Phóng to |
Ông Trần Hoàng Ngân - Ảnh: T.ĐẠM |
- Tại cuộc họp về thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ về “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”, hầu hết ý kiến chuyên gia đều đồng tình quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Điều này là vì quyền lợi người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên thời gian qua, do chưa có đủ thông tin nên một bộ phận người dân hoang mang.
* Ông có thể cho biết hướng quản lý thị trường vàng để bảo vệ quyền lợi của người dân sẽ được thực hiện ra sao?
- Như tôi đã từng nói trên Tuổi Trẻ, xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ xây dựng một thị trường vàng có tổ chức, từ khâu xuất nhập khẩu đến phân phối. Theo kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Nhà nước chỉ định một đầu mối xuất nhập khẩu vàng, đơn vị này sẽ mua/bán vàng với những đơn vị có chức năng kinh doanh vàng miếng để đảm bảo giá trong nước sát giá thế giới. Cần lưu ý rằng hiện nay do cơ chế xuất nhập khẩu vàng chưa hoàn thiện, chủ yếu do vàng lậu chi phối nên giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, thiệt thòi cho người dân.
Về khâu phân phối, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp phép cho một số đầu mối chuyên mua/bán vàng miếng với người dân. Người dân vẫn được quyền sở hữu vàng, nhưng việc mua/bán vàng phải được thực hiện với các đơn vị được cấp phép chứ không mua/bán tại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ như hiện nay.
Nhà nước cũng sẽ quy định lại, xem kinh doanh vàng miếng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ đơn vị đáp ứng mới được cấp phép. Do vậy, tới đây các cửa hàng vàng nhỏ lẻ sẽ phải điều chỉnh lại giấy phép kinh doanh, chỉ mua/bán vàng nữ trang, không được mua/bán vàng miếng. Như vậy, theo tôi, việc sở hữu, mua/bán vàng miếng của người dân không có gì thay đổi, chỉ khác là phải mua bán tại các điểm do Nhà nước cấp phép. Đó có thể là công ty vàng bạc, ngân hàng...
Phóng to |
Sắp tới, người dân sẽ mua bán vàng miếng với đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép - Ảnh: H.T.V. |
* Có đề xuất người dân không được dùng vàng để thanh toán, tương tự như đã cấm với ngoại tệ?
- Theo tôi, đây là một đề xuất đúng hướng và cần được ủng hộ để thực hiện. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã kết luận tới đây sẽ cấm việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán như đã cấm với ngoại tệ. Khi đó, người dân không được rao, dùng vàng để thanh toán tiền mua/bán nhà hoặc tài sản khác.
Điều này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với chủ trương người dân vẫn được sở hữu, mua/bán vàng miếng với đơn vị có chức năng. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được dùng VND để thanh toán. Theo tôi, hiện người dân đã bớt dùng vàng làm phương tiện thanh toán, kể cả với mua bán nhà. Nhiều trường hợp bán nhà đã chuyển sang định giá và thanh toán bằng tiền vì giá vàng biến động quá lớn.
* Một bộ phận người dân có nhu cầu không thể mua ngoại tệ khi đi nước ngoài, vấn đề này được xử lý ra sao?
Theo nghị quyết 11 của Chính phủ, trong quý 2-2011 các cơ quan chức năng sẽ trình để Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. |
- Chúng ta kiên quyết xóa bỏ nạn kinh doanh ngoại tệ trái phép nhưng cũng phải cấp bách tìm cơ chế để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân. Làm tốt việc này cũng là cơ hội để các ngân hàng thu hút và tập dần để người dân có thói quen giao dịch ngoại tệ với ngân hàng thay vì ở các tiệm vàng.
Hướng xử lý, theo thông tin từ cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho các ngân hàng được thu thêm một khoản phí đối với trường hợp bán ngoại tệ tiền mặt cho người dân khi đi nước ngoài. Có thực tế là khi giao dịch ngoại tệ bằng tiền mặt, ngân hàng tốn kém nhiều chi phí, nếu bán đúng giá quy định thì ngân hàng không có lãi. Đó cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng thời gian qua không bán ngoại tệ tiền mặt cho người dân có nhu cầu chính đáng.
* Sẽ có thêm giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ và tỉ giá?
- Chủ trương sẽ là thực hiện nhiều giải pháp theo nhiều hướng khác nhau, cả trước mắt và lâu dài để hạn chế nạn đôla hóa nền kinh tế. Cụ thể là sẽ tiếp tục chấn chỉnh nạn mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen, phải làm mạnh và kiên quyết hơn. Hạn chế việc doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ nhằm giảm áp lực nhu cầu về ngoại tệ trong một thời điểm khi nhiều doanh nghiệp phải tìm ngoại tệ để trả nợ đáo hạn, gây sức ép lên tỉ giá. Để tăng nguồn cung ngoại tệ, Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (kết hối ngoại tệ), không được găm giữ như trước, khi cần sẽ được ngân hàng bán lại...
Ngoài ra, cũng sẽ tính toán đến các biện pháp lâu dài nhằm hạn chế giữ và vay USD. Có thể sẽ đưa ra một trần lãi suất huy động USD, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng USD của các ngân hàng. Như vậy, người giữ USD khi gửi ngân hàng không còn được hưởng lãi suất cao như thời gian qua, từ đó tạo ra sự hấp dẫn cho tiền gửi VND. Việc tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ khiến lãi suất cho vay ngoại tệ tăng lên cao, vay vốn bằng USD lãi suất không rẻ nữa, doanh nghiệp phải chuyển sang vay VND.
Tại cuộc họp, cũng có ý kiến cho rằng không nên áp dụng nhiều giải pháp hành chính khi quản lý ngoại tệ, vàng. Theo tôi, Nhà nước cũng cần thực hiện nhiều giải pháp kinh tế, kiểm soát chặt bội chi ngân sách, thực hiện đầu tư công hiệu quả... để ổn định sức mua của VND, từ đó tạo lòng tin trong dân. Đó cũng là cơ sở để thực hiện tốt việc quản lý thị trường ngoại tệ, vàng.
Đề xuất thành lập quỹ vàng Ngày 17-3, ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng - cho biết đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập quỹ vàng để ổn định thị trường vàng. Quỹ vàng sẽ là đầu mối nhập khẩu vàng, sau đó phân phối lại cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng, đồng thời sẽ là đầu mối thu mua vàng trong dân. Nếu giá vàng tăng cao do yếu tố tâm lý sẽ dùng quỹ này để can thiệp, trường hợp giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới sẽ xuất khẩu vàng để thu ngoại tệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận