Phóng to |
Giáo sư Bùi Ngọc Châu của Viện Microtechnology, Thụy Sĩ trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: T.Thắng |
Mục tiêu đầu tư nói trên đã được chính thức công bố tại hội thảo sản xuất chip tại VN do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn tổ chức ngày 30-6.
Nhắm vào thẻ thông minh
Theo tổng công ty này, giai đoạn đầu cần gần 500 kỹ sư, chuyên gia, công nhân, kể cả thuê chuyên gia nước ngoài. Khi hình thành, đây là nhà máy sản xuất chip quy mô công nghiệp đầu tiên ở VN (dự kiến đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM).
Ông Đặng Ngọc Hùng - phó tổng giám đốc tổng công ty - nói rằng vai trò chiến lược của dự án là tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực thiết kế vi mạch phát triển, đồng thời giải quyết nhu cầu chip điện tử nội địa.
Cũng theo ông Hùng, trước mắt dự án sẽ nhắm vào những dòng sản phẩm thẻ thông minh (smart card) như thẻ SIM, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ xe buýt, xe điện ngầm, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế...
Các dòng sản phẩm khác cũng được dự án nhắm đến: chip nhận dạng bằng sóng radio (RFID), chip điện tử dùng trong công nghiệp và thiết bị gia dụng, chip điện tử dùng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ngoài ra, dự án còn nhằm mục tiêu hỗ trợ đào tạo trong môi trường thực tế, góp phần từng bước đáp ứng nhân lực đạt yêu cầu cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Chủ đầu tư dự định lựa chọn công nghệ 180 nanomet để sản xuất các dòng sản phẩm của mình trong tương lai. Giải thích vì sao dự án dự định chọn công nghệ này mà không phải là các công nghệ mới hơn, ông Hùng cho biết nhu cầu chip được sản xuất theo công nghệ 180 nanomet trên thế giới vẫn khá lớn.
Và điều quan trọng hơn, như các nhà chuyên môn đã phân tích, là các loại chip kỹ thuật tương tự (analog) vẫn có nhu cầu lâu dài và công nghệ 180 nanomet phù hợp để sản xuất loại chip này. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh khi mới bắt đầu sản xuất chip, nếu chọn lựa yêu cầu về công nghệ cao quá (chẳng hạn như dưới 100 nanomet) sẽ không làm nổi.
Do vậy, cần chọn loại công nghệ vừa phải, từ đó tập dượt để nâng cao trình độ, sau khi quen dần sẽ đi vào những công nghệ cao hơn, từ công nghệ 180 nanomet tiến đến công nghệ dưới 130 nanomet.
Theo ông Hùng, hiện tại Mỹ chỉ cho phép xuất khẩu công nghệ 90 nanomet trở lên vì muốn giữ bí mật công nghệ. “Nếu giai đoạn đầu chọn công nghệ phải chi quá nhiều tiền và công nghệ quá cao thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu, nên phải tập dượt, bắt đầu từ những cái đơn giản, dần dần sẽ nâng cao hơn” - ông Hùng nói.
Hướng đi nào?
Giáo sư Bùi Ngọc Châu - giám đốc Hãng Identic (Thụy Sĩ) - nói ngành vi điện tử còn rất mới mẻ đối với VN và VN không thể cạnh tranh với các cường quốc về lĩnh vực này, nhất là trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các chip điện tử kỹ thuật số phức tạp.
Do vậy, theo ông, thị trường các chip điện tử với những ứng dụng cụ thể sẽ phù hợp hơn với khả năng và nhu cầu của VN. Chi phí để mua và lắp ráp nhà máy sản xuất chip sử dụng công nghệ cỡ 130 nanomet là khả dĩ, có thể thực thi đối với VN.
Ông Ngô Đức Hoàng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch Đại học Quốc gia TP.HCM - nói thành lập nhà máy chế tạo vi mạch VN như một hạt nhân tạo ra lực hút nhân lực và tài lực, thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm vi mạch của cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng một trong các khó khăn là nhân lực cho ngành vi mạch VN thiếu trầm trọng cả về số lượng và chất lượng. Vì thế, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần đảm trách hai vai trò chủ đạo là thúc đẩy đào tạo ngành vi điện tử ở các viện, trường; giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm, thiết kế, sản xuất các sản phẩm chip điện tử với các ứng dụng cụ thể...
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội thảo, TS Đỗ Văn Lộc - vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, trợ lý bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ - cho biết bộ đã lựa chọn và trình Thủ tướng một số sản phẩm quốc gia, trong đó có chip điện tử do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đề xuất thực hiện. Nếu được phê duyệt chính thức, sản phẩm quốc gia này sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế và chủ đầu tư được vay ngân hàng đến 85% tổng mức đầu tư, được hỗ trợ lãi suất vay.
Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh dự án sản xuất chip đúng với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP nhằm tạo các sản phẩm có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao.
GS ĐẶNG LƯƠNG MÔ (cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM): Tôi tin thành công rất cao Công nghệ 180 nanomet để sản xuất chip hiện còn nhiều nơi dùng, chủ yếu ở châu Âu và một phần ở Trung Quốc. Cũng cần thấy rằng có những sản phẩm ứng dụng không bao giờ làm với công nghệ cao hơn, chẳng hạn như công nghệ 130 nanomet hay 90 nanomet. Một trong những điều cần suy nghĩ như lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã nói là vấn đề rủi ro trong đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao này, nên phải có những bước đi chắc. Nếu lựa chọn công nghệ 180 nanomet, tôi tin phần thành công rất cao. Tuy nhiên, điều tôi muốn góp ý là bước đầu có thể lựa chọn công nghệ như vậy nhưng nhà máy nên có lộ trình phát triển để từng bước tiến đến các công nghệ tiên tiến hơn. Một vấn đề nữa cần lưu ý là việc xây dựng nhà máy, mua máy móc có thể làm được ngay, song tại thời điểm này sẽ không có đủ người đáp ứng yêu cầu. Do vậy, trong quá trình xây dựng nhà máy phải song song đào tạo người làm được việc trong lĩnh vực này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận