23/03/2011 04:04 GMT+7

Sẽ nâng quy mô nhà máy lên 1 tỉ USD

LÊ NGUYÊN MINH thực hiện
LÊ NGUYÊN MINH thực hiện

TT - Ngày 22-3, nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng của Tập đoàn First Solar (Mỹ) đã khởi công tại Củ Chi, TP.HCM. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bruce Sohn - chủ tịch First Solar - cho biết quy mô nhà máy sẽ nâng lên 1 tỉ USD, công suất gấp bốn lần hiện nay. Ông Bruce Sohn nói:

Read this on Tuoitrenews.vn

SoXS31px.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (thứ hai từ trái sang) và các khách mời xem mô hình pin năng lượng mặt trời tại lễ khởi công - Ảnh: L.N.M.

- Dự án có quy mô giai đoạn một 300 triệu USD, bốn dây chuyền với công suất 250MW, hiện được xem là dự án lớn nhất trong ngành năng lượng tái tạo ở VN. Cùng với ba nhà máy khác, nhà máy tại VN là nhân tố chính giúp First Solar tăng gấp đôi công suất hiện nay, lên 2,9GW vào năm 2012.

Quy mô mở rộng nhà máy sẽ tuần tự theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là nhu cầu thị trường toàn cầu. Hiện nay chúng tôi xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ là chính, nhưng thị trường châu Á cũng đang phát triển. Theo nghiên cứu của chúng tôi, nhu cầu mặt hàng này đang tăng và việc sản xuất ở VN sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực giảm chi phí của chúng tôi. Chúng tôi đã cân nhắc để cuối cùng chọn VN vì có nhiều yếu tố thuận lợi như Chính phủ hỗ trợ, lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng, chi phí đầu tư thấp hơn nơi khác...

Lkl3SmJE.jpgPhóng to
Ông Bruce Sohn. Ảnh: L.N.M.

* Một số công ty nước ngoài khi vào VN cũng tuyên bố sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế..., nhưng người dân vẫn hứng chịu cảnh môi trường bị hủy hoại. First Solar sẽ cam kết gì?

- Ở bất kỳ chỗ nào First Solar đặt nhà máy, từ Mỹ, Đức hay Malaysia, chúng tôi đều nỗ lực có trách nhiệm với cộng đồng, chúng tôi là công dân tốt và nghiêm túc trong việc bảo vệ môi trường. Sản phẩm của chúng tôi làm ra là để bảo vệ môi trường nên chúng tôi rất tôn trọng những nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Nhưng có lẽ cách tốt nhất là hãy đến chứng kiến những gì chúng tôi làm. Chúng tôi không xả thải chất độc hại ra môi trường, tuân thủ quy trình nghiêm khắc về xử lý nước thải. Đặc biệt, chúng tôi lập một quỹ riêng dành cho việc tái chế, tái sinh. Sản phẩm của chúng tôi được bảo hành 25-30 năm.

Tiêu chuẩn xây dựng nhà máy tại VN cũng là tiêu chuẩn chúng tôi xây nhà máy ở Mỹ, Đức hay Malaysia.

* Được biết, trong giấy phép First Solar có hoạt động tái chế. Vậy các ông có nhập đồ cũ về đây tái chế? Tỉ lệ này như thế nào trong cơ cấu sản xuất của nhà máy?

- Đúng là chúng tôi có hoạt động sản xuất sản phẩm mới và cả tái chế những sản phẩm hư hỏng. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên này nhà máy ở VN không làm về tái chế mà chỉ sản xuất. Việc tái chế được chúng tôi thực hiện theo vùng. Ví dụ ở châu Âu thì tái chế phục vụ thị trường châu Âu. Còn tại VN chúng tôi không nhập sản phẩm cũ về tái chế mà chỉ tái chế những sản phẩm đã sản xuất tại đây. Tuy nhiên sản phẩm của chúng tôi dùng đến 25-30 năm nên còn lâu mới tái chế ở VN.

* Thưa ông, trong lễ khởi công, một nông dân đã nói lên nguyện vọng là First Solar thu nhận con em của họ làm công nhân trong nhà máy. Tập đoàn của ông có kế hoạch nào để chuyển những nông dân này thành công nhân công nghệ cao?

- Đúng là ngành sản xuất của chúng tôi rất đặc thù nên công nhân phải được đào tạo kỹ về kỹ thuật, kỹ năng. Chúng tôi có chương trình đào tạo bài bản. Trong đó có việc đưa kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật sang Malaysia đào tạo trực tiếp ngay trên dây chuyền sản xuất.

Chúng tôi sẽ cố gắng tuyển dụng được càng nhiều người địa phương càng tốt.

Về nhân lực, trước khi quyết định mở nhà máy chúng tôi đã được tư vấn rằng lực lượng lao động ở đây trẻ, dồi dào và chất lượng. Các trường đại học mỗi năm cung cấp hàng nghìn sinh viên chất lượng ra trường nên chúng tôi yên tâm.

* Từ kinh nghiệm làm việc ở các nước khác, mất bao lâu để công ty địa phương trở thành nhà cung cấp cho First Solar?

- Lúc chúng tôi mới xây nhà máy ở Đức hay Malaysia, nguồn cung cấp địa phương rất nhỏ nhưng nay đã lên đến 40% và chúng tôi có một chương trình để tăng nguồn cung ứng địa phương. Cũng khó nói, nhưng tôi nghĩ phải mất 2-3 năm để làm cuộc chuyển đổi này.

Hiện chúng tôi đã làm việc với một số công ty ở VN để bàn về kế hoạch phát triển và cung ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Các tấm pin mặt trời được sản xuất bằng cách đặt các lớp vật liệu bán dẫn mỏng lên những bề mặt khác nhau, thường là thủy tinh. Thuật ngữ phim mỏng nói về số lượng vật liệu bán dẫn được sử dụng. Chúng được lát dưới hình thức một tấm phim mỏng trên một bề mặt thủy tinh. Công nghệ này giúp giá thành sản xuất thấp. Các loại phim mỏng được dùng là chất cadmium telluride, silicon vô định hình, chất bán dẫn tổng hợp CIGS. Giá thành hiện nay là 75 xu Mỹ/watt (đã giảm 50% trong vòng ba năm qua), một tấm pin màng mỏng khoảng 85W.

Tấm pin năng lượng mặt trời màng mỏng hiện chiếm 20% thị phần toàn cầu, 80% còn lại dùng tấm silicon, nhưng xu hướng dùng công nghệ màng mỏng đang tăng lên.

LÊ NGUYÊN MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên