Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về những nội dung mới của Quy hoạch điện VII vừa được phê duyệt.
Phóng to |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải |
* So với Quy hoạch điện VI thì Quy hoạch điện VII có những điểm mới đáng chú ý nào?
- Quy hoạch điện VII đưa ra các mục tiêu rõ ràng hơn về việc phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đây là bước đột phá, vừa rồi Chính phủ đã ban hành cơ chế điện gió, tới đây sẽ ban hành cơ chế cho các loại năng lượng mới khác. Quy hoạch điện VII cũng có nội dung về việc xây dựng đề án huy động vốn. Việc huy động vốn để thực hiện Quy hoạch điện VII chắc là khó khăn hơn so với trước đây, nên để đảm bảo có 5.000 MW/năm là hết sức nan giải.
* Dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 ngàn tỉ đồng, tương đương với 48,8 tỉ USD. Như vậy trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỉ USD?
- Như tôi đã nói, thực hiện Quy hoạch điện VII khó khăn hơn Quy hoạch điện VI nhiều vì nhu cầu cao hơn, vốn cần nhiều hơn. Trong khi đó đã có mặt bằng giá mới rồi, nghĩa là vốn để đầu tư một nhà máy điện sẽ đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, với Quy hoạch điện VII chúng ta có tiềm năng lớn là mở ra cơ chế thị trường điện cạnh tranh, mở ra cơ chế điều chỉnh giá điện để giá điện dần tiếp cận với thị trường, đó chính là lời giải cho bài toán khó về vốn. Nhưng điều này cũng tùy thuộc điều kiện thị trường để chúng ta có thể thực hiện được các bước đi theo quy hoạch.
* Có ý kiến cho rằng các dự án nguồn điện giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhiều quá, trong khi năng lực của EVN có hạn?
- EVN được Thủ tướng Chính phủ giao thành lập nhóm các tổng công ty phát điện ở trong tập đoàn, trên cơ sở nhóm tổng công ty ấy cùng với sự phát triển thị trường điện lực cạnh tranh sẽ từng bước tách các tổng công ty ra để hoạt động trong thị trường điện lực cạnh tranh, đồng thời tiến tới cổ phần hóa các tổng công ty này. Các bước đi tái cơ cấu EVN phải hết sức khoa học và đồng bộ với tiến độ thị trường.
Hiện nay chúng ta chưa hình thành được các đơn vị mới có khả năng thu hút vốn đầu tư vào dự án điện, mà đã giải tán tổ chức cũ thì không biết lây đâu ra để đáp ứng nhu cầu điện. Cho nên không phải Chính phủ muốn duy trì độc quyền, vấn đề là muốn giảm dần độc quyền của Nhà nước thì phải tăng yếu tố thị trường lên. Khi khả năng tham gia của thị trường lớn lên thì mới giảm được vai trò của Nhà nước. Chúng ta thường nói cái gì mà thị trường, tư nhân không làm được thì Nhà nước phải làm, bây giờ muốn rút vai trò của Nhà nước thì phải khẳng định được thể chế đầy đủ và tư nhân đã sẵn sàng. Hơn nữa, muốn tư nhân sẵn sàng thì vấn đề cơ chế giá thế nào người ta mới đầu tư vào.
* Trong việc thực hiện Quy hoạch điện VI có rất nhiều dự án chậm tiến độ, bài học nào có thể rút ra để thực hiện quy hoạch điện mới tốt hơn?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án, phải theo từng nguyên nhân cụ thể để chỉ đạo khắc phục thì mới có tiến độ nhanh. Về nguyên nhân thiếu vốn, vừa rồi đã đưa ra được cơ chế điều chỉnh giá, tạo điều kiện có thể thu hút vốn được tốt hơn. Mặc dù giá điện mới cải cách được một bước, nhưng cũng là mở ra hướng cho các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư hơn.
Một vấn đề lớn là giải phóng mặt bằng, đa số chậm ở khâu chuẩn bị các khu tái định cư. Các địa phương đều không có quỹ nhà và quỹ đất tái định cư, khi có dự án mới làm nên rất chậm. Chính phủ đã cho phép các chủ đầu tư ứng vốn ra cho các địa phương để làm công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu tái định cư sớm hơn, tính ra cũng sớm được 1 đến 2 năm nếu có vốn.
* Theo Quy hoạch điện VII thì giá điện sẽ được điều chỉnh dần từng bước nhằm đạt chi phí biên (chi phí tăng thêm cần thiết để sản xuất thêm một đơn vị sản lượng) dài hạn của hệ thống điện đến năm 2020 tương đương 8-9 Uscents/kWh?
- Cái đó không nói trước được, nhất là về mặt xã hội trong bối cảnh đang lạm phát hiện nay. Nhưng chính sách Nhà nước và các cơ chế đưa ra là phải điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận