Phóng to |
Phần lớn các nguyên liệu thức ăn gia súc hiện nay đều phải nhập khẩu. Trong ảnh: sản xuất thức ăn gia súc tại Công ty Thanh Bình (Đồng Nai) - Ảnh: T.Mạnh |
Kỳ 1: Miếng bánh siêu lợi nhuận
Theo các đại lý phân phối, từ đầu năm đến nay các công ty đã tăng giá bán thức ăn chăn nuôi (TACN) bảy lần và lần nào cũng do một vài doanh nghiệp nước ngoài khởi xướng.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ đại lý TACN tại Gia Kiệm (Đồng Nai), cho biết phần lớn các đợt tăng giá bắt đầu từ các công ty nước ngoài như CP, Cargill... Đặc biệt, các công ty này đều tăng giá cùng thời điểm và cùng mức tăng với các loại TACN khác nhau “như có thỏa thuận từ trước”.
Tương tự, ông Trần Tuấn Thuật, tổng giám đốc Công ty sản xuất TACN Blue Star (Long Thành, Đồng Nai), khẳng định những đợt tăng giá vừa qua đều bắt nguồn từ các công ty nước ngoài. “Không một công ty sản xuất TACN trong nước nào dám chủ động tăng giá bán trước mà chỉ chạy theo sau các công ty nước ngoài” - ông Thuật nói.
Theo Hiệp hội TACN VN, việc phụ thuộc đến 70-80% nguyên liệu nhập khẩu gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp trong nước vốn không có nhiều vốn và cơ sở hạ tầng để mua tạm trữ, trong khi đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài.
Giám đốc một công ty sản xuất TACN tại Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết các công ty thường lấy lý do giá nguyên liệu tăng để tăng giá, nhưng thời gian qua đã có một số công ty trong nước giảm giá thì các công ty nước ngoài vẫn đứng im. “Một khi đã chiếm phần lớn thị phần thì các công ty nước ngoài có thể áp đặt giá bán và người chăn nuôi phải chịu theo” - vị giám đốc này cho biết.
Do giá TACN tăng liên tục những năm qua nên bắt đầu từ ngày 15-11-2009 Chính phủ đã đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá. Thế nhưng do thiếu cơ chế giám sát nên kể từ khi chính sách trên có hiệu lực đến nay được 21 tháng thì TACN đã tăng giá 24 lần!
Không chỉ giá TACN, theo anh Sơn - một thương lái heo tại TP.HCM, giá gà và giá heo hơi trên thị trường cũng do các công ty nước ngoài định hướng. Các công ty nhỏ và người dân bao giờ cũng căn cứ vào giá bán của các công ty như Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN (CPVN) để đưa ra giá bán sản phẩm của mình. Nếu CPVN tăng 1.000 đồng/kg thì giá thị trường tăng thêm 1.000 đồng/kg và ngược lại, nếu CPVN giảm giá 1.000 đồng/kg thì giá thị trường cũng giảm thêm 1.000 đồng/kg.
* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN): Chưa được đầu tư đúng mức Không thể phủ nhận những tích cực mà các công ty nước ngoài đem lại cho ngành chăn nuôi VN. Với nguồn vốn dồi dào, công nghệ sản xuất tiên tiến và quy trình quản lý hiệu quả, họ đã giúp ngành chăn nuôi VN phát triển rất nhanh trong những năm qua. Và sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi VN vào nước ngoài hiện nay là do chính sách của Nhà nước đối với ngành chăn nuôi không hợp lý. Người dân, với vai trò là trung tâm của ngành chăn nuôi, đã không được quan tâm xứng đáng. Một đất nước nông nghiệp nhưng nhập khẩu đến 70-80% nguyên liệu chế biến TACN là bất hợp lý. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong bảy tháng đầu năm nay VN đã chi 1,4 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (so với mức 1,38 tỉ USD của cùng kỳ năm 2010). Để phát triển một ngành chăn nuôi mạnh, người nông dân phải là trọng tâm của các chính sách phát triển bên cạnh việc quy hoạch vùng nuôi an toàn dịch bệnh và phát triển ngành nguyên liệu chăn nuôi trong nước. Không nên tách biệt ngành chế biến TACN ra khỏi ngành chăn nuôi vì TACN là đầu vào quan trọng, chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi. Nhà nước nên có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước một cách cụ thể, đồng thời có những chính sách bảo hộ ngành sản xuất TACN. Thật vô lý khi một số loại nguyên liệu chế biến TACN nhập khẩu vẫn đang phải chịu thuế trong khi thuế xuất khẩu bắp, khoai mì... lại bằng 0. Muốn người dân phát triển chăn nuôi hiện đại cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cho họ. Hiện nay giá đất nông nghiệp của VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, lãi suất của VN quá cao không thể đầu tư lâu dài cho chăn nuôi được. Chưa kể khi người dân xin đầu tư trang trại phải tự đầu tư đường giao thông, đường điện sẽ thu hút dân cư đến cư trú. Sau đó chính người dân mới đến lại kiện các trại chăn nuôi vì ô nhiễm môi trường và các trại chăn nuôi buộc phải dời đi chỗ khác. * TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn): Thiếu liên kết với nông dân Các công ty nước ngoài thành công bởi họ có cách quản lý khoa học và cách thâm nhập thị trường chuẩn. Họ liên kết với người dân chặt chẽ và hiệu quả thông qua hệ thống nuôi gia công bằng việc cung cấp con giống, TACN, cán bộ kỹ thuật, đồng thời bảo đảm tiền công nuôi hoặc giá mua cố định cho người dân. Ngược lại, quy trình quản lý chất lượng của các doanh nghiệp trong nước yếu hơn hẳn và hầu như không có liên kết với nông dân. VN cũng chưa có ngành sản xuất con giống chất lượng cao dù có nhiều cơ quan nghiên cứu do xuất phát điểm của chúng ta quá thấp, các đề tài nghiên cứu thiên về cơ chế hành chính phân bổ đề tài nên xa rời thực tế hoặc làm xong vẫn cất trong tủ. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước buộc phải sản xuất theo chuỗi giá trị giống như các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang làm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận