02/04/2011 07:11 GMT+7

Mắc lừa công ty "ma"

LÊ SƠN
LÊ SƠN

TT - Liên tiếp hàng loạt vụ lừa đảo thương mại trong thời gian gần đây xảy đến với các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu VN. Đa số vụ lừa đảo này từ các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Tây Á.

Read this on Tuoitrenews.vn

JvKJOxDB.jpgPhóng to

Bên cạnh những thủ đoạn tinh vi thì các chiêu lừa khá đơn giản xảy đến xoay quanh sơ suất của DN VN trong khâu thẩm định, thực hiện hợp đồng và phương thức thanh toán.

Chiêu cũ xài lại

Sau khi tìm thấy một nhà cung cấp gỗ của Cameroon trên mạng Internet, công ty X (TP.HCM) đã tiến hành giao dịch nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Đơn vị này được đối tác yêu cầu đặt cọc trước khoản phí giao dịch, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đã bảy tháng kể từ khi DN này chuyển 11.000 euro tiền đặt cọc (20% giá trị hợp đồng), đối tác vẫn chưa cung cấp gỗ với lý do không còn loại gỗ đó.

Khi DN VN yêu cầu đối tác trả lại khoản tiền đặt cọc thì họ cắt đứt ngay mọi liên lạc. Thương vụ VN tại Morocco đã nhiều lần liên hệ với Phòng Thương mại và công nghiệp Cameroon để nhờ can thiệp nhưng cơ quan này cũng chưa trả lời.

Một DN khác cũng tại TP.HCM ký hợp đồng mua 150 tấn bông phế liệu của Công ty SG Trading Corporation (Pakistan). Sau khi thỏa thuận giá, đơn vị này trả tiền ngay qua ngân hàng Pakistan cho người bán. Tuy nhiên khi kiểm tra hàng, trong container chỉ toàn đá và rác. DN này gửi thư khiếu nại đến khách hàng Pakistan.

Tuy nhiên khách hàng Pakistan lập tức cắt đứt mọi liên lạc. Đại sứ quán và Thương vụ VN tại Pakistan đã liên lạc với khách hàng và thông báo cho các cơ quan hữu quan của Pakistan đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy tên công ty là giả. Địa chỉ công ty là một phòng khóa kín. Tài khoản của công ty tại ngân hàng đã bị rút hết tiền.

Đa dạng chiêu lừa mới

Nhiều trường hợp bị lừa

Từ đầu năm 2009 đến tháng 3-2011, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các thương vụ khu vực này đã tiếp nhận, xử lý trên 60 trường hợp DN VN nhờ xác minh đối tác xuất nhập khẩu cũng như thông báo sự việc lừa đảo.

Hầu hết đối tác này ở khu vực Tây Phi như Benin, Togo, Cameroon, Nigeria, Ghana và một số nước Nam Á như Pakistan. Bộ Công thương VN cùng các thương vụ đã kịp thời cảnh báo cho DN, tuy nhiên cũng có DN vẫn tiếp tục giao dịch với các đối tác này và gặp rủi ro.

Bên cạnh những chiêu cũ, các đối tác tại Nam Á, Tây Phi cũng tranh thủ sự mập mờ trong khâu thanh toán để lừa các DN VN. DN V tại TP.HCM ký hợp đồng bán 16,4 tấn cao su cho Công ty Global Trading Corporation (Pakistan). Điều kiện thanh toán là đặt cọc 10% trị giá hợp đồng, phần còn lại sẽ thanh toán khi đối tác nhận được hàng.

Sau khi nhận tiền đặt cọc từ đối tác, DN này tiến hành giao hàng, lập chứng từ thanh toán. Tuy nhiên sau khi gửi chứng từ thanh toán theo đúng thủ tục, DN của VN không nhận được số tiền còn lại.

Theo các chuyên gia, trường hợp này DN V đã chấp nhận phương thức thanh toán rất dễ dãi là chỉ nhận đặt cọc 10% (thông thường mức trả trước ít nhất là 20%) và giao dịch không qua ngân hàng uy tín. Tổ chức nhận chứng từ để làm thủ tục thanh toán lại không phải là ngân hàng mà là đại lý thu đổi ngoại tệ kiêm chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh không chính thức.

Một chiêu lừa khác tuy không phổ biến nhưng khá tinh vi. Năm 2009, một DN chế biến gỗ tại Bình Dương nhận được hợp đồng gia công sản phẩm theo mẫu mã của đối tác Trung Đông. Đối tác này sẵn sàng chuyển trước 30% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, khi hoàn thành sản phẩm phía đối tác chấp nhận mất tiền cọc và không mua hàng với lý do thị trường tiêu thụ gặp khó. Lúc này, DN mới tá hỏa vì việc xuất khẩu lô hàng ra nước ngoài gặp khó với mẫu độc quyền và khá lạ của đối tác.

Nhiều dấu hiệu nhận biết lừa đảo

Ông Lý Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), cho biết nếu DN tinh ý và phối hợp tốt với các đại sứ quán, thương vụ tại các nước này thì hoàn toàn có thể tránh những rủi ro đáng tiếc.

“Nhiều nước ở Tây Phi nói tiếng Pháp và tất cả các văn bản chính thức được soạn thảo bằng tiếng Pháp. Do vậy, nếu một văn bản hành chính (như giấy phép kinh doanh) viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là một hành vi lừa đảo” - ông Hùng đúc kết.

Thủ đoạn lừa đảo thông qua Internet khá phổ biến tại các nước châu Phi, đối tượng lừa đảo có thể làm giả tất cả các loại giấy tờ của bất kể cơ quan nào nhằm tạo niềm tin cho khách hàng. Các tổ chức lừa đảo thường lấy tên giả, không đưa ra số điện thoại cố định mà chỉ đưa ra số điện thoại di động, không có số fax hoặc số fax sai...

Để tạo niềm tin cho khách hàng, đối tượng còn cho số điện thoại giả của một cơ quan nhà nước hay phòng thương mại địa phương (số điện thoại này là của đối tượng) để khi khách gọi đến sẽ được chính đối tượng xác nhận.

Các điều kiện hợp đồng thường được các đối tượng lừa đảo đưa ra sao cho có thể tẩu tán tiền và hàng nhanh nhất (tức thanh toán bằng cách trả tiền ngay hoặc gửi thẳng chứng từ cho đại lý thu đổi ngoại tệ).

Về phương thức thanh toán, hiện chưa có ngân hàng nào của VN có chi nhánh tại các quốc gia này để tiện thanh toán cho DN, Bộ Công thương khuyến cáo DN xuất khẩu nên sử dụng hình thức xác nhận tín dụng hoặc bảo đảm của ngân hàng để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán của người mua.

LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên