08/03/2011 10:17 GMT+7

Thực phẩm: ở ruộng giá bèo, ra chợ ngất ngưởng

NHÓM PV KINH TẾ
NHÓM PV KINH TẾ

TT - Trong khi nhiều nông dân ở Lâm Đồng, Đồng Nai... đang khốn đốn vì giá rau rẻ như bèo, giá thịt, trứng thấp thê thảm thì nhiều người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao vô lý để lo cho bữa cơm hằng ngày.

rsgTDgHy.jpgPhóng to
Rau củ Đà Lạt bán trong siêu thị Big C, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
KzvneAIQ.jpgPhóng to
Chênh lệch giá cải thảo tại nơi thu hoạch ở Lâm Đồng đến khi đưa ra thị trường TP.HCM - Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Nhất Hùng

Nguyên nhân vì trên đường “từ trang trại đến bàn ăn”, nhiều loại thực phẩm bị “thổi giá” quá mức qua các khâu trung gian. Nhiều bà nội trợ có lẽ sẽ khó tin được rằng mình đang mua một mớ rau với giá đắt gấp nhiều lần giá mà người trồng rau thu được.

Chênh lệch 8 lần

Tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, một trong những nơi trồng rau chủ yếu cung cấp cho thị trường TP.HCM, nhiều loại rau củ từ nhiều ngày qua đang rớt giá thảm hại. Chị Trần Thị Lợi, xã Lạc Lâm, cho biết có gần bốn sào (4.000m2) cải thảo, nhưng nhiều ngày qua các vựa rau tại đây chỉ mua với giá khoảng 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tuổi Trẻ, với mức giá trên các thương lái đã thu gom cải thảo bán lại cho tiểu thương chợ đầu mối tại TP.HCM với giá 2.000-2.500 đồng/kg. Giá cải thảo lại tăng một mức khi các tiểu thương chợ đầu mối bán cho những người bán lẻ tại các chợ và cửa hàng, người bán dạo ở TP.HCM với giá 3.000 đồng/kg. Từ đây, cải thảo đi khắp các địa bàn tại TP.HCM và được bán với đủ mức giá khác nhau. Mức giá cao nhất mà chúng tôi ghi nhận được tại chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) là 8.000 đồng/kg, tức cao gấp 2,6 lần so với chợ đầu mối và gấp 8 lần so với giá bán của người trồng rau tại Đà Lạt.

Ngoài cải thảo, nhiều nhà vườn Đà Lạt đang phải cắn răng để bán rau theo kiểu “được đồng nào hay đồng nấy” hoặc bỏ mặc vườn rau vì có bán cũng lỗ công thu hái, trong khi đó người tiêu dùng vẫn phải ăn rau với giá cao. Ngày 7-3, các thương lái mua xà lách quắn với giá 3,5 triệu đồng/sào, cải dưa 500 đồng/kg, tất cả đều thấp hơn hồi sau tết 50-70%. Có lúc giá cà chua chỉ còn khoảng 500 đồng/kg khiến nhiều người bỏ mặc ngoài vườn, còn cải xanh thì cho bò sữa ăn.

Không chỉ các loại rau củ, giá nhiều loại sản phẩm chăn nuôi cũng có mức chênh lệch quá lớn giữa giá tại trại và giá bán tại chợ. Gần hai tháng nay, hàng loạt trại nuôi gà đẻ trứng tại Đồng Nai rơi vào cảnh lỗ nặng do giá trứng luôn ở mức thấp hơn giá thành. Theo tính toán của chị Hy - chủ một trang trại hơn 100.000 con gà nuôi lấy trứng tại xã Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, giá thành tại các trại lên tới 1.280-1.300 đồng/trứng, thậm chí những trại quy mô nhỏ có giá thành lên tới 1.350 đồng/quả.

Trong khi giá trứng gà bán tại các trại chỉ ở mức 1.200-1.250 đồng/quả, riêng trứng loại hai có giá 1.150 đồng/quả và loại ba 1.050 đồng/quả. Tuy nhiên theo các chủ trại, các thương lái thường ép giá trứng loại ba với lý do khó bán nên thực tế giá trứng loại này chỉ ở mức 9.800-10.000 đồng/chục.

Trong khi giá trứng tại trại quá thấp thì giá trứng bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại cao hơn 50-100%. Theo khảo sát của chúng tôi ngày 7-3, giá trứng tại các siêu thị trên địa bàn TP.HCM hiện phổ biến 19.500-20.000 đồng/chục, cao hơn xấp xỉ 60% so với giá bán của người chăn nuôi. Tại các chợ bán lẻ, mức chênh lệch này càng cao hơn, từ 22.000-25.000 đồng/chục, cao hơn 80-100% so với giá gốc.

Ép nông dân

Ông Lê Thanh Phương, giám đốc chăn nuôi của Công ty TNHH Emivest, cho rằng người tiêu dùng đang phải trả mức giá cao vô lý, trong khi người chăn nuôi lỗ nặng vì bán dưới giá thành. Nghịch lý trên bắt nguồn từ việc các thương lái toàn quyền định đoạt giá mua sản phẩm của người nuôi, trong khi người bán lẻ tự ý quyết định giá bán cho người tiêu dùng. Theo giới kinh doanh, mức chênh lệch giá trứng giữa giá gốc (trại) và bán lẻ khoảng 400 đồng/quả là hợp lý, nhưng các nhà kinh doanh vẫn giữ giá bán bằng với mức giá tại thời điểm giá trứng đầu vào ở mức 1.600-1.700 đồng/quả.

Theo tính toán của anh Nguyễn Thọ - một người chuyên kinh doanh trong ngành rau củ, trong kinh doanh rau những chi phí cộng thêm như tiền công, bao bì, hao hụt và vận tải hết khoảng 900 đồng/kg, mức lời của thương lái 50-100 đồng/kg rau. Như vậy giá tại chợ đầu mối tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với giá tại Đà Lạt là hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế giá rau củ bắt đầu tăng mạnh kể từ chợ đầu mối đến chợ bán lẻ.

Ông Nguyễn Đức Dương, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết toàn bộ rau củ bán tại sạp được lấy từ chợ đầu mối Bình Điền, mặc dù có nghe nguồn rau củ tại Đà Lạt rất dồi dào, giá cả đang rớt nhưng các tiểu thương bán sỉ vẫn giữ giá hoặc đẩy giá lên với lý do xăng dầu tăng giá. “Chợ lẻ căn cứ vào giá của chợ đầu mối, sau đó bán ra sao cho giữ được mức lời 2.000-3.000 đồng/kg rau các loại. Xà lách lấy vào 12.000 đồng, bán 15.000 đồng/kg. Dưa lấy vào 12.000 đồng, bán 14.000 đồng/kg” - ông Dương cho biết.

Cung cấp mặt hàng rau quả Đà Lạt về TP.HCM từ nhiều năm qua, anh Hoàng Hữu Tân - Công ty Đà Lạt rau và hoa - cho biết những ngày gần đây giá bán nhiều mặt hàng rau từ các nhà vườn tại Đà Lạt cho thương lái bị rớt mạnh nhưng giá tại chợ bán sỉ, bán lẻ tại TP.HCM vẫn giữ, thậm chí còn điều chỉnh tăng là do tập quán kinh doanh mặt hàng này đang có lợi thế cho thương lái, tiểu thương. Theo anh Tân, từ nhiều năm nay tiểu thương chợ đầu mối tại TP.HCM vẫn giữ nguyên hình thức phải nhận được hàng từ Đà Lạt chuyển xuống, sau đó mới báo giá lại.

Nông dân và thương lái gom hàng tại Đà Lạt hoàn toàn rơi vào thế bị động về giá cả. Dù bị các tiểu thương chợ đầu mối ép giá thấp cũng đành phải chấp nhận vì đó là nguồn tiêu thụ và hàng đã chuyển xuống. Do đó, trong đợt rau giảm giá vừa qua, không chỉ các nhà vườn điêu đứng mà các đại lý rau ở địa phương nhiều khi cũng chung số phận. Một đại lý rau ở xã Lạc Lâm cho biết chỉ làm công việc mua rau của nông dân rồi chuyển về cho các vựa ở TP.HCM đúng số lượng và chủng loại rau. Vài hôm sau các vựa rau ở thành phố mới gửi “bông” (báo giá bán) về, khi đó mới biết rau của mình bán được giá bao nhiêu.

Người dân khốn khổ

“Trứng làm ra bán hằng ngày đều chịu lỗ, nhưng đàn gà không thể không chăm sóc. Nếu tình hình này kéo dài một thời gian, nhiều người chăn nuôi gà lấy trứng chắc chắn sẽ phá sản và vỡ nợ...” - chị Hy lo lắng.

Theo nhiều người chăn nuôi, mặc dù trứng đều được tiêu thụ hết nhưng các thương lái viện đủ lý do để ép giá người chăn nuôi. Anh Khoa - chủ một trại gà tại Trảng Bom, Đồng Nai - bức xúc cho biết các thương lái thường sử dụng chiêu bài nguồn cung nhiều, trứng lạnh còn tồn đọng từ trước tết và đây là mặt hàng... bình ổn giá!

Điều lo lắng của các trại chăn nuôi gà đẻ là giá thức ăn chăn nuôi cứ liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa kể các chi phí khác như điện, nước, nhân công... cũng đều tăng. “Cái gì cũng tăng, chỉ có giá trứng là không, người chăn nuôi như tụi tui làm sao sống nổi!” - anh Khoa bức xúc.

Theo ông Lê Thanh Phương, khâu phân phối vẫn giữ mức giá bán cao đến tay người tiêu dùng đang gây ảnh hưởng tai hại đến người chăn nuôi. Do giá ở mức cao, sức mua của người tiêu dùng không tăng mà còn giảm do tác động của lạm phát khiến giá bán sản phẩm của nông dân không thể nhích lên.

Nên vào siêu thị mua rau rẻ

Theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn mua rau rẻ và an tâm về chất lượng thì vào siêu thị. Lâu nay người dân có tâm lý cho rằng hàng ở siêu thị bao giờ cũng đắt hơn hàng cùng loại mua ở các chợ lẻ. Tuy nhiên, điều này hiện nay đã không hoàn toàn đúng nữa. Cùng với chương trình bình ổn giá của TP.HCM, chương trình ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các siêu thị với người dân, giá các loại rau củ trong siêu thị thường ổn định và thấp hơn bên ngoài. Chưa kể các mặt hàng này trước khi đưa vào siêu thị thường phải trải qua các khâu kiểm tra về chất lượng nên người tiêu dùng có thể yên tâm hơn mua rau bên ngoài.

Theo đại diện hệ thống Saigon Co.op, do siêu thị đã có các chương trình ký kết thu mua rau củ quả tận gốc tại nhà vườn ở Lâm Đồng, Hóc Môn (TP.HCM), Tiền Giang nên việc thỏa thuận với nhà cung cấp để siêu thị bán ở mức giá hợp lý cũng được tính đến. Với mức giá 3.900 đồng/kg đối với su su, khoảng 8.900 đồng/kg với xà lách, chừng 5.900 đồng/kg cho cà chua, vị đại diện này cho rằng đây là mức giá rẻ hơn rất nhiều so với ngoài chợ lẻ.

Trong khi đó, bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết chi phí vận chuyển thông thường chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm, chưa kể các chi phí khác như chi phí quầy kệ, nhân viên bán hàng, bảo quản, kho bãi, chi phí hao hụt từ sản phẩm hư... Tuy nhiên, theo lý giải của bà Trang, sở dĩ giá rau củ quả trong siêu thị thấp hơn giá bán lẻ bên ngoài vì siêu thị mua với số lượng lớn, chưa kể các hợp đồng được ký kết dài hạn nên vấn đề kiểm soát giá được quản lý khá chặt.

Còn theo ông Lê Thanh Phương, tình trạng hiện nay giống với Malaysia nhiều năm trước khi giá bán sản phẩm chăn nuôi của người dân ở mức thấp và giá bán lẻ quá cao. Các công ty chăn nuôi lớn buộc phải đầu tư hệ thống giết mổ và đưa các xe lưu động đến bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng với giá rẻ.

NHÓM PV KINH TẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên