Phóng to |
Tài xế Hồ Đăng Luân bên trong chiếc Innova J cùng đồng nghiệp - Ảnh: L.N. |
Hơn 8.800 xe Toyota có thể bị lỗi
- Theo thông tin của kỹ sư Lê Văn Tạch đưa ra và giải thích của TMV có thể thấy ba lỗi gồm: lỗi liên quan đến hệ thống treo (TMV gọi là siết bulông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn), bắt ghế trên sàn xe không đủ lực và lỗi hệ thống phanh.
Các lỗi này có vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật trong chế tạo, lắp ráp của Hãng Toyota khi những tiêu chuẩn kỹ thuật đó được quy định chung để đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế. Nếu sai sót xảy ra ở TMV thì có nghĩa là công ty này đã vi phạm kỷ luật đối với công ty mẹ (Toyota Nhật Bản - PV) chứ không phải do chỉ đạo của công ty mẹ cho phép.
Họ nói những lỗi này không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe thì tôi nghĩ đây là câu trả lời chung chung. Ví dụ, tiêu chuẩn áp suất dầu phanh xilanh phanh bánh sau được tính theo tiêu chuẩn này, nhưng để áp suất vượt quá sẽ xảy ra trường hợp bánh sau bị rê khi phanh do bánh sau bị ăn cứng và xe mất ổn định phanh. Đến giờ chưa xảy ra tai nạn cũng có thể là chưa gặp tình huống như thế.
Phóng to |
Ông Phạm Hữu Nam - Ảnh: T.P. |
- Tôi nghĩ nói đảm bảo an toàn cũng không chính xác. Giải thích như thế chủ yếu để yên lòng khách hàng. Khi phanh, do quán tính, đằng trước xe sẽ bị dồn lên và đằng sau nhẹ đi làm đuôi xe bị nhấc lên do phân bố lại khối lượng. Vì vậy, bánh sau sẽ cần lực phanh nhỏ hơn lực phanh bánh trước theo tính toán của nhà thiết kế để đảm bảo khi phanh bánh sau không bị rê.
Trong tiêu chuẩn gốc đã tính toán cụ thể từng trường hợp và có hệ số an toàn tính cả những trường hợp khắc nghiệt ít xảy ra trong thực tế chứ không chỉ tính toán chủ yếu cho các trường hợp thông thường. Mà các trường hợp khắc nghiệt mới chính là tình huống xảy ra tai nạn.
Nếu xe vận hành tốc độ cao trong trường hợp đường trơn ướt sẽ khác hẳn với chạy bình thường trong đường khô ráo. Nếu TMV muốn khẳng định vượt quá áp suất tiêu chuẩn thiết kế gốc mà không mất an toàn thì phải tính toán lại trong từng tình huống cụ thể để khẳng định chắc chắn sự đảm bảo.
* Ông đánh giá mức độ nguy hiểm về lỗi áp suất dầu phanh vượt quá tiêu chuẩn thế nào?
- TMV đã làm thí nghiệm và nói thế thì mọi người cũng chỉ tiếp nhận như thế. Bây giờ muốn đánh giá phải làm thí nghiệm và chứng minh chứ không đánh giá chung chung bằng cảm tính được. Còn về góc độ kỹ thuật, sự mất an toàn chưa xảy ra có thể do chưa thử nghiệm đúng điều kiện thiết kế.
Nếu điều kiện thiết kế quy định xe đó phải chạy trên đường có hệ số bám là 0,4 với vận tốc 100km/giờ mà phanh vẫn không bị lết (rê) là đảm bảo, nhưng với áp suất vượt tiêu chuẩn thì có thể chạy trên đường có hệ số bám 0,5-0,6 với cùng vận tốc mới đảm bảo lúc phanh. Hai cái này là khác nhau. Nếu đã đặt ra những tiêu chuẩn thiết kế cao mà không tuân thủ là điều không hay và không tôn trọng khách hàng.
* Thưa ông, với lỗi siết bulông camber không ở trạng thái tiêu chuẩn (theo TMV là không được siết ở trạng thái có lực nén) có thể gây ra việc nghiêng, lật xe khi cua với tốc độ cao như kỹ sư Tạch phản ảnh không?
- Ở đây khâu lắp ráp của TMV siết ốc ở các tay đòn của hệ thống treo không đúng quy trình. Việc này về mặt lý thuyết có thể ảnh hưởng tới động học về hệ thống treo, hệ thống lái và giảm sự êm dịu do nảy sinh tình trạng hai cánh tay đòn chuyển động không đúng quỹ đạo thiết kế. Khi siết không đảm bảo thì làm bạc camber bị lỏng và gây tiếng kêu khi vận hành cũng như giảm tuổi thọ. Nếu tình huống xấu nhất có thể làm cháy ren. Nếu làm ốc lỏng sẽ phát sinh nhiều thứ hỏng hóc khác.
Nhận định của kỹ sư Lê Văn Tạch hơi nghiêm trọng một chút khi nói có thể làm nghiêng và lật xe. Lỗi này mà nói làm lệch xe thì nặng quá mà chỉ làm sai động học khiến đầu xe bị rung, tay lái bị rung khi vận hành hơn mức bình thường cũng như giảm tuổi thọ của bạc camber.
* Ông đánh giá thế nào về mức độ của các lỗi nói trên?
- Tôi nghĩ trong ba lỗi này, lỗi áp suất dầu phanh là dễ mất an toàn nhiều nhất. Nếu ghế và hệ thống treo có lỗi sẽ phát ra tiếng kêu thì dễ phát hiện để chỉnh sửa hơn.
Ba lỗi trên gọi là vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật. Đã là vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật mà nói không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe thì không đúng. Vấn đề là mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Nói không ảnh hưởng tới an toàn cũng có thể là chưa xảy ra tai nạn hoặc có xảy ra nhưng chưa ai tìm hiểu được nguyên nhân chính xác.
Nhiều tài xế lo lắng tình trạng an toàn xe Trao đổi với chúng tôi, các tài xế taxi đang lái dòng xe Toyota Innova J cho biết họ khá lo lắng khi nghe thông tin thừa nhận lỗi của TMV vì trong thực tế lái xe họ luôn có cảm giác xe bồng bềnh. Anh Hồ Đăng Luân, lái xe Innova J số 1420 biển số 56K-7688 của Hãng Vinasun hơn hai năm, cho biết xe anh chạy tốc độ hơn 50km/giờ luôn cảm thấy bồng bềnh như xe không cân bằng, đặc biệt khi xe chạy không chở khách. Khi vào cua, lái xe cũng không cảm thấy an toàn vì sự bềnh bồng này. “Nhiều anh em lái Innova J đều có cảm giác này” - anh Luân cho hay. Anh Đỗ Văn Bắc, lái Innova J số 1355 biển số 56K-7450 của Hãng Vinasun, nói khi đọc báo nghe thông tin TMV thừa nhận dòng xe Innova J bị lỗi anh càng lo hơn vì xe anh đang lái cũng bị tình trạng không ổn định khi chạy không có khách. L.NAM ghi |
_______________________
Phóng to |
Ông Đỗ Hữu Đức - Ảnh: T.P. |
Xác định được lỗi mới có biện pháp xử lý
Chiều 4-4, ông Đỗ Hữu Đức - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - cho biết Cục Đăng kiểm đã có cuộc làm việc với Toyota VN (TMV) về các vấn đề liên quan và đang chờ TMV báo cáo chính thức bằng văn bản để cục xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng. Ông Đức nói:
- Chúng tôi nhận được phản ảnh của kỹ sư Lê Văn Tạch nhưng đó mới là thông tin một phía nên ngày 1-4, Cục Đăng kiểm đã có văn bản yêu cầu TMV cử người đến làm việc và cung cấp các thông tin liên quan. Chiều 4-4, TMV đã đến làm việc với cục, tiếp nhận các nội dung mà cục yêu cầu TMV giải trình.
* Trong các lỗi mà kỹ sư Tạch tố cáo, lỗi áp suất dầu phanh quá tiêu chuẩn là lỗi nghiêm trọng, khi xác minh nếu đúng thì cục sẽ xử lý như thế nào?
- Không chỉ các lỗi trên mà tất cả các lỗi có liên quan, việc đầu tiên là chúng ta phải xác định được mức độ lỗi. Từ đó mới có biện pháp xử lý phù hợp.
* Vậy hướng xử lý khi đã xác định được lỗi như Toyota thừa nhận như thế nào, thưa ông?
- Bất kể chỉ tiêu gì đều có yêu cầu kỹ thuật cụ thể. Vì thế phải phụ thuộc vào mức độ của lỗi mới đưa ra được biện pháp xử lý. Còn hiện nay mức độ lỗi vi phạm thế nào chưa được xác định thì chúng tôi chưa thể đưa ra phương thức gì cụ thể.
* Ông có thể cho biết quy trình hướng giải quyết chung với xe có lỗi xảy ra tại VN?
- Thực tế các văn bản pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với những lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên theo thông lệ quốc tế, khi phát hiện lỗi kỹ thuật có ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng thì nhà sản xuất phải thực hiện triệu hồi xe. Tất cả việc xử lý cũng như cách thức xử lý lỗi vi phạm đều phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước và được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận.
* Nếu xác định lỗi của TMV là có thật, Cục Đăng kiểm có dự định mời thêm một cơ quan kiểm định độc lập để kiểm tra chất lượng xe?
- Cái này phụ thuộc mức độ lỗi. Từ mức độ của lỗi mới ra phương thức và quyết định với phương thức nội dung đó có cần hay không cần mời chuyên gia. Hiện chưa có gì cụ thể nên đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
* Đối với phương tiện có lỗi mà đang lưu hành, Cục Đăng kiểm sẽ xử lý thế nào?
- Không chỉ VN mà trên thế giới khi xác định xe có lỗi về kỹ thuật, ảnh hưởng đến an toàn, chắc chắn nhà sản xuất phải tiến hành việc triệu hồi và khắc phục các lỗi đó.
* Thưa ông, TMV đã thừa nhận có lỗi trong sản xuất xe. Giả thiết phản ảnh của kỹ sư Lê Văn Tạch là đúng thì mức độ nghiêm trọng của các lỗi trên thế nào? Cần phải triệu hồi xe để khắc phục hay không?
- Như ở phần trên tôi đã nói, trách nhiệm của Cục Đăng kiểm VN là sẽ thẩm tra lại những vấn đề mà kỹ sư Lê Văn Tạch nêu và lỗi đến đâu sẽ xử lý đến đó. Khi Cục Đăng kiểm đã thẩm định và đủ cơ sở chính thức mới tiến hành các bước cụ thể tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận