ý kiến cũng đã tập trung vào kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, đánh giá các mặt được của nghị quyết này cũng như vấn đề nào cần điều chỉnh để đi vào đời sống tốt hơn. Tinh thần mà lãnh đạo Chính phủ cũng như nhiều chuyên gia đã phát biểu là cơ bản tiếp tục thực hiện các giải pháp trong nghị quyết 11, trong đó có chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng.

Chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát.

Từ nay đến cuối năm và trong năm 2012, Chính phủ nên tăng cường các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để giảm nhập siêu; thực hiện cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt bởi đây là giải pháp có thể thực hiện được ngay, đem lại tác động tích cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là tập trung nguồn lực bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

* Thưa ông, ý kiến của ông về tình hình kinh tế hiện nay là gì?

- Tôi đã phát biểu với lãnh đạo Chính phủ về khó khăn của các doanh nghiệp và đưa ra một số giải pháp. Có thể nói doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn toàn diện hơn, sản xuất đang có biểu hiện đình trệ và co lại. Chúng ta đã biết các biểu hiện trong những tháng gần đây là lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh, bên cạnh đó lượng điện phục vụ sản xuất cũng tăng chậm...

Khó khăn của doanh nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, trong khi đó quản lý thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Giá cả thực phẩm cũng như các sinh hoạt đời thường phản ứng rất nhanh và đang có xu hướng tăng lên làm cuộc sống của người lao động nghèo thêm vất vả.

Nhìn chung các thị trường bất động sản, chứng khoán đều có khó khăn, như vậy nợ quá hạn và nợ xấu có thể tăng lên. Cần kiểm soát hoạt động của ngân hàng thương mại, đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng cao, đe dọa tính an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Một vấn đề cần lưu ý là áp lực đối với tỉ giá có nguy cơ tăng cao vào cuối năm do dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng, cùng với áp lực từ thâm hụt thương mại và lạm phát.

Từ bối cảnh trên, tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung phối hợp các chính sách để lạm phát giảm xuống, đây đang là một nhu cầu bức thiết. Trên cơ sở hạ nhiệt lạm phát có hiệu quả để hạ lãi suất, đồng thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp còn tiềm năng phát triển. Việc hỗ trợ có thể thông qua tăng tín dụng một cách hợp lý, nhanh chóng giảm, miễn thuế theo các chủ trương đã được quyết định. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh các gói giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.

* Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp là từ cuối tháng 9 trở đi lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ở mức 17-19%/năm. Ông nghĩ sao?

- Việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới là có khả năng vì lạm phát đang giảm. Các ngân hàng thương mại vì quyền lợi của mình, đang tìm cách giảm nợ quá hạn và nợ xấu, như vậy thì phải cho vay ra.

Đã đến lúc cần rà soát tất cả các biện pháp hành chính hiện đang thực hiện trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, kiên quyết loại bỏ những biện pháp hành chính không cần thiết, không phù hợp. Tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có quan điểm và thực hiện các điều chỉnh mới theo hướng tốt hơn.

Làm ngay tái cấu trúc đầu tư công

Ngày 20-8, tại cuộc làm việc với hơn 30 chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe ý kiến, đề xuất về điều hành kinh tế - xã hội thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra trong nghị quyết 11.

Trong thời gian tới, cần thực hiện nghị quyết này quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. “Tinh thần ưu tiên là kiềm chế lạm phát” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo an sinh xã hội. “Đồng thời phải tính tới các bước đi cơ bản lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế - Thủ tướng nói - Trước hết phải bắt tay làm ngay việc tái cấu trúc đầu tư công, gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ hơn (như đẩy nhanh cổ phần hóa), tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc thể chế gồm quy hoạch, việc phân cấp - phân quyền cũng như tái cấu trúc thị trường...”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng thời đề nghị các bộ ngành cần làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm ra những kế sách, cách làm hay.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên