14/06/2011 07:34 GMT+7

Trung tâm WonderBuy đóng cửa: Khách hàng cũng là chủ nợ

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Thông tin trung tâm điện máy WonderBuy (TP.HCM) phá sản sau một năm hoạt động đã khiến nhiều khách hàng lo lắng: liệu các chương trình khuyến mãi, dịch vụ khách hàng của trung tâm này sẽ được giải quyết ra sao sau khi đóng cửa?

Read this on Tuoitrenews.vn

AlFKB1vm.jpgPhóng to

Siêu thị WonderBuy của Công ty cổ phần điện máy - máy tính - viễn thông Hợp Nhất đã đóng cửa - Ảnh: Thanh Đạm

Ông Phan Thanh Hà, tổng giám đốc Công ty cổ phần điện máy - máy tính - viễn thông Hợp Nhất, thương hiệu WonderBuy, cho biết ưu tiên giải quyết cho người lao động và nhà cung cấp hàng hóa, còn nhóm khách hàng tham gia các chương trình của đơn vị sẽ cố gắng giải quyết trong khả năng, còn lại do tòa án quyết định.

Chuyển về điểm giao dịch mới

Anh Khánh, một giáo viên, cho biết tháng 9-2010 có mua một máy laptop với giá 12 triệu đồng, hiện nay máy này đang được bảo hành tại trung tâm chăm sóc khách hàng của WonderBuy. Cách đây hơn một tuần anh có đến nhận máy nhưng tòa nhà đã tắt điện tối thui. Với thông tin tuyên bố phá sản từ phía nhà kinh doanh, anh Khánh lo lắng vì không biết liên hệ ở đâu để nhận lại máy.

Theo ông Hà, trong thông báo thanh toán nợ thuê của đơn vị cho thuê mặt bằng, số tiền mà WonderBuy nợ là hơn 11,5 tỉ đồng và trước ngày 13-6 nếu WonderBuy vẫn không thanh toán thì buộc phải di dời các trang thiết bị ra khỏi mặt bằng cho thuê và trả lại nguyên trạng mặt bằng. Đến nay WonderBuy mất khả năng chi trả nên phải rút hàng hóa ra khỏi cửa hàng.

Hiện nay phòng chăm sóc khách hàng của WonderBuy đang giữ hàng điện tử, điện máy của 75 khách hàng sử dụng dịch vụ bảo hành tại trung tâm. Mặc dù có thông báo các khách hàng đến trung tâm để giải quyết nhưng do nhiều khách ở xa nên chưa thể lên nhận. Trước mắt để giữ liên hệ với khách hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ tạm chuyển về địa chỉ 403B Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh.

Đối với các sản phẩm chính hãng, công tác bảo hành sẽ chuyển qua hãng và khách hàng được giải đáp, hướng dẫn qua website của công ty. Những khiếu nại gửi thư tay có thể liên hệ qua địa chỉ văn phòng ở 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.HCM.

Nếu phá sản, khách hàng thiệt

Một vấn đề nhiều khách hàng quan tâm là WonderBuy sẽ có trách nhiệm như thế nào với những người tiêu dùng đã tham gia chương trình khuyến mãi mua hàng kiểu Mỹ được công ty thực hiện hồi tháng 1-2011. Theo đó, khi khách hàng mua một số mặt hàng sẽ nhận được tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng HDBank trị giá 20% sau một năm, 70% sau ba năm và 100% sau năm năm. Nghĩa là đến lúc đáo hạn, khách sẽ ra ngân hàng lấy lại tiền chứ WonderBuy không trả trực tiếp.

Chị Thanh, mua máy tính xách tay chạy CPU từ Core i5 - mặt hàng nằm trong ưu đãi của chương trình trên tại WonderBuy, thắc mắc khi công ty này không còn hoạt động liệu có thể đến ngân hàng nhận số tiền trên?

Ông Hà xác nhận số tiền phải trả cho nhóm khách hàng tham gia chương trình này khoảng 2 tỉ đồng và mối quan hệ hợp tác với HDBank cũng không còn nên việc này hoàn toàn khó xảy ra. Hiện lượng hàng tồn của WonderBuy có giá trị khoảng 3,2 tỉ đồng.

Ngày 24-5, WonderBuy đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên Tòa án TP.HCM. Về lý thuyết sẽ có hai phương án xử lý. Nếu tòa tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì toàn bộ tài sản sẽ được phát mãi, thanh lý và chia đều các khoản phải trả. Phương án thứ hai là tổ chức hội nghị chủ nợ và thuyết phục giãn nợ để doanh nghiệp có thể phục hồi kinh doanh trong thời gian từ 3-6 tháng.

Điều đáng nói trên hợp đồng của chương trình với khách hàng có ghi “hợp đồng còn giá trị khi công ty đang hoạt động”. Như vậy, trong trường hợp tòa án tuyên bố WonderBuy phá sản thì số tiền hoàn trả mà một số khách hàng đáng được hưởng sẽ không còn.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thị Hòa, Luật phá sản VN có nêu rõ khi doanh nghiệp phá sản thì những khách hàng còn có ràng buộc với doanh nghiệp cũng được xem là chủ nợ và món nợ là các dịch vụ, khoản tiền doanh nghiệp chưa thực hiện với người tiêu dùng. Doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm với những món nợ này.

Trong khi đó, ông Hà cho biết nguyện vọng của công ty là mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục hoạt động. Trước mắt có thể tìm một mặt bằng nào đó với giá hợp lý hơn. Theo kế hoạch tái cấu trúc hoạt động 2011-2013, công ty phải bổ sung vốn lưu động khoảng 12 tỉ đồng thông qua hình thức vay ngân hàng và phát hành thêm cổ phần. Tuy nhiên, đến nay cả hai con đường này khó thực hiện.

Lỗ 52 tỉ đồng

Trước khi tuyên bố phá sản, cửa hàng WonderBuy có để thông báo “tạm ngưng phục vụ trong vòng mười ngày để khắc phục sự cố điện...”. Trong thời gian này, WonderBuy đã gửi thông báo bằng email đến toàn bộ nhân viên và giải quyết chế độ tiền lương, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm cho người lao động bằng hình thức trả sản phẩm hoặc những thiết bị văn phòng trong công ty. Riêng với các nhà cung cấp, nơi này thừa nhận mất khả năng thanh toán.

Theo ông Hà, sau một năm hoạt động WonderBuy đã lỗ 52 tỉ đồng, trong đó chi phí thuê mặt bằng quá cao là nguyên nhân chính dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên