Và tại đây xuất hiện lại “quán ăn ngon 138” với cách bài trí, màu sơn tường gần giống thương hiệu cũ.
Phóng to |
Quán ăn ngon (mới) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ảnh: T.T.D. |
Phóng to |
Quán ăn ngon (cũ) - Ảnh: T.T.D. |
Thương hiệu “quán ăn ngon” cũng đã xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Q.Tân Bình (TP.HCM)... trong khi chủ nhãn hiệu “quán ăn ngon” đã đăng ký bản quyền nhằm tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Nhiều “quán ăn ngon”
Tháng 9-2001, Công ty TNHH Ngon và Đẹp do ông Dương Tấn Hoài làm chủ tịch hội đồng quản trị, thuê nhà 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) của ông Bùi Kim Khánh mở quán ăn mang tên “quán ăn ngon”. Đến tháng 9-2009 hết hợp đồng thuê nhà, Công ty Ngon và Đẹp cũng giải tán. Nhóm cổ đông còn lại góp vốn thành lập Công ty nhà hàng quán ăn ngon chuyển sang thuê ở địa chỉ 160 Pasteur (Q.1), lúc này đổi thành thương hiệu “nhà hàng ngon” với cách bài trí, phong cách món ăn trong thực đơn cũng khác với kiểu từng phục vụ ở “quán ăn ngon”. Đây là một trong ba nhà hàng cùng tên mà công ty mở tại TP.HCM, Hà Nội và Phnom Penh (Campuchia).
Không bảo hộ “những tính từ mô tả sản phẩm” Ông Nguyễn Thanh Bình - trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - cho biết luật chỉ bảo hộ cách trình bày và logo của “quán ăn ngon”. Bản chất từ “quán ăn ngon” nếu người khác dùng chữ “quán ăn quá ngon” hay “quán ăn ngon tuyệt vời”...cũng rất khó xử theo hình thức xâm phạm bản quyền. Theo ông Bình, Nhà nước không bảo hộ những tính từ mô tả sản phẩm. Đặc thù của kinh doanh ăn uống ở VN hầu hết là phải thuê mặt bằng, đã xảy ra nhiều tình trạng doanh nghiệp cất công xây dựng cho mình thương hiệu riêng và mong muốn Nhà nước bảo hộ như trường hợp “quán ăn ngon”, nhưng việc bảo hộ thương hiệu khá mong manh vì khi kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng cùng lúc xảy ra nguy cơ mất thương hiệu đã xây dựng từ bấy lâu. Theo ông Bình, muốn xây dựng thương hiệu phải thật đặc trưng, cần dùng thuật ngữ mang tính phân biệt rất cao, rất dễ nhận biết nhưng lại khó bắt chước để không rơi vào trường hợp “quán ăn ngon””. |
Lúc này tại Hà Nội đã xảy ra một “cuộc chiến” trên các phương tiện truyền thông để khẳng định đâu chính là thương hiệu gốc. Chủ nhân “quán ăn ngon” 18 Phan Bội Châu, Hà Nội đăng quảng cáo trên báo khẳng định: “Quán ăn ngon vẫn giữ tên thương hiệu riêng của mình và chỉ có địa chỉ duy nhất tại 18 Phan Bội Châu...”. Nhóm của ông Hoài dùng quảng cáo trên đài phát thanh thông tin rằng “quán ăn ngon” đã dời sang đường Trần Hưng Đạo.
Trong khi đó tại TP.HCM, tháng 10-2010 tại địa chỉ 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một nhà hàng mới đưa vào hoạt động với tên “quán ăn ngon 138” với màu sắc bài trí, món ăn và cả những người nấu ăn, đầu bếp, phục vụ là những người từng làm việc tại “quán ăn ngon” trong thời gian Công ty Ngon và Đẹp còn kinh doanh.
Ông Hoài cho biết nhãn hiệu hàng hóa “quán ăn ngon” đã được đăng ký với Cục Sở hữu công nghiệp (nay đổi tên thành Cục sở hữu trí tuệ) và được cấp giấy phép số 1785 ký ngày 5-5-2003 nên việc sử dụng tên “quán ăn ngon” ở các quán ăn khác là phạm luật. Theo ông Hoài, ngoài “quán ăn ngon” ở 18 Phan Bội Châu, Hà Nội và “quán ăn ngon 138” còn phát sinh một số trường hợp khác cũng nhập nhèm sử dụng thương hiệu “quán ăn ngon” như một quán ở P.Lê Chân, TP Hải Phòng là “quán ngon”; ở P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM là “quán quá ngon”...
Sẽ kiện tới cùng
Trong khi đó, ông Bùi Kim Khánh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty thương mại dịch vụ Châu Khánh Nguyên, chủ thương hiệu “quán ăn ngon 138”, đồng thời có phần hùn lớn ở “quán ăn ngon” 18 Phan Bội Châu (Hà Nội) - cho rằng việc sử dụng thương hiệu này không vi phạm việc bảo hộ nhãn hiệu mà nhóm ông Hoài đã đăng ký. Ông Khánh cho biết đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký độc quyền thương hiệu “quán ăn ngon 138” và khẳng định quán ông vẫn là “quán ăn ngon” vì đầu bếp chính và tám người từng bán trước kia của quán cũ vẫn ở lại làm việc.
Ông Khánh hoàn toàn tự tin treo biển hiệu này vì: “Chúng tôi không dùng nhãn hiệu và logo mà nhóm ông Hoài đang sở hữu, chữ “quán ăn ngon” không được luật bảo hộ vì không có tính phân biệt mà chỉ mang tính mô tả dịch vụ và chất lượng”. Ông Khánh cũng trưng ra biên bản giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học - công nghệ) ký ngày 28-1-2011, trong đó cơ quan này xác định “không có căn cứ để kết luận rằng hành vi quảng cáo dịch vụ quán ăn mang dấu hiệu “quán ăn ngon 138” là hành vi xâm hại quyền đối với nhãn hiệu” (của nhóm ông Hoài đã được bảo hộ).
Theo ông Dương Tấn Hoài, sắp tới sau khi chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu “quán ăn ngon” cho Công ty nhà hàng quán ăn ngon (đăng ký tại Hà Nội), công ty này sẽ kiện những nơi đang sử dụng nhãn hiệu “quán ăn ngon” đã được nhóm ông đăng ký từ năm 2003. “Chúng tôi sẽ kiện để buộc những nơi này tôn trọng thương hiệu hợp pháp “quán ăn ngon” và phải thay đổi tên, không được sử dụng chữ “quán ăn ngon”” - ông Hoài khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về sở hữu trí tuệ chia sẻ trường hợp này khó kết luận các quán ăn sau quán ăn của ông Hoài xâm phạm nhãn hiệu vì trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể hiện rõ “nhãn hiệu không được bảo hộ tổng thể, cũng không bảo hộ”.
“Riêng “quán ăn ngon”, chữ “ngon”, hình cái bát và đôi đũa, những chữ “quán ăn ngon” không thuộc về ai vì ai làm quán ăn chẳng muốn quán mình thật ngon. Đây chính là từ mô tả chất lượng sản phẩm mà cái này thường Nhà nước không bảo hộ” - chuyên gia này phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận