05/05/2011 05:12 GMT+7

Không phát triển kinh tế bằng mọi giá

V.V.THÀNH - H.GIANG
V.V.THÀNH - H.GIANG

TT - "Không phát triển kinh tế bằng mọi giá, cần chú trọng tính bền vững và thân thiện với môi trường” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại hội thảo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức với chủ đề “Châu Á 2050 - xây dựng một thế kỷ châu Á” ngày 4-5.

Read this on Tuoitrenews.vn

bm8LHDTe.jpgPhóng to
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: TTXVN

Ông Haruhiko Kuroda, chủ tịch ADB, cho biết ADB đã tập trung một nhóm chuyên gia để nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế của châu Á và đưa ra dự thảo báo cáo nêu trên.

Theo đó, vào giữa thế kỷ này (năm 2050), thêm 3 tỉ người dân châu Á có thể tận hưởng tiêu chuẩn cuộc sống tốt đẹp, nếu khu vực này vẫn duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, đồng thời giải quyết được những thách thức và nguy cơ đã kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Vượt mức trung bình của thế giới

Dự thảo báo cáo của ADB đưa ra hai kịch bản: thế kỷ của châu Á và bẫy thu nhập trung bình. Theo kịch bản lạc quan một thế kỷ châu Á, GDP của khu vực sẽ đạt 148.000 tỉ USD (chiếm 51% sản lượng toàn cầu), GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38.600 USD so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 USD.

Kịch bản thứ hai giả định rằng một số nền kinh tế của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mức tăng trưởng chậm lại và xảy ra sự trì trệ về thu nhập trong 5 hay 10 năm tới. Nếu kịch bản này xảy ra, GDP đầu người của khu vực sẽ đạt 20.300 USD, chỉ bằng hơn một nửa so với kịch bản một thế kỷ châu Á, đồng thời châu Á chỉ chiếm 32% sản lượng toàn cầu (khoảng 61.000 tỉ USD).

Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Nhóm chuyên gia thực hiện dự thảo báo cáo của ADB cho rằng những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình nếu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ dựa vào lực lượng nhân công rẻ và vốn đầu tư sang việc tăng trưởng bắt nguồn từ đổi mới và năng suất cao. Bản dự thảo báo cáo đề ra sáu động lực chuyển đổi tại khu vực: sự tiến bộ kỹ thuật, tích lũy vốn, nhân khẩu học và lực lượng lao động, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng thông tin.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho rằng các nước có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình nếu có sự tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Theo đó, người dân cần được tham gia việc hoạch định chính sách cũng như thực thi quyền kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lý Dũng nói: “Cần đảm bảo để người dân có thể được hưởng những lợi ích của tăng trưởng kinh tế, cải thiện dịch vụ công, thúc đẩy sự hài hòa giữa các tầng lớp xã hội”.

Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Mal Abdul Muhith đặt vấn đề cần có sự hợp tác toàn cầu để xử lý hai vấn đề hiện nay là an ninh lương thực và an ninh năng lượng (dầu mỏ).

Nhiều diễn giả khác cũng chia sẻ rằng các nhà lãnh đạo cần phải đặt ra các chính sách quốc gia mang tính đột phá, trong khi vẫn theo đuổi quan hệ hợp tác vùng và hợp tác toàn cầu, nhằm kiểm soát thành công những thành quả của khu vực công, an ninh năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, nguồn nước và lương thực với mục tiêu duy trì sự ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực.

Tiếp tục cải thiện hạ tầng

Các diễn giả cho rằng một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với nhiều nước châu Á hiện nay là cải thiện cơ sở hạ tầng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Motoyuki Odachi nói để giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM..., Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm trong việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

“Chúng tôi đã phát triển ngành đường sắt thông qua sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân từ lâu nay” - ông Motoyuki Odachi cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde nói: “Để thu hút được đầu tư tạo nguồn lực cho phát triển, vấn đề mà các nền kinh tế châu Á cần tập trung là đảm bảo an ninh tài chính và thắt chặt luật lệ để chống tham nhũng”. Theo ông Lý Dũng, phòng chống tham nhũng là vấn đề đặt ra cho nhiều nước hiện nay, nhất là các nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, tuy nhiên nếu có quyết tâm sẽ đạt được thành công nhất định.

Cải cách tiền tệ quốc tế

Chiều 4-5, trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế”. Theo ông Haruhiko Kuroda - chủ tịch ADB, những cải cách tài chính và tiền tệ sẽ được thảo luận tại cuộc họp vô cùng quan trọng nhằm trợ giúp khu vực châu Á đạt được tăng trưởng mạnh và toàn diện cho tất cả mọi người.

Ông Kuroda cho biết: “Chúng ta phải thu xếp hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay - hệ thống đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề như: các nguồn vốn lớn và không ổn định, áp lực tỉ giá quá cao và sự chia rẽ trong việc cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền mặt toàn cầu hiệu quả đúng thời hạn khi thị trường đang gặp khó khăn”.

Thông cáo báo chí về hội thảo này của ADB cho hay đối với những quốc gia như Trung Quốc, Brazil và Ấn độ, các chuyên gia cảnh bảo rằng một hệ thống tiền tệ quốc tế chi phối bởi đồng USD, cộng thêm sự hỗ trợ của các đồng tiền khác như euro, bảng Anh, yen Nhật không phản ánh đúng tình hình kinh tế thực tế hiện nay.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc làm thế nào để thế giới không quá phụ thuộc vào đồng USD và phải chăng đồng nhân dân tệ có khả năng là đồng tiền thay thế? Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde nói: “Mục đích của chúng ta không phải là thay thế đồng USD, bởi vì USD vẫn sẽ là USD, cũng như hoa hồng là hoa hồng. Tuy nhiên có những nguy cơ khi chỉ sử dụng duy nhất một đồng tiền, do vậy cần có sự mở rộng để tạo nên cân bằng”.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết vừa qua đã có những thảo luận về tăng cường sử dụng đồng nội tệ nhiều hơn ở châu Á, niềm tin vào đồng USD đã giảm sút nhiều nhưng việc dự trữ ngoại tệ bằng USD vẫn chiếm vị trí quan trọng không phải một định chế mà chỉ là kết quả của sự lựa chọn.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee nói về mặt lý thuyết cần có nhiều đồng tiền quốc tế hơn, vì chúng ta đang sống trong thế giới đa cực, do vậy cần có tính đa cực trong hệ thống tiền tệ.

V.V.THÀNH - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên