Phóng to |
Theo Vinalines, qua thi công đóng 114 cọc, hầu hết đều bị thừa chiều dài quá nhiều so với thiết kế ban đầu - Ảnh: V.KỲ |
Nhiều ý kiến cho rằng dự án đang gây lãng phí lớn cả về chi phí đầu tư và nguồn tài nguyên của đất nước.
Đội vốn hơn 3.000 tỉ đồng
Được xây dựng tại vũng Đầm Môn, phía tây bán đảo Hòn Gốm, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cảng Vân Phong theo quy hoạch gồm hai bến khởi động chiều dài 690m, có thể đón tàu sức chở 9.000 TEU. Năm 2007, dự án được phê duyệt vốn đầu tư 3.126 tỉ đồng. Tuy nhiên hai năm sau, khi khởi công vào tháng 10-2009 (đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Hàng hải - Vinalines) công bố tổng vốn đầu tư là 6.177,6 tỉ đồng. Việc đội vốn lên 3.051,6 tỉ đồng đã gây ra nhiều bất đồng trong quá trình triển khai dự án.
Mới đây, theo kết quả giám sát dự án này của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (thuộc Bộ Giao thông vận tải), ở gói thầu 6b (gồm các hạng mục tôn tạo bãi, xây dựng kè dưới nước bảo vệ khu đất cảng; xây dựng cầu tàu; tường chắn đất sau bến) khẳng định: việc lập và phê duyệt dự toán qua các lần điều chỉnh tăng quá nhiều. Cụ thể, tháng 10-2007 giá gói thầu số 6b được phê duyệt là 1.073 tỉ đồng. Một năm sau, mức giá này được điều chỉnh lên 3.588 tỉ đồng. Và đến tháng 9-2009, con số này tiếp tục được điều chỉnh lên 4.340 tỉ đồng. Như vậy, dự toán gói thầu này đã tăng 405% so với dự toán ban đầu.
Theo góp ý của ban kế hoạch đầu tư thuộc Vinalines về hồ sơ thiết kế gói thầu 6b2 (gồm hạng mục san lấp mặt bằng, gia cố nền khu vực bãi, kè bảo vệ bờ) gửi ban quản lý dự án hàng hải I (đại diện chủ đầu tư), vị trí xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có điều kiện tự nhiên tốt hơn vị trí xây dựng các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Tuy nhiên theo thiết kế, chi phí xây dựng cho 1 TEU hàng (đơn vị tương đương container 20 feet) thông qua cảng Vân Phong lại cao hơn nhiều so với các cảng ở khu vực này. Suất đầu tư của Vân Phong ở mức 281,69 USD/TEU, trong khi đó cảng SP-PSA là 163,6 USD/TEU và cảng CMIT là 131 USD/TEU. Theo nhận định của ban quản lý dự án hàng hải I, với thiết kế này tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 3.000 tỉ đồng và không khả thi trong thi công.
“Có vấn đề” ở nhiều khâu
Thiết kế đội lên là bình thường? Theo Portcoast, để khẳng định thiết kế sai hay đúng cần một hội đồng khoa học cấp bộ nghiệm thu, đánh giá. Quan điểm của Portcoast trong thiết kế là sử dụng những vật liệu tốt nhất và phương án an toàn nhất cho công trình. Hơn nữa, sản phẩm thiết kế đội lên hơn 3.000 tỉ đồng so với quy hoạch ban đầu, theo phía Portcoast, là chuyện bình thường trong thiết kế dự án cảng biển. Mặt khác, còn do thiết kế cho hai cầu tàu 690m, thay vì 600m như ban đầu và cầu tàu khả năng đón tàu sức chở 9.000 TEU thay cho 6.000 TEU. |
Sau gần một năm khởi công, tháng 8-2010 ông Nguyễn Trường Sơn - giám đốc ban quản lý dự án hàng hải I - đã ký quyết định tạm dừng thi công đóng cọc. Theo nhận định của ban quản lý dự án hàng hải I, dự án “có vấn đề” ở nhiều khâu, gồm cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công.
Về phía chủ đầu tư, công tác xét chỉ định thầu gói thầu quan trọng nhất lại không thận trọng, dẫn tới đơn giá chỉ định thầu cao hơn thực tế rất nhiều. Cụ thể, cọc SPP1200 được duyệt giá 699 USD/md, cọc SPP800 giá 406 USD/md. Trong khi giá cùng thời điểm ở thị trường VN, cọc SPP1200 giá 434 USD/md, cọc SPP800 giá 244 USD/md.
Các vật tư khác cũng được duyệt thầu cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 1,3-1,7 lần. Trên thực tế triển khai, theo hóa đơn nhập về có giá chỉ bằng 44,5-46,3% so với giá duyệt thầu.
Nhà thầu thi công xây dựng hai cầu tàu đầu tiên của dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là Công ty SK engineering & construction (SK E&C) của Hàn Quốc và Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) theo tỉ lệ 60/40. Đến tháng 10-2010, SK E&C vẫn chỉ là nhà cung cấp các lô cọc ống thép, không tổ chức thi công đóng cọc cụ thể tại công trường.
Lô cọc ống thép do SK E&C mang đến công trường gồm 544 đoạn không đủ hồ sơ thương mại, không đảm bảo chất lượng. Theo một báo cáo của SK E&C về các vấn đề tồn đọng trong dự án, nhà thầu này cũng xác nhận cọc bị gỉ sét do quá trình vận chuyển và đã tiến hành sơn phủ. Nhưng vì đã sơn nên ban quản lý dự án không nghiệm thu được lô cọc để phục vụ thi công.
Ách tắc từ khâu đóng cọc
Trong một báo cáo gửi Vinalines tháng 10-2010, ban quản lý dự án hàng hải I cho biết nhà thầu tư vấn thiết kế là liên danh Nippon Koei - Portcoast là một trong những nguyên nhân khiến dự án lùng nhùng, chậm tiến độ. Trước đó tháng 7-2010, một báo cáo khác của ban quản lý dự án hàng hải I gửi Vinalines cũng nêu rõ thiết kế gói thầu 6b gồm cầu tàu, kè, nền bãi chậm tiến độ.
Thay vì phải xong toàn bộ vào ngày 3-5-2008 nhưng đến tháng 7-2010, bản thiết kế vẫn ở mức chưa thể thi công. Nguyên nhân do không cập nhật ý kiến phản biện khoa học của tư vấn thẩm tra, không điều tra mỏ vật liệu nên không có, hoặc khó tìm được vật liệu trong quá trình thi công. Do vậy, với tình hình này nếu Vinalines có đủ nguồn lực phải đến năm 2015-2016 dự án mới có thể hoàn thành.
Dự án xây dựng hai bến khởi động bị ì ạch được các bên liên quan nhận định một phần do ách lại ở khâu đóng cọc. Theo kết quả giám sát của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, việc quyết định chiều dài cọc cầu chính trong quá trình thiết kế và sau khi thử cọc không chính xác dẫn đến khi đóng đại trà cọc dư chiều dài nhiều.
Về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện phía Portcoast, cho biết do kết quả thử cọc không được gửi đầy đủ như yêu cầu, chỉ gửi bốn cọc. Ông Tuấn cho rằng không thể lấy lý do dư cọc làm lý do chính chậm tiến độ dự án, bởi việc xử lý dư cọc rất đơn giản. Nhiều dự án cảng khác cũng dư cọc nhưng được cắt bỏ phần dư rất nhanh. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề còn khúc mắc do phía Vinalines còn nợ khoảng 10 tỉ đồng chi phí thiết kế của Portcoast.
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc đình trệ thi công dự án cảng Vân Phong, ông Trần Hữu Chiều - phó tổng giám đốc Vinalines - cho biết: - Sau khi triển khai đóng cọc thử, tư vấn thiết kế (TVTK) là liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - công trình biển Portcoast và Nippon Koei đã cho nhà thầu thi công (liên doanh giữa Vinawaco và SK E&C đóng cọc đại trà. Quá trình thi công ở phân đoạn 7, 8 và 13 xuất hiện cọc đã đóng (114 cọc) bị thừa chiều dài quá nhiều so với thiết kế. Trong khi đó, số cọc thừa chiều dài chưa đóng vẫn còn nhiều. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị TVTK xem xét lại địa chất công trình, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý cọc bị thừa. Chúng tôi đưa ra yêu cầu thiết kế cọc dài 48m thì bên TVTK cộng thêm 4-5m chiều dài nên chiều dài cọc đại trà thành 52m. Vì vậy, khi đóng xong thì bị dư trung bình 5-8m. Từ tháng 8-2010 tới nay, chúng tôi đã kết hợp với TVTK và tư vấn giám sát (TVGS - liên danh Công ty Meinhardt International và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy Tediport) cũng như nhà thầu chuẩn bị việc xem xét địa chất.
* Vì sao từ đó đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết, thưa ông? - Vướng mắc hiện nay là TVTK có những quan điểm chưa thống nhất với chủ đầu tư (Vinalines) nên việc xem xét cọc đóng bị dư thừa do nguyên nhân gì chưa thực hiện được. Thời gian qua TVTK cũng chưa có ý kiến gì về công tác đóng cọc đại trà cũng như đóng cọc thử các phân đoạn còn lại đến nay. Nhà thầu, TVGS và chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu TVTK kết hợp xem xét đưa ra ý kiến. Vừa qua TVTK đòi tạm ứng tiền thanh toán nhưng chúng tôi chưa thanh toán vì chưa đủ thủ tục. Họ cũng lấy lý do này để không làm việc được nữa nên thời gian xem xét điều chỉnh thiết kế kéo dài quá lâu khi một bên đòi thanh toán tiền còn một bên thấy chưa đủ thủ tục thanh toán. Bây giờ lãnh đạo hai bên sẽ ngồi với nhau thống nhất quan điểm, căn cứ theo hợp đồng, quy định của luật để giải quyết với nhau. * Nhiều ý kiến cho rằng thiết kế cảng Vân Phong của Portcoast - Nippon Koei không có gì đặc biệt mà tương đương với các bến thông thường ở các cảng khác. Các vật liệu trong thi công kè, san nền theo thiết kế cũng bất hợp lý khi không chỉ rõ nguồn khai thác vật liệu, chất lượng cát đắp quá cao so với tiêu chuẩn cần thiết gây lãng phí? - Tôi mới tiếp cận dự án (ông Chiều nhận nhiệm vụ chỉ đạo dự án này từ tháng 8-2010 thay ông Lê Triều Thanh - phó tổng giám đốc Vinalines - PV) và đặt vấn đề với TVTK, họ cũng bảo các câu hỏi này chủ đầu tư phải đặt ra từ năm 2008 thì mới xử lý vấn đề này được. Trước đây hai năm, chủ đầu tư có văn bản gửi TVTK về việc điều chỉnh vật liệu nhưng họ cũng không thay đổi. Bây giờ chúng tôi đang phải giải quyết hậu quả trong quá trình phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các bên từ trước đây. Chúng tôi cũng có mời tư vấn thẩm tra và họ nêu ra những bất hợp lý trong thiết kế. Chủ đầu tư đã có văn bản yêu cầu TVTK xem xét thay đổi nhưng đến thời điểm này họ vẫn bảo lưu quan điểm thiết kế. * Có phải Vinalines đang gặp khó khăn về vốn cho dự án, nhất là việc thanh toán cho nhà thầu? - Chúng tôi tạm ứng cho nhà thầu 15% tổng giá trị gói thầu 973 tỉ đồng. Hiện nay họ mới đóng được hơn 100 cọc và có nhập 544 đoạn cọc ống thép về. Nhưng số cọc mới nhập này chưa đáp ứng được yêu cầu thiết kế nên chúng tôi đang giám định lại vì số cọc này có sự khác biệt với thiết kế, chưa đảm bảo đúng chiều dài cho các phân đoạn, cọc có sơn lại. Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn khác để kiểm định và xác định có 240 đoạn cọc phù hợp với hồ sơ thiết kế. Còn những đoạn cọc khác đang thống nhất với nhà thầu cho kiểm định tiếp. Kiểm định chưa xong nên chưa có cơ sở thanh toán. * Thưa ông, trước đây TVGS đã cho nghiệm thu số cọc chưa đóng. Điều này có thể thấy ở dự án này chất lượng của TVGS, TVTK đều có vấn đề? - Trước đây TVGS đã nghiệm thu nhưng đó chỉ là những kỹ sư hiện trường ký. Còn công ty mẹ của TVGS cho biết hiện nay chưa phát hành chứng chỉ cho việc nghiệm thu số cọc này. Tôi và giám đốc ban quản lý dự án đều mới tiếp cận với công việc nên tất cả mọi vấn đề phải xem xét theo hợp đồng để đánh giá. Theo hợp đồng thì những kỹ sư giám sát ở công trường có những người không đảm bảo đúng tên và trình độ ghi trong hồ sơ dự thầu. Chúng tôi đã yêu cầu thay thế, đưa những người đúng, đủ quy định vào làm. Dù cả TVTK, TVGS và nhà thầu thi công đều được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, nhưng thực tế dự án sử dụng TVTK chưa được chuẩn mực lắm. Vì vậy gặp những trở ngại, chậm trễ đang phải giải quyết. * Thưa ông, hiện Vinalines đã tính đến việc điều chỉnh bến khởi động cảng Vân Phong ra sao? - Cảng Vân Phong thiết kế từ năm 2005, khi đó toàn bộ hệ thống cảng của chúng ta chỉ tiếp nhận được các tàu container từ 4.000 TEU trở xuống. Vì vậy bến khởi động cảng Vân Phong là lý tưởng cho việc tiếp nhận tàu từ 6.000-9.000 TEU theo quy mô của dự án. Như thời gian gần đây cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đã được điều chỉnh tiếp nhận tàu tương đương 6.000-7.000 TEU. Cảng Cái Mép - Thị Vải đã tiếp nhận được tàu hơn 11.000 TEU. Vì vậy, theo quy hoạch cảng biển mới được Chính phủ ban hành vào tháng 12-2009, chúng tôi đã xem xét điều chỉnh. Với vướng mắc thế này chúng tôi đề nghị các cấp cho phép điều chỉnh dự án để bến khởi động có thể tiếp nhận được tàu từ 12.000-15.000 TEU mới cạnh tranh được với các cảng khác. Theo dự kiến của chúng tôi, từ khi trình lên các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh dự án nếu nhanh phải mất năm tháng vì cần có sự khảo sát, thay đổi thiết kế cũng như sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu điều chỉnh thì chúng tôi trình phương án từ năm 2012 đến đầu năm 2014 xây dựng xong và đưa vào sử dụng một bến khởi động, đến năm 2015 xong bến khởi động thứ hai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận