24/06/2011 07:24 GMT+7

Bán tháo cá tra

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Sau khi tăng vọt lên mức kỷ lục 28.500 đồng/kg vào cuối tháng 4-2011, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã rớt giá mạnh. Trong khi đó, trước áp lực lãi suất và hạn trả nợ tới gần, nhiều người nuôi phải bán đổ bán tháo.

7ngg8u9V.jpgPhóng to
Doanh nghiệp hạn chế mua lượng cá tra quá lứa là một trong những nguyên nhân khiến giá cá sụt giảm nhanh - Ảnh: Đ.VỊNH

Tình trạng trên xảy ra phổ biến ở nhiều nơi khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Áp lực trả nợ

Cá tới đợt thu hoạch, ký hợp đồng bán hai ao cho Công ty cổ phần thủy sản Bình An hơn tháng nay nhưng hiện hộ bà Lê Thị Đào (Thới Thuận, Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mới bán được một ao sản lượng 147 tấn. Bà Đào cho biết vẫn còn hai ao nữa đã tới lứa nhưng kêu bán mãi chẳng doanh nghiệp nào chịu mua, dù giá cá rớt còn 23.000 đồng/kg, trong khi ngày 27-6 đã đến hạn trả nợ ngân hàng. “Nếu không bán được cá thì không thể nào trả nợ ngân hàng đúng hạn, lãi suất vốn đã cao, bị phạt nữa... càng lỗ nặng thêm” - bà than vãn.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Mai (xã Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang) ký hợp đồng tiêu thụ 130 tấn cá tra, giá 26.000 đồng/kg với Công ty TNHH Tuấn Anh từ giữa tháng trước. Thế nhưng, công ty này cứ lần lữa không chịu mua, mới đây đã hạ giá xuống chỉ còn 22.000 đồng/kg.

“Sợ giá tiếp tục giảm, phần gần tới hạn trả nợ ngân hàng nên đành phải bán. Đã vậy công ty còn kỳ kèo bớt này bớt nọ, hiện mới trả được 10% số tiền mua cá, sau một tháng rưỡi mới thanh toán đứt điểm” - chị Mai cho hay. Nhiều hộ nuôi khác cho hay do doanh nghiệp kéo dài thời hạn thanh toán nên họ đành phải bán cá cho thương lái tiêu thụ nội địa để có tiền mặt trả nợ gấp cho ngân hàng, chấp nhận thua lỗ.

Ông Thái An Lai, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho biết với mức giá 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 1.000 đồng trở lên trên mỗi ký cá. Trong khi đó do áp lực trả nợ, cộng với lãi suất ngân hàng lên trên 20%/năm nên ai cũng nóng vội muốn bán sớm. “Ngoài yếu tố thị trường thì áp lực lãi suất và kỳ hạn trả nợ ngân hàng đã làm bà con có tâm lý bán đổ bán tháo, từ đó không ít doanh nghiệp lợi dụng để ép giá, làm giá cá giảm mạnh” - ông Lai nhận định.

Tính toán gia hạn nợ

Theo ông Nguyễn Văn Thạnh - giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, từ đầu năm tới nay do mọi chi phí đầu vào đều đồng loạt tăng nên mức đầu tư nuôi cá cao hơn năm trước từ 30%. Các ngân hàng cho vay định mức thấp hơn trước nhưng lãi suất quá cao nên nông dân khá chật vật khi đầu tư nuôi cá.

Đã vậy, gần đây trong khi giá cá liên tục sụt giảm dẫn tới thua lỗ thì các ngân hàng lại đồng loạt nâng lãi suất khiến họ càng thêm khó khăn. Ông Lê Văn Thanh - nuôi cá ở xã Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang - kể đầu năm vay 1 tỉ đồng, lãi suất 19%/năm. Thế nhưng, mới đây ngân hàng thông báo nâng lãi suất lên 21%/năm. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, một hộ nuôi cá ở Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất cho vay lên tới 25%/năm.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, hiệp hội thủy sản một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đề nghị cần có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất cho người nuôi cá. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, cho biết tổng dư nợ cho vay nuôi thủy sản toàn tỉnh là 1.369 tỉ đồng, trong trường hợp người nuôi đã tới hạn trả nợ nhưng chưa bán được cá nếu có lý do chính đáng các ngân hàng sẽ xem xét cho giãn nợ, không xử phạt do trả nợ quá hạn.

Tại An Giang hiện tổng dư nợ cho vay nuôi cá tra cũng trên 1.000 tỉ đồng. Trước tình hình tiêu thụ cá khó khăn, ông Nguyễn Tấn Phước, phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết hiện lãi suất vay đối với người nuôi cá tra 21%/năm, nếu người nuôi chưa tiêu thụ được cá thì ngân hàng sẽ cho gia hạn tiếp 1-2 tháng, không tính lãi phạt.

Ngày 23-6, ông Dương Nguyễn Ngọc Minh, chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), khẳng định các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra lớn thuộc VASEP sẽ mua hết lượng cá tra nguyên liệu còn trong dân từ nay đến tháng 7.

Ông Minh cho biết lượng cá còn tồn trong dân chủ yếu là cá quá lứa (trên 1,2kg/con) với số lượng nhiều nhất khoảng 30.000 tấn. Trong cuộc họp giữa 25 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất của VASEP hôm 20-6, các doanh nghiệp thống nhất sẽ mua hết loại cá này trong dân dù phải để tạm trữ với mức giá 24.000 đồng/kg. Với mức giá này, người dân vẫn có lời trên 3.000 đồng/kg.

Theo ông Minh, với việc các doanh nghiệp triển khai mua cá quá lứa, trong khoảng 15 ngày tới thị trường cá tra sẽ ổn định và giá có thể nhích dần lên.

Đồng thời, Ủy ban Cá nước ngọt VASEP cũng thống nhất giá sàn mua cá tra nguyên liệu trong các tháng cuối năm là 26.000 đồng/kg với cá có trọng lượng 850g/con đủ chất lượng xuất khẩu. Theo ông Minh, mức giá này căn cứ vào giá sàn xuất khẩu mà ủy ban mới đưa ra trước đó là 3,3 USD/kg. Với mức giá mua nguyên liệu và giá xuất khẩu như trên, người nuôi sẽ có lời 15% trong khi doanh nghiệp xuất khẩu chỉ lời khoảng 5%.

Ông Minh cho biết giá cá tra giảm trong thời gian qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan là bắt đầu từ tháng 6 là kỳ nghỉ hè của châu Âu, Mỹ nên nhu cầu tiêu thụ cá giảm. Hiện đa số cá còn tồn trong dân đều ở mức 1,2kg/con, tức cá quá lứa, trong khi cỡ cá 850g/con để xuất khẩu đi 70% các thị trường nhiều nơi đã hết hoặc người dân chưa muốn bán.

Ông Minh cho rằng việc người nuôi cá và nhà chế biến xuất khẩu không tìm được tiếng nói chung như thời gian qua tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong vụ cá tới. Bởi do khó khăn về nguyên liệu nên đa số nhà máy chế biến đã tự đầu tư vùng nuôi cá cho riêng mình. Nếu như người dân nuôi nhỏ lẻ, các hiệp hội nuôi cá các địa phương không có sự liên kết và bàn bạc với các nhà chế biến để thống nhất về sản lượng và nhu cầu, có thể ngay trong thời điểm đầu năm 2012 sẽ khó có đầu ra cho con cá tra của người nuôi nhỏ lẻ.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên